.

Lời hứa của chiến tranh

.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trên màn hình xanh có đốm đèn sáng.

Bính boong

binh boong

* * *

- Lên mạng sớm thế?

- Sớm gì đâu, bốn giờ sáng rồi?

- Sao không ngủ được - Vẫn dậy như vậy mà đêm qua mơ. Tỉnh dậy buồn thế.

- Sao lại buồn. Mơ gì?

- Chuyện cũ ấy mà.

- Chuyện cũ thì có gì phải buồn. Cho nó qua phắt đi.

- ???!!!

- Quên đi cho vui vẻ. Cuộc đời mấy tí. Mà chuyện gì ghê vậy. Kể đi.

- Ừ kể nhé. Nghe không?

- Nghe!

- Năm ấy, đói lắm. Bọn tớ ở trong rừng Lào. Mùa khô, chung quanh toàn là rừng khooc. Nước cũng khan hiếm, chứ chả nói gì tới rau môn, rau thục. Thú cũng trốn hết. Vả lại bom đạn suốt ngày chúng chạy đâu sạch.

- Hồi đánh Mỹ hả?

- Ừ. Một ngày chỉ có ba lạng gạo, sức trai thèm ăn lắm. Khi ấy mình hai hai tuổi. Tiểu đội có sáu thằng, cắm chốt ở một điểm ven tuyến, thay nhau trực. Ba thằng lên trực 12 ly 7, ba thằng ở nhà nghỉ.

- Rồi sao?

- Hôm ấy đói quá, mình và thằng bạn. Nó tên là Long. Nhà ở Hàng Chai, rủ nhau cầm súng đi quanh xem có cái gì bắn không, mà nhét vào bụng. Đi mãi, trời sắp tối, rừng khooc lá to rụng đầy, nom như cái bánh đa lại nhớ nhà, nhớ bà bán bánh đa quạt thơm phưng phức ở đầu ngõ. Thằng Long bảo, giá bây giờ tất cả lá khooc biến thành bánh đa nhỉ?

- Buồn cười thế. Bây giờ chả ai đói như vậy mà mơ một cái bánh đa!
- Ừ, khi người ta đói chỉ mơ ăn mơ uống.

- Rồi sao?

- Bỗng nghe tiếng đập, tiếng ai đó thở. Nhìn ra, ven con tuyến vừa mở qua rừng, thấy một chiếc xe Jin 130 nằm dưới bụi le to tướng. Xấn xổ đi tới. Thấy một gã, chắc là lái xe, lưng trần, đang hì hụi lăn cái bánh xe về phía sau xe. Chạy lại. Hóa ra một tay lái xe, chắc đêm qua vượt ngầm bị bom. Hắn giật mình quay lại. Mồ hôi đầm đìa trên mặt, trong hốc mắt, trên ngực. Hắn già hơn tụi mình tới năm sáu tuổi. Bảo, đừng sợ. Quân ta! Xe hỏng hả? Ừ, đang mệt bỏ mẹ đây!.- Hắn nói - Đêm qua nó xơi mất ba lốp. Vừa vá xong.

- Rồi sao? Chuyện thế mà buồn!

- Nghe kể tiếp đi.

- Ừ, kể tiếp đi vậy!

- Hai đứa mình lại bên tay lái xe. Để tụi em giúp một tay. Bọn mình giúp hắn lắp cái bánh xe to vật. Hóa ra bom bi xơi tái ba cái lốp hắn phải hì hụi vá. Lại két nước thủng. Thấy hắn chít lại mấy chỗ nước rỉ ra chồ bằng xà phòng. Tóm lại là nửa tiếng sau cái xe run run nổ máy và hắn nhảy xuống cười bảo, tối nay đi được rồi. Hắn, tay lái xe bấy giờ móc trong túi một gói Sông Cầu nhầu nát: Các chú hút không? Có chứ! Mắt tôi và Long sáng lên. Lâu lắm mới thấy thuốc lá. Trong rừng, đã gần hai năm, bọn tôi toàn hút thuốc lào. Hết thuốc lào thì lấy dao cạo tre ra, ngâm vào nước điếu hút lại. Bây giờ thuốc lá thơm nức, đầm đậm. Chúng tôi nằm dài trên đất, ngửa mặt nhìn trời chiều còn xanh leo lẻo, rít thật sâu vào lồng ngực thứ khói thuốc đê mê khi thở ra màu khói cũng trong. Thèm thuốc nhỉ? Ừ, bọn em ở trong này chẳng được tiếp viện.
 
Tôi hút hết điếu thuốc không bị sao, nhưng thằng Long thì mắt trợn ngược nằm hai tay giang ra, thở hồng hộc. Nó đói nên say thuốc. Mắt nom thật sợ. Sao thế? Không sao đâu. Đói quá nên nó say thuốc. Nó vẫn vậy. Thế hả? Tay lái xe lên ca-bin, lấy xuống một cái soong. Ăn đi, tớ vừa ăn xong. Chúng tôi nhìn vào soong, chỉ còn khoảng hai bát mì xào lẫn thịt hộp thì phải. Miếng mỡ trong như nhìn xuyên được qua. Nom thật thèm và, những sợi mì óng mỡ hộp, lẫn trong đó mấy sợi thịt màu nâu. Chả khách khí gì, hai đứa bốc lấy bốc để.

Nhoáng cái, trơ cả soong. Tay lái xe có vẻ ái ngại. Đói nhỉ! Tiếc quá, cái thùng lương khô và thức ăn rơi mẹ tối qua lúc chạy bom rồi. Đường vừa bị bom rải, bọn công binh vội thông xe, toàn ổ voi ổ trâu, xóc như xóc ốc. À mà còn cái này. Nói rồi, hắn lại lên ca-bin và lấy xuống một hộp. Ăn đi, hắn quẳng toạch xuống nền rừng. Chúng tôi nhìn tay lái xe bật nắp, hắn lấy mũi dao găm khoáy lớp nhôm đậy bên trong. Miếng nhôm rời khỏi hộp cong lên, hiện ra thứ bột trắng vàng. Trời ơi, sữa! Nuốt nước bọt ừng ực.

Lâu quá rồi! Loại sữa một ký này, chỉ có cánh lái xe hay sĩ quan tiểu đoàn mới có. Hồi chuẩn bị đi B, chúng tôi cũng được mỗi thằng một hộp. Song lâu quá rồi, hai năm trôi qua thì tới mùi vị cũng quên cha nó mất. Chả ngần ngại, hai đứa lấy cái lá nháp ngay bên cạnh làm thìa và xúc lấy xúc để. Mép thằng Long trắng. Chắc mép tôi cũng như vậy. Nhìn hai thằng ăn, tay lái xe thủng thẳng nói: Hôm nay xe toàn đạn cối, bận sau chở gạo, tớ quẳng cho một bao. Các cậu ở gần đây không? Tôi chỉ sang bên bìa rừng. Chỗ con suối cạn. Ừ, nghe tiếng xe tớ thì ra nhé. Tới đây, vượt qua hai cái ngầm, và đỉnh dốc 332 chắc có sớm phải 1 giờ đêm.

Ngủ quên thì tớ tới, quẳng gạo xuống gốc cây này. Hay quá, cảm ơn anh. Tay lái xe lại hỏi có nước gần đây không? Có ngay bên kia. Có vũng nước rỉ ra còn một vũng. Tay lái xe đi. Hai đứa bọn tôi nhồm nhoàng ăn. Ngọt và ngậy thế. Thằng Long chợt bảo, còn thằng Đại ở nhà, rủ nó mà nó không đi, về kể lại, chắc thèm tới chết. Ừ, lấy bỏ ít vào đâu cho nó. Không có gì đựng, tôi bèn vộc hai ba nhúm cho ngay vào túi quần. Thằng Long cũng làm như tôi. Thoắt cái, tay lái xe quay lại. Nước tanh quá. Toàn nòng nọc cóc.

Tớ tí nữa vốc uống phải mấy chú nòng nọc. Ừ, nước cặn sót lại, mà toàn lá mục thôi. Các cậu ở đâu. Nước uống lấy chỗ nào? Xa lắm, phải gùi tận rừng xanh, cách đây ba cây. Thế hả. Trời sập tối. Tiếng máy bay C130 lại ì ì vọng về. Thôi, tớ đi đây kẻo tối, bật đèn gầm nó xăm thấy. Ừ, anh đi đi. Xe nổ máy, chầm chậm bò đi. Tay lái xe cởi trần, mặt hướng về phía trước, nửa thân chợt nhô khỏi qua ca-bin không kính. Ở lại nhé! Anh đi nhé - Hai đứa gào lên trong khu rừng trống toang- Nhớ nhé, cho tụi em ít gạo. Ừ nhớ chứ! Anh hứa!

Chúng tôi ra về. Long bảo, lão ta có quay lại không? Quay lại chứ, người lính mà! Lính đã hứa rồi. Tôi nói như đanh đóng cột.

Về tới gần nhà, Long đã gọi to, Đại ơi, ra... ra... ăn sữa. Đâu? Thằng Đại là nông dân làng Đông Trù, mới 19 tuổi, thân với Long lắm. Nó chắc đang ngủ, nghe gọi, nhao phắt từ hầm lên, mắt sáng rực. Đâu, sữa hả? Béo bở thế? Kiếm ở đâu thế? Ăn đi, không hỏi. Chúng tôi rũ bột sữa từ túi quần ra. Túi quần lính sao mà sạch. Sữa lẫn bụi, cát, cả những sợi vải, sợi thuốc rê đã khô dắt trong thớ vải đã mốc meo lẫn vào đám sữa trắng ngà. Tội, thằng Đại cứ thế bốc. Nó ngửa cổ thả vào lưỡi. Ngồi bên cảm thấy họng mình cũng ngọt. Một loáng, nó thè lười liếm tất cả, cả mấy sợi vải có dính sữa trên miếng ni-lon chúng tôi dốc sữa trong túi quần ra. Nó liếm đi liếm lại làm miếng ni-lon bóng lên. Hết! Đại thở phào có vẻ sung sướng lắm.

Các cụ nói chả sai. Đúng là trong rủi có may, trong may có rủi. Đêm ấy cả ba thằng lăn ra sốt rên hừ hừ. Suốt đêm cả ba thằng đau quằn quại trong hầm. Đấy là lần đầu tiên ở Trường Sơn biết sốt rét. Thì ra chúng tôi bị bọn muỗi tiêm vi trùng sốt rét đã lâu. Sức trai làm bọn vi trùng nằm yên trong gan chờ thời. Bây giờ, lâu lắm mới có tí đạm, lại nốc cho lắm vào, gan phải hoạt động, thế là đám vi trùng được dịp nhao lên. Tôi đau như dần, khắp người như có hàng ngàn mũi kim chích. Đầu đau như búa bổ và khi thì nóng lúc thì rét.

Hôm sau, đám trực không được thay phải gọi y tá tới. Ba bốn ngày mới thấy thằng y tá đại đội đến, cười nhoẻn như chả có việc gì xảy ra và chích cho mỗi thằng một phát vào mông đít. Nó bảo, ăn thua mẹ gì. Ở Trường Sơn, chả có thằng nào thoát sốt rừng cả, sốt sớm thì còn sống, cứ dằng dai mãi không sốt mà sốt là đi tàu bay ngay. Thế đấy, cái mạng thằng lính hồi ấy như vậy. Mà nó nói thật. Gần bảy tám năm, đại đội tôi, hơn chục mạng đi Ma Cao vì thứ bệnh quái quỷ ấy.

Rồi cũng qua đi. Mùa khô vẫn chầm chậm trôi như cái đói hành hạ đêm ngày. Bọn tôi khỏe dần và lại trực, lại bắn và bám tuyến cũng như thay nhau nghỉ trong khu rừng khooc mùa khô ấy với cái bụng lép kẹp và giấc mơ bánh đa nướng.

Nhưng từ sau hôm khỏi bệnh, ngày nào cũng mong tiếng xe ì ì. Tối mệt ngủ quên thì sáng hôm sau chạy ra nơi hẹn. Ban ngày nghe tiếng xe ì ì là tất tưởi chạy ra. Hơn hai tuần, ngày nào cũng như vậy. Song không hề thấy cái xe Jin 130 nào và bao gạo như lời hứa của người lính. Chờ mãi như vậy, mỗi khi bò ra khoảnh rừng ven tuyến ấy và về không, thằng Long luôn mồm chửi, đíu mẹ hứa với chả hẹn, chắc hứa láo rồi! Mình thì im lặng. Chả nhẽ cái lão ấy khốn mạt thế, hứa hão! Không! Lão ta nhất định không hứa hão. Tôi hy vọng! Nhưng có thấy lão ta đâu, mà theo như lão ấy nói thì cứ ba ngày, lão ta qua đây một lần, như thế lão đã qua đây ba bốn bận rồi. Hay là lão quên?

Cái khoảng rừng ấy bắt đầu bom cày nham nhở. Con đường tuyến bắt đầu lộ ra và đất bị bánh xe, bom đạn cày xéo nhào lên lộn xuống thành một lớp bụi mát dày lút bắp chân. Tôi hy vọng làm chi.

Một sớm bỗng nghe tiếng xe ì ì và tiếng người nói xôn xao. Xe, hình như có xe đến! Cả ba chúng tôi nhao ra khoảng rừng ấy. Xe thật. Hai chiếc Jin 130 chềnh ềnh nơi rừng cũ. Ba tay lái xe đang ngụy trang. Chúng tôi chạy lại, xấn xổ giúp họ. Có ai bị thương không? Tôi nhìn chiếc Jin 130 bị vỡ tung cả sườn xe và nắp ca- bin rúm ró. Không, bọn mình bị lũ C130 chặn ở đỉnh dốc, dừng lại ở đó suýt chết. Vượt được thì sáng rồi, không đi tiếp nữa. Ừ, trời sáng mà qua đỉnh A, tụi OV10 nó tóm sống. Bọn tôi chỉ cho mấy tay chỗ nước cạn chỉ còn xâm xấp nước đủ chao mặt và tay cho hết bụi. Cánh xe chạy đêm, trên con đường bụi dày tới bụng chân ấy, tóc anh nào cũng trắng phớ, như nhuộm màu đất trắng.
 
Đại trở về chỗ bọn tôi ở, xăm xái mang đến một ống bương nước. Bọn tôi nấu cơm. Cơm lái xe có bột trứng, có rau cải khô và Ca-la-thầu giòn tan. Thịt cả hộp khui ra mỡ vàng óng. Được bữa no cật dạ. Ăn xong nằm xoài nghe cánh tôi kể chuyện bọn tôi giữ chốt đây ra sao. Tôi chợt nhìn cái đầu xe, hai tai xe đã rụng, có dòng chữ BT14. Các anh cùng đoàn anh An. An hả? Đúng BT.14 mà. Đồng hương hả? Không! Anh em à? Không! Thế sao quen? Anh ấy cũng vào đây ba tuần trước hứa quẳng cho tụi em ít gạo. Thế hả? Tay lái xe ngồi dậy. An hy sinh rồi. Sao, tôi bật dậy. Ừ, đêm Hai Ba, hắn quay lại binh trạm, bị ăn trọn quả cối 130. Thảo nào, lúc hắn quay xe đã gom hết gạo dư của cánh tớ, bảo cho mấy thằng em. Hóa ra là An đã dành gạo gom cho các cậu! An mất rồi.

Tôi nhẩm bấm ngón tay, đúng sau cái đêm, anh lái xe ấy hẹn quay lại. Trời ơi, hóa ra anh ấy đã hy sinh chứ không phải nuốt lời hứa....

Thế! Chuyện có vậy.

- Ôi chuyện buồn nhỉ?

- Ừ chiến tranh mà. Lời hứa của chiến tranh nhiều khi muốn giữ mà không được.

* * *

Im lặng tới vài phút. Chả ai nói gì, có hình cười cười hiện ra trên màn hình.

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.