PGS.TS. NGUYỄN TẤN HÙNG, Đại học Đà Nẵng
Kỳ 1: Đổi mới, nhưng chưa thống nhất
Các thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội trong tiếng Việt tuyệt đại đa số có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, chủ yếu được dịch trực tiếp từ các thứ tiếng: Hy Lạp (H), Latin (L), Anh (A), Pháp (P), Đức (Đ), Nga (N), hoặc gián tiếp thông qua tiếng Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên, các thuật ngữ này có nhiều trường hợp dịch không chính xác, phiên âm không thống nhất, do đó dẫn đến những hiểu lầm hoặc giải thích không đúng rất đáng tiếc. Trong bài viết này, chúng tôi thử vạch ra một số trường hợp không thống nhất và bất cập về cách phiên âm và phiên dịch các thuật ngữ.
|
Tên các quốc gia, địa phương trên thế giới mà chúng ta dùng hiện nay được phiên âm bằng hai cách: a) đọc theo phiên âm Hán-Việt từ cách phiên âm của người Trung Quốc, và b) phiên âm trực tiếp từ tiếng nước ngoài. Nhiều thuật ngữ trước đây được phiên âm theo cách thứ nhất nay đã chuyển sang cách thứ hai. Thí dụ: Mã Lai - Malayxia (Malaysia), Phi Luật Tân - Philippin (Philippines), Gia Nã Đại - Canađa (Canada), Mễ Tây Cơ - Mêhicô (Mexico), v.v... Tuy nhiên, cũng còn nhiều thuật ngữ đã dùng quen nên khó thay đổi. Chẳng hạn, nước Mỹ. Thực ra, tên chính thức của quốc gia này là United States – nhà nước liên bang gồm “các tiểu bang hợp nhất lại”. Cũng có cách gọi khác trong tiếng Việt là Hoa Kỳ có nghĩa là “cờ hoa”, nhưng thực ra lá cờ nước Mỹ gồm “sao và vạch” chứ không phải là “hoa”.
Trên lá cờ Mỹ có 13 vạch đỏ và trắng đại diện cho 13 xứ thuộc địa của Anh đã nổi dậy giành độc lập trong cuộc cách mạng 1776 và 50 ngôi sao năm cánh đại diện cho 50 tiểu bang hiện nay ở Mỹ. Nước Anh cũng là một tên gọi thiếu chính xác; thật ra, tên gọi chính thức của quốc gia này là United Kingdom (Vương quốc thống nhất - một nhà nước liên bang gồm 4 nước, trong đó có nước Anh (England). Cách gọi tên một số nước khác, như Đức (Đ: Deutschland); Tây Ban Nha (TBN: España); Bồ Đào Nha (B: Portuguesa), v.v... tuy rất quen thuộc nhưng lại gây không ít khó khăn cho những người đi học tập, tham quan ở những nơi nói trên.
Có một số tên người trước đây đọc theo âm Hán-Việt nay đã được đọc đúng theo ngôn ngữ gốc như Mã Khắc Tư nay là Các Mác (Karl Marx), Hoa Thịnh Đốn – Oa-sinh-tơn (Washington).
Có một số tên người có nguồn gốc từ hai cách phiên âm khác nhau. Thí dụ “Bụt” và “Phật” trong tiếng Việt tuy cùng một nghĩa nhưng có hai nguồn gốc phiên âm khác nhau. “Bụt” được phiên âm trực tiếp từ tiếng Ấn Độ “Buddha”; còn “Phật” cũng từ “Buddha” nhưng được phiên âm sang tiếng TQ và đọc theo ngữ âm Hán Việt “Phật Đà” rồi sau đó được rút gọn thành “Phật”.
Nhiều người đã nghĩ rằng Cơ đốc giáo và Kitô giáo là hai tôn giáo khác nhau. Kitô giáo, Cơ Đốc giáo là tên gọi chung, còn Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo là tên những giáo phái của Kitô giáo, về sau đã tách ra thành những tôn giáo độc lập. “Thiên Chúa giáo” là cách gọi của những người ngoài Kitô giáo, đôi khi dùng để chỉ Kitô giáo, đôi để chỉ Công giáo. Người các tôn giáo này không dùng từ “Thiên Chúa giáo”. Các giáo phái Tin Lành ở Việt Nam thường dùng từ “Cơ Đốc”; còn Công giáo thường dùng từ “Kitô”.
Cũng do phiên âm từ các thứ tiếng khác nhau nên xảy ra trường hợp nhầm lẫn, một tác giả được biên soạn thành hai mục từ khác nhau, với hai tên khác nhau, thí dụ, Tômát Aquin trong “Từ điển Triết học” của Cung Kim Tiến. Để hiểu nguồn gốc của sai lầm này, chúng ta hãy trở lại với cách gọi tên các danh nhân phương Tây từ cổ Hy Lạp đến Trung cổ. Các danh nhân chỉ được gọi trực tiếp bằng tên (không có họ). Để tránh sự nhầm lẫn giữa nhiều người có cùng tên, người ta thêm địa danh quê hương. Thí dụ: Talet ở Milê; Hêraclit ở Êphesơ; Zênôn ở Elê phân biệt với Zênôn ở Xiti; Điôgien ở Laect phân biệt với Điôgien ở Xinôp. Tômat, nhà triết học kinh viện Kitô giáo Trung cổ, sinh ở Aquino, Italia nên gọi là Tômat Aquin hay Tômat Aquinô. Trong tiếng Anh, tên nhà thần học này là Thomas Aquinas.
Trong phần lớn các tài liệu tiếng Việt hiện nay, tên của nhà thần học này được phiên âm từ tiếng Pháp: Thomas d"Aquin (cũng có nghĩa là Tômat ở Aquin) đọc là Tôma Đacanh. Trong tiếng Nga nhà triết học này được phiên âm là Фома Акви́нский (đọc là Phôma Akvinski cũng có nghĩa là Tômat ở Aquin), có lẽ vì thế mà Từ điển Triết học Cung Kim Tiến đã nhầm và biên soạn thành hai tác giả (hai mục từ) khác nhau là “Tô-ma ở Ác-vi-nô” (từ tiếng nga Фома Аквинский) và “Tô-mat Đa-canh” (từ tiếng Pháp Thomas d"Aquin) (2).
Một số thuật ngữ dịch tuy phản ánh được nội hàm của khái niệm gốc, nhưng không sát với thuật ngữ gốc của nó.
Nguyên nhân tình trạng này là: khi dịch một khái niệm người ta chỉ cố gắng bảo đảm nội hàm; còn về tên thuật ngữ thì lại đi tìm một tên khác, miễn là diễn đạt được nội hàm đó. Thí dụ:
Thuyết “Tam quyền phân lập” là một học thuyết chính trị do nhà triết học chính trị Pháp Saclơ Môngtexkiơ (Charles Montesquieu, 1689–1755), đưa ra. Trong tiếng Pháp, thuyết này có tên “Séparation des pouvoirs” (A: Separation of powers), nếu dịch sát về thuật ngữ thì phải là “sự chia tách các quyền lực” chứ không phải là “tam quyền phân lập”. Tuy từ dịch này không sai so với nội hàm của khái niệm, nhưng người sử dụng nó cũng cần phải biết xuất xứ của nó.
“Chủ nghĩa thực dụng” (Pragmatism) là một trào lưu triết học đã và đang thịnh hành ở Mỹ. Thuật ngữ “pragmatism” (A) hay “pragmatisme (P) xuất phát từ “pragma” (số nhiều: pragmat) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hành động”. Từ “pragma” là nguồn gốc của các từ practice (A), pratique (P), практика (N) dịch ra tiếng Việt là “thực hành” hay “thực tiễn”. Như vậy, “pragmatism” nếu dịch sát nghĩa phải là “chủ nghĩa hành động”, “triết học thực tiễn” chứ không phải là “chủ nghĩa thực dụng” như cách nói hiện nay. Thuật ngữ “chủ nghĩa thực dụng” trong tiếng Việt tuy cách dịch không sai so với thực chất của trào lưu triết này (lấy công dụng, lợi ích, hiệu quả thực tế làm thước đo cho tất cả), nhưng nó lại được hiểu lệch theo một nghĩa xấu vốn không có trong thuật ngữ gốc của nó.
Một số thuật ngữ dịch sai cả về tên và nội hàm của khái niệm
Không chỉ có thuật ngữ “chủ nghĩa duy tâm”, “chủ nghĩa duy vật”, mà có nhiều thuật ngữ khác cũng được thêm từ “duy” vốn không có trong tiếng nước ngoài, thí dụ “chủ nghĩa duy thực”, “chủ nghĩa duy danh”, “chủ nghĩa duy năng”, “chủ nghĩa duy linh”, “chủ nghĩa duy ý chí”, “… Chữ “duy” ở đây làm cho người ta hiểu sai là: “chỉ có”, thí dụ, hiểu nhầm rằng chủ nghĩa duy vật cho rằng “chỉ có vật chất”, chủ nghĩa duy tâm cho rằng “chỉ có ý thức”… Thực ra, các trào lưu này không tuyệt đối hóa sự tồn tại của một trong hai nhân tố, mà chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của một trong hai nhân tố đó mà thôi.
Thuật ngữ “chủ nghĩa duy tâm” còn sai cả từ và nghĩa nữa. Các từ idealism (A), idéalisme (P ), idealismus (Đ) (1) xuất phát từ tiếng Hy Lạp “ιδεα” được dịch sang tiếng Anh là “idea”, “form”; tiếng Việt là “ý niệm”. Platôn là nhà triết học duy tâm khách quan cho rằng “ý niệm” là một thực thể tinh thần có trước, độc lập với sự vật cảm tính. Hêghen cũng kế thừa tư tưởng đó. Còn những nhà duy tâm chủ quan như Đêvit Hium (David Hume, 1711-1776) thì lại cho rằng sự vật chỉ là “tập hợp các cảm giác” hay “tập hợp các ý niệm” (collection of ideas) của con người. Đáng lẽ “idealism” phải được dịch là “chủ nghĩa ý niệm”. Thuật ngữ Hán-Việt “tâm” tuy cũng có nghĩa là ý thức, tư duy, nhưng chỉ nói về tư duy của con người mà thôi (chỉ có thể áp dụng cho chủ nghĩa duy tâm chủ quan); trái lại thuật ngữ “ý niệm” (idea) trong từ “idealism” theo quan niệm của các nhà triết học duy tâm khách quan thì lại tồn tại độc lập, ngoài con người.
“Chủ nghĩa kinh nghiệm” (empiricism) là khuynh hướng triết học thịnh hành ở nước Anh với Francis Bacon, John Locke, George Berkeley, David Hume trong thế kỷ XVII đến các nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực chứng trong thế kỷ XIX và XX. Thuật ngữ này tuy rất quen thuộc, tuy nhiên, thế nào là “kinh nghiệm” thì ít người hiểu đúng, vì từ “kinh nghiệm” trong tiếng Việt và tiếng nước ngoài (εμπειρισμός (H) experientia (L), experience (A,P) không đồng nghĩa với nhau. “Kinh nghiệm” trong tiếng Việt thường được hiểu là những tri thức thu được trong hoạt động thực tiễn.
Dó đó, chủ nghĩa kinh nghiệm được người việt hiểu như là khuynh hướng tư tưởng cho kinh nghiệm thực tiễn là tất cả, coi thường lý luận. Tuy nhiên, trong triết học phương Tây, “εμπειρισμός”, “experience” trước hết được hiểu là tất cả những tri thức cảm tính, tức tất cả những gì do quan sát được bằng giác quan đem lại.
Như vậy, “chủ nghĩa kinh nghiệm” ở phương Tây là trào lưu triết học chỉ thừa nhận những tri thức có nguồn gốc từ cảm tính hoặc có liên hệ trực tiếp với cảm tính; nó phủ nhận những tri thức do suy lý gián tiếp, phản đối phương pháp tư duy tư biện. Chủ nghĩa kinh nghiệm có thể là duy vật hoặc duy tâm. Đối với các nhà triết học duy tâm chủ quan, các nhà triết học thực chứng và thực dụng thì kinh nghiệm là tất cả, không phân biệt khách quan, chủ quan. Theo họ, vũ tru, mặt trời, mặt trăng… đều nằm trong kinh nghiệm.
“Chủ nghĩa duy lý” (rationalism có gốc từ tiếng latin ratio – lý trí, lý tính, reason (A), raison (P), là trào lưu triết học đối lập với chủ nghĩa kinh nghiệm. Chủ nghĩa duy lý là huynh hướng triết học coi lý trí là cơ sở của tồn tại, nguồn gốc và tiêu chuẩn kiểm tra chủ yếu của tri thức, đồng thời cho rằng, bằng lý trí và phương pháp suy luận diễn dịch, con người có thể nhận thức được tất cả, không cần đến kinh nghiệm. Đối lập với trào lưu chủ nghĩa duy lý còn có trào lưu “chủ nghĩa phi lý” (phi lý tính hay phi duy lý) (irrationalism) phủ nhận vai trò của lý trí, lý tính.
Chủ nghĩa hiện sinh là một điển hình. Nó cho rằng tất cả đều là phi lý. Cái phi lý là cái không có bản chất, quy luật, nguyên nhân, quan hệ…, do đó không thể dùng lý trí để nhận thức, mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác, cảm xúc mà thôi. Đừng nhầm lẫn “phi lý” (absurd) với “vô lý” (illogical). Cai vô lý là cái không hợp lôgic, nghĩa là có thể nhận thức được bằng lý trí nên mới biết được nó không hợp với lôgic khách quan. Còn cái phi lý là cái không thể nhận thức được bằng lý trí nên không thể nói gì về nó cả. Theo nhà triết học hiện sinh Pháp - Albert Camus, thì hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống… là những cái phi lý. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận chúng nhưng không thể giải thích được chúng.
N.T.H
(1) Cung Kim Tiến, Từ điển triết học, Nxb Thông tin, HN, 2002, tr. 1200-1201
(2) (TQ): Trung Quốc; (H): tiếng Hy Lạp; (L): tiếng latin; (A): tiếng Anh; (P): tiếng Pháp; (Đ): tiếng Đức; (N): tiếng Nga; (B): tiếng Bồ; (TBN): tiếng Tây Ban Nha.
(Mời bạn đọc theo dõi kỳ 2 của bài viết này trong số báo ĐNCT ngày 26- 7-2009).