.

Đừng vô cảm

.

Khi nói về những di tích (DT) lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều người tỏ ra lo lắng khi một số di tích có nguy cơ bị bào mòn nghiêm trọng bởi thời gian, trong khi việc trùng tu thì được tiến hành một cách chậm chạp. Điều này đang hiện rõ ở những DT chưa được xếp hạng dù Luật Di sản văn hóa đã có 7 năm đi vào cuộc sống.

Cha chung không ai khóc

Trong khi đình Hưởng Phước ngói vỡ, cỏ mọc...

Giữa cái nắng nóng của tiết trời mùa hạ, trên sân đình nhiều loại cây tạp đang chen nhau mọc giữa một không gian chật chội. Cạnh đó, tiếng ồn ào như ong vỡ tổ mỗi khi đến giờ ra chơi của học sinh tiểu học. Những chiếc lá bàng cong vênh, vỡ giòn tan khi có bước chân người giẫm lên. Trên mái đình, toàn bộ phần ngói âm dương đã vỡ vụn, được phủ một tấm bạt lớn, thỉnh thoảng bị thổi thốc lên bởi một cơn gió nhẹ. Phần vỡ vụn của ngói, gạch được quét dồn lại một góc.
 
Tường loang lổ những mảng rong rêu thỏa sức bám đầy bởi không khí ẩm thấp. Nhiều cột gỗ nằm lăn lóc. Trên bàn án chỉ để lư hương và 4 tấm biển lớn còn nguyên vẹn - điều thiêng liêng cuối cùng còn giữ được đến nay. Tất cả được che chắn sau chiếc cổng tre với những cành cây khô đan vào nhau ngang dọc. Quanh khuôn viên đình, cỏ lau mọc um tùm thành từng cụm lớn, xâm chiếm hết khoảng đất trống.

Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm đình làng Hưởng Phước, thuộc thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình cổ này đã được gióng lên từ lâu trong nhiều cuộc họp của dân làng địa phương nhưng chưa được xử lý. Theo ông Nguyễn Hữu Long, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên, mưa nắng và thời gian đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt của đình làng Hưởng Phước, quá trình này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2006-2007. Ước tính kinh phí trùng tu là 700-800 triệu đồng nhưng đến nay đình vẫn xuống cấp, còn tiền thì… chưa thấy đâu. Mỗi khi nghe họp, người dân lại hồi hộp chờ đợi động thái từ chính quyền nhưng tất cả chỉ đưa ra bàn bạc rồi... để đó!

Theo thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tất cả 14 di tích (DT) được xếp hạng DT Quốc gia, 27 DT cấp thành phố và 277 DT chưa được xếp hạng. Điều đáng nói ở đây là những DT chưa được xếp hạng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân.

Cụ Bùi Đức Trí, thư ký Hội Người cao tuổi xã Hòa Liên, sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng thăm đình, bức xúc: “Bàn đã nhiều và chờ cũng lắm. Nhiều nhà báo đã từng đến đây chụp ảnh, viết bài, bà con hân hoan đón đọc rồi hy vọng, nhưng cuối cùng hiệu quả tuyên truyền cũng chưa thấy đâu. Biết là thành phố còn hàng trăm DT như thế này nhưng với chúng tôi, đình Hưởng Phước như linh hồn của làng, nó mai một thì đời sống văn hóa, tâm linh của thế hệ trẻ có nguy cơ mai một theo. Tôi chỉ lo như thế”. Lời tâm sự của cụ Trí khiến chúng tôi cảm nhận có cái gì đó xót xa, nuối tiếc cho sự xuống dốc của một mái đình đã hơn 15 lần nhận sắc phong của các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định.

Lâm vào tình trạng tương tự, đình Thần Nông ở Hòa Châu, huyện Hòa Vang cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, ngôi đình cổ này đã bị che kín lối vào, sự biệt lập này làm cho việc đi lại, chăm sóc hương khói cho đình gặp nhiều khó khăn. Nhiều góc tường không còn nguyên vẹn, nhiều chỗ gạch đã mục nát, rong rêu... Bên trong, nhiều rui, mè đã bị mối, mọt xâm lấn. Mùa mưa, từng dòng nước chảy vằn vện trên bờ tường loang lổ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

 ... thì đình Thần Nông (Phong Lệ) nhiều góc tường không còn nguyên vẹn.

Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, vấn đề bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các DT văn hóa - lịch sử đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí, kế đến là vấn đề con người chưa bảo đảm. Ông Vân cũng đưa ra một so sánh, tại các nước tiên tiến như Trung Quốc, Nhật Bản, việc trùng tu DT được tiến hành khá công phu và tuân thủ nguyên tắc 3-1. Lộ trình trùng tu bài bản đòi hỏi thời gian, nhân sự, kinh phí cho nghiên cứu DT phải gấp 3 lần thời gian, nhân sự, kinh phí dành cho trùng tu DT.

Thế nhưng, ở Việt Nam nhiều DT phần lớn chỉ được… ngó đến khi chúng đã ở trong tình trạng khó cứu chữa và cần cứu chữa. Cũng theo ông Vân, điểm yếu của chúng ta là phần lớn việc dự toán ngân sách trùng tu chỉ được ước tính bằng… mắt rồi phán một con số kinh phí tương đương với tình trạng DT đó. Cuối cùng, nhà ngói cũng như nhà tranh, mức kinh phí thường sàng sàng ngang nhau, dễ dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí, chắp vá trong quá trình thi công, tu sửa. Đó là chưa kể đến nhiều DT chưa được xếp hạng, người dân tự ý sửa chữa theo khả năng của mình.

Quay lại đình Hưởng Phước, ông Long cho biết thêm, để đình mục nát là điều không mong muốn của bất kỳ ai sống trong không gian văn hóa làng. Đình làng từ muôn đời nay vẫn là nơi chốn đi về của lớp lớp cháu con. Những câu chuyện thiêng liêng của quá khứ đều mang giá trị tinh thần khó đổi thay, nhưng sự xâm hại của thời gian đã làm đổi thay ngôi đình xưa cũ.

Dù muốn giữ lại nguyên vẹn DT của cha ông nhưng cuộc sống còn muôn phần khó khăn thì người dân làm sao có thể quyên góp một số tiền lớn đến mấy trăm triệu? Tất cả đành chờ đợi động thái tích cực từ chính quyền dù biết rằng, để được xếp hạng, đình Hưởng Phước phải được phục dựng hơn 50% giá trị vốn có.

Còn theo lời một cán bộ đang công tác trong ngành văn hóa, giá trị của đình làng chưa hẳn nằm trên giá trị vật thể mà còn phụ thuộc vào giá trị phi vật thể. Vì vậy, dù một mảnh nhỏ của quá khứ mà được dân làng trân trọng thì nền văn hóa ấy sẽ được gìn giữ trong tâm thức của mọi người. Làm sao để đình không bị mục nát, lãng quên là trách nhiệm không của riêng ai. Những DT đã bị mục nát, bụi bặm, không được chăm sóc thì không thể xếp hạng được vì dân làng đã quay lưng lại với chính linh hồn của họ?!...

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.