.

Sự nhàm chán đến từ đâu?

.

Gần như ở đâu cũng chừng đó gương mặt, chừng đó bài hát, nghe riết thấy chán quá! Có bao giờ bạn phải thốt lên như thế, như các bạn tôi - những “chuyên gia đi họp”?

Ảnh: Văn Nở
8 giờ sáng, ca sĩ nọ hát bài “Đà Nẵng tình người” trước lúc khai mạc buổi lễ quan trọng ở đơn vị X. Đến 9 giờ, lại cũng ca sĩ đó, bài hát đó diễn ra ở đơn vị Y. Những người “chạy sô” (quan chức, nhà báo) nghe riết một hồi đâm ra ngán ngẩm cho cái sự “biểu diễn nghệ thuật” của thành phố mình. Vẫn không có gì mới, ai hát cứ hát, ai không nghe cứ... không nghe.

Làm sao tránh “đụng đầu” những sự quen quen như thế?

Ông Mai Xuân Mùi, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng gợi ý: Những tiết mục trình diễn đầu giờ như thế, nên dàn dựng với ý tưởng riêng phù hợp với nội dung hoạt động diễn ra sau đó của đơn vị tổ chức. Ví dụ, lễ động thổ xây dựng cầu thì phải có bài hát về những cây cầu, lễ phát động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam thì cũng phải có tiết mục liên quan đến những người bất hạnh đó. Không nên chung chung, ở đâu cũng Sông Hàn tình yêu của tôi, Đà Nẵng thành phố tôi yêu, Nhịp điệu thành phố…

Xét cho cùng, có nhiều nguyên do để sự nhàm chán ấy lặp lại ở những buổi biểu diễn đầu giờ mà một trong số đó là xuất phát từ ý chí của lãnh đạo. Một người không muốn nêu tên cho rằng, không ít lãnh đạo thích cái gì cũng phải chuyên nghiệp, phải hoành tráng. Phải mời cho được đoàn này, đội kia (vì họ chuyên nghiệp mà!) chứ không ưng đưa các tiết mục “cây nhà lá vườn” lên, e quan khách chê mình không “sành điệu”.

Ở những buổi công diễn văn nghệ, để không lặp lại chính mình và không gây nhàm chán cho công chúng, tốt nhất là sáng tạo ra cái mới. Nhưng, liệu cái mới đó có được chấp nhận không? Thực tế đã có không ít tiết mục được công chúng khen hay, nhưng vào hội thi, hội diễn thì không có giải, bởi lý lẽ của ban giám khảo: thiếu nghệ thuật, lai căng, pha trộn, hỗn hợp… Khuyến khích đi tìm cái mới thì cũng phải cho nó một sự cọ xát, thử thách qua cảm thụ nghệ thuật của công chúng để tinh lọc, định hình phong cách. Bởi, đích đến cuối cùng của văn nghệ là công chúng, chứ không phải riêng cán bộ ngành văn hóa.

Nhàm chán cũng có ba bảy đường

Đích đến cuối cùng của văn nghệ là công chúng.

 

Các buổi biểu diễn văn nghệ đầu giờ quá nhàm chán, nhưng là đối với ai? Có thể là lãnh đạo, là những “chuyên gia đi họp”, chứ công chúng nói chung thì chưa hẳn đã nhàm chán. Những anh tổ trưởng dân phố, chị cán bộ phụ nữ, ông cựu chiến binh... một năm lên thành phố dự họp vài lần thì sao họ lại nhàm chán được! Đối với người dân, những vở diễn, những chương trình văn nghệ bỏ hàng chục triệu đồng dàn dựng để dự thi thì lại càng hiếm có cơ hội xuống được đến họ. Nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, họ chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán vì chương trình văn nghệ.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh, chuyên viên Phòng VH-TT quận Liên Chiểu nói “kháy”: “Trường hợp ai đó cho rằng công chúng đã quá nhàm chán với văn nghệ hiện nay, thì có nghĩa là trình độ thưởng thức của họ đã được nâng cao, hoặc là họ đã bội thực vì các chương trình văn nghệ cứ ào ạt đưa xuống”.

Người làm công tác văn hóa – văn nghệ ở các quận, huyện cũng cảm thấy nhàm chán khi vẫn cứ phải lặp lại chính mình. Muốn mở rộng tầm nhìn chuyên môn và tự mình đổi mới mình, nhưng có mấy khi họ được mời tham dự những hoạt động tầm cỡ khu vực và toàn quốc. Cuối tuần rồi, Liên hoan Âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng với 2 đêm văn nghệ hoành tráng với 14 đoàn tham gia là một bài học sinh động để giao lưu, học hỏi, nhưng giấy mời vẫn không đến phòng VH-TT các quận, huyện.

Lâu lắm, Phòng VH-TT quận Liên Chiểu mới nhận được giấy mời dự lễ tốt nghiệp học viên của Trường Trung học Văn hóa – Nghệ thuật Đà Nẵng. Một động tác mà, theo Phó Trưởng phòng VH-TT quận Thi Lý Phước, lẽ ra trường phải tiến hành hằng năm để vừa tạo “đầu ra” cho học sinh, vừa tạo cơ hội cho các phòng VH-TT làm mới các hoạt động múa hát của mình bằng bài bản cập nhật từ đội ngũ học sinh tốt nghiệp.

Thường thì nghe, nhìn cái gì nhiều lần cũng chán. Nhưng ở huyện Hòa Vang, cái sự nghe, nhìn các bài hát dân ca bài chòi không gây nhàm chán cho công chúng. Từ thời vở diễn dân ca kịch “Hạt lúa Hòa Châu” được vinh dự biểu diễn cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn xem, các đội Thông tin lưu động đã trở thành người bạn thân thiết của người dân nông thôn. Trưởng phòng VH-TT huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, sau khi tái lập đội Thông tin lưu động, Phòng đã viết những tổ khúc dân ca, lồng nhạc mới vào để tránh nhàm chán. Từ nay đến ngày 27-7, đội liên tục về phối hợp với các thôn để cùng các “nghệ sĩ của nhân dân” biểu diễn văn nghệ.

Có khi chỉ một cây đàn cò, một chiếc ghi-ta phím lõm, nhưng họ đã làm nức lòng biết bao trái tim khán giả bằng giai điệu đẹp của câu hò khoan, khúc dân ca bài chòi. Thế mới biết, sự nhàm chán không hẳn xuất phát từ cái sự dân dã, chân quê...

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.