.

Làng trọng sĩ

.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 8-2007. Ngoài giá trị vật thể, nơi đây còn lưu truyền những giai thoại phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân một thời.

Thạc Gián và Thanh Khê

Trùng tu Đình làng Thạc Gián để bảo lưu giá trị
văn hóa xưa.

Thạc Gián là một trong những làng hợp thành vùng đất Đà Nẵng xưa. Đình làng ban đầu bằng tranh tre, được bố trí riêng trên một khu đất giáp với một bàu sen, gọi là bàu Làng, nối với biển Thanh Bình bằng một con lạch nhỏ. Trong khuôn viên rộng trên 5ha này, quần thể di tích gồm Đình làng, nhà Hồi hương, nhà Trù, miếu Âm linh đã tạo nên một nét độc đáo của văn hóa làng ở Đà Nẵng.

Nhà Hồi hương đấu lưng với đình làng, có ba bộ cửa thoáng đãng. Khi đình còn tranh tre thì nhà Hồi hương được gọi là Dịch trạm - nơi dừng chân ngơi nghỉ của quân lính đưa văn thư hoặc các quan từ Huế vô. Sát liền bên là nhà Trù (bếp) với đầy đủ dụng cụ bếp núc, không có cửa, gần với giếng làng, khách phương xa có thể tự nấu nướng qua bữa.

Giếng làng đã trên 200 năm, nước rất tốt, mỗi khi có cúng giỗ, lễ Tết, dân làng gánh nước về nấu cúng. Chếch về phía hữu đình có miếu Âm linh với tấm bia sa thạch ghi bốn chữ Hán “Thạc Gián xã Nghĩa trủng” được lập năm Thành Thái thứ 19 (Đinh Mùi - 1907). Di cốt của các anh hùng nghĩa sĩ an táng ở nghĩa trủng ngày xưa đã được dời lên Gò Cà.

Xưa, khi chưa có đường đèo Hải Vân, từ Huế vào Đà Nẵng phải đi bằng đường biển. Một đường vào cửa Thanh Bình, theo lạch lên bến sông trước đình Thạc Gián. Một đường vào cửa sông Phú Lộc, đi qua Quán Cơm, rồi đến vùng Thanh Lộc Đán ngày nay.

Như tên gọi, địa danh Quán Cơm là nơi có quán cơm cho khách bộ hành vãng lai, nay nằm trong khuôn viên Trường Đại học Thể dục – Thể thao Đà Nẵng. Cửa sông Phú Lộc xưa nước trong xanh, tương truyền, khi Cao Bá Quát qua đây, nhìn cảnh sắc lạ lùng, bảo: Đất nước mình phong phú thật, ngay sát cửa biển lại có một vùng Thanh Khê (khe nước xanh), trong khi ở Trung Hoa thì trên núi mới có.

Lấy đạo lý làm trọng

Đó là phương châm sống của người dân Thạc Gián, như những câu chuyện được lưu truyền dưới đây.

Chuyện thứ nhất. Một học trò người Thạc Gián cất công sôi kinh nấu sử, thi đỗ, ra làm quan. Về làng, ông quan xây một ngôi nhà lớn, đề trước cổng một câu đối. Một ông cụ làm nông trong làng xem qua, không vừa ý. Một lần, gặp ông quan ở nhà Hồi hương, ông cụ bảo: Ông chừ ra làm quan, có chữ nghĩa nhất làng, nhưng câu đối đó chưa đúng đạo lý, đề nghị ông về sửa lại.

Ông quan về nghĩ nát óc mà vẫn không biết câu đối của mình sai ở chỗ nào, bèn nhờ cụ già chỉ bảo. Câu đối thế này: Hải vãng băng bình, khuất khúc châu sa môn tiền củng/ Thạc nhơn trọng vọng, vãn thủy hồi loan hộ ngoại triều. (Biển rút ra để lại hồ đầy lục bình, ẩn hiện những hạt châu quay về trước cửa/ Người của đất Thạc Gián được trọng vọng, nước chảy, chim loan chầu ngoài nhà).

Cụ già bảo vế thứ hai sai với đạo của kẻ sĩ. Sau khi đỗ đạt, kẻ sĩ hành xử đúng đạo là phải biết nhớ đến quê hương, tiên tổ của mình, bao giờ cũng thấy mình nhỏ bé hơn người khác. Dùng mấy chữ “Thạc nhơn trọng vọng” là không khiêm tốn. Trọng vọng hay không là do người đời nhìn nhận chứ không phải tự vỗ ngực rồi huênh hoang bảo rằng mình được cả thiên hạ trọng vọng. Nên đổi lại là “Thạc nhơn tổ mẫu”, nghĩa là nhờ ơn bà Tổ mẫu người Thạc Gián (mà tôi được như thế này).

Quan nghe giật mình, về nhà chỉnh lại câu đối ngay. Tuy bị “sửa lưng”, nhưng ông quan vẫn quý trọng ông cụ làm ruộng, hai người kết thành tâm giao tri kỷ.

Chuyện thứ hai. Thạc Gián xưa có nhiều đường ngang ngõ dọc, đâu cũng sạch sẽ, quang rạng. Một hôm, ông Lý trưởng ngang qua nhà nọ thấy cảnh không vừa ý, liền lớn tiếng hỏi vọng vào: Có đứa mô trong nhà không bây? (Khi bực mình, các cụ xưa gọi kẻ dưới là “bây”). Thưa có – trong nhà trả lời. Răng bây để tre ngả trên đường mà không chịu đốn đi? Nghe hàng xóm nói nhà này có ông Tổng đến thăm, ông Lý tiếp luôn: Nếu có ông Tổng, mời ổng ra đây cho tui gặp.

Ông Tổng nghe tiếng, đi ra, hỏi: Có việc chi mà cụ lớn tiếng? Rứa cụ có biết có ông Tổng trong nhà ni không? Ông Lý dõng dạc: Nếu có ông Tổng thì tôi xin gặp ổng để nói cho ổng biết rằng, trước khi ổng vô đây, thấy tre ngả nghiêng như rứa thì phải biểu tụi nó chặt đi. Ông Tổng rạp người bái tạ: Cảm ơn lời dạy của cụ, con là ông Tổng đây!

Kể lại những chuyện này, một ông người Thạc Gián (không muốn nêu tên) kết luận: Đạo lý người xưa là thế, trọng lẽ phải chứ không trọng chức quyền. Việc này được minh định trong hương ước ngày xưa: trước nhất là trọng sĩ, sau mới trọng tước.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.