Những năm sau này, trên đường phố cứ phất phơ những tà áo dài truyền thống của nữ giới khiến cho nhiều chàng trai có chút máu nghệ sĩ cứ bần thần nhớ lại câu thơ Nguyên Sa và rồi cất giọng “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát”.
Ảnh tư liệu |
Để thư giãn đôi chút trước cái đà quay chóng mặt của “kinh thế thị trường”, xin lẩm cẩm tầm nguyên chuyện… tằm tơ.
Sách cổ đã chỉ ra rõ ràng ràng, nghề trồng dâu nuôi tằm có gốc gác từ Trung Hoa, cách nay sơ sơ khoảng 4.600 năm, trước khi lan ra các xứ khác như Nhật Bản, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ… Hai ngàn năm sau đó, từ điển “vẽ” rằng, chữ TÀM (tằm) gồm có chữ THIÊN và chữ TRÙNG ghép lại. Dịch “thoáng”, có nghĩa là “sâu… nhà Trời”. Cái căn nguyên ngôn ngữ nọ bắt nguồn từ buổi dạo chơi của một nàng công chúa bên đất Trung Hoa.
Trời truyền nghề cho nàng, bằng cách thả xuống một loài sâu trăng trắng cho nàng mang về nuôi. Từ đó mà nghề tằm tang ra đời. Theo cái “lý lịch trích ngang” này, nguồn gốc của con tằm quả là cao sang quyền quý. Ấy tuy nhiên, các bà hoàng cô chúa, các con quan đại thần ngày trước cũng gắn bó với quần chúng chứ chẳng “thoát ly lao động” như mấy bà mệnh phụ ngày nay đâu. Tỷ như Ỷ Lan phu nhân đời nhà Lý ở nước ta đã rất chuyên cần làm lụng và bày vẽ cho dân chúng nghề xe tơ dệt lụa.
Nghề tơ tằm ở nước ta xuất hiện trong khoảng 1.000 năm trở lại đây, trở thành “mũi nhọn” và là nghề kiếm ra nhiều tiền, bằng chứng là một câu ca còn hát: Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa…
Hồi cái thời phong kiến xa xưa, lụa cùng với gấm, lượt, đoạn, là những món hàng cao cấp, dân đen đố mà được sờ tới. Nghĩ thiệt là mất công bằng! Cho nên, Thi thánh Đỗ Phủ mới “phản ánh hiện thực” bằng lời than vãn:
Đồng đình sở bạch phân
Bản tự bần nữ xuất
(Xin tạm dịch… ẩu là: Những tấm lụa ban phát trước sân rồng / đều do những người con gái không có áo mặc làm ra).
Do cái “hoàn cảnh éo le” ấy mà “khi không”, con tằm bị gán với hình ảnh rút ruột trả nợ mà ông thi sĩ Lý Thương Ẩn đã từng ca cẩm: Xuân tàm đáo tử ty phương tận (con tằm đến thác hãy còn vương tơ). Cận đại, thì ở Việt Nam ta, có ông nhà văn Bình Nguyên Lộc, cách nay khoảng 50 năm có truyện ngắn về người đàn ông... đẻ, cũng là để nhân hóa chuyện từ con tằm mà kêu rêu về đời nghệ sĩ ôi... lắm điều đen bạc!
Trở lại cũng... con tằm, thì, tuy có giá trị kinh tế cao và việc sản xuất cũng đỡ hơn cái cảnh “chổng mông lên trời úp mặt xuống nước” như việc trồng lúa, nhưng nghề nuôi tằm cũng đâu có “dễ xơi”, bởi, làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng mà.
Nhớ lại hồi mấy mươi năm trước, thân sinh của người viết bài có làm nghề này với chỉ hơn mươi nong tằm mà như luôn bị đặt trong tình trạng báo động! Trời nóng, thì phải mở cửa buồng tằm cho mấy ả có được luồng hơi thông thoáng. Lúc trái gió, trời sầm mặt âm u thì phải lo quạt than cho tằm ngự, kẻo mà “tằm thể” rêm mình, thì chỉ còn nước tháo khung, bán nong...!
Bây chừ, chắc không còn cái cảnh thủ công của khung cửi quay tay, cạnh om nước sôi luộc kén mà đã hàng hàng tiến lên cơ giới hóa với cả lô cả lốc máy móc tân kỳ. Không biết ở cái xứ Hà Đông trong thơ của thi sĩ Nguyên Sa thì thế nào, chứ ở vùng Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) thì dâu tơ, tằm tơ đã bạt ngàn con mắt.
Áo lụa đã trở thành mốt thời trang của giới rủng rỉnh từ nhiều năm nay, với vô thiên lủng kiểu cọ của các nhà thiết kế trên mình lụa bong. Năm nọ, một Việt kiều về nước mần thời trang và việc đầu tiên là chơi ngay một cú exhibition (triển lãm) toàn lụa với lụa, cùng bao nhiêu kiểu xẻ hông, xẻ vạt làm tê tái ngẩn ngơ bao con mắt người xem.
Hóa cho nên, căn cứ trên những “thực tế” đó, có thể “nghiệm” lại rằng, cái câu ca cũ “người đẹp về lụa, lúa tốt về phân”, rõ ràng ràng đã đứng trên thời cơ… hiện đại hóa rồi, chứ chẳng phải chỉ mơ mơ màng màng phảng phất hình sương bóng khói như kiểu thi sĩ Hoàng Cầm tơ tưởng: em mặc yếm thắm, em thắt lụa hồng...
Nguyễn Đông Nhật