.

Cũng phải như rứa

Mũ bảo hiểm đến nay không còn là vấn đề bức xúc lo ngại cho ngành giao thông nữa, nhưng nhớ lại thời đó, các biện pháp quyết liệt, đồng bộ đã đem đến hiệu quả rõ rệt và lâu dài. Ngay cả khi dân chúng “tự giác” đội mũ ngon lành rồi, những sáng kiến tác động vào công luận vẫn được triển khai. “Bạn sử dụng 150.000 đồng để nộp phạt hay mua mũ bảo hiểm?”, hay một câu nói ngắn nhưng buộc ai ai cũng phải động não “Mỗi lần nộp phạt là mua được 15kg gạo”.

Các nghệ sĩ danh tiếng cũng vào cuộc với ngành Giao thông. Họ dùng sân khấu làm diễn đàn với lời kêu gọi “Hãy đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cuộc sống quý giá của chính bạn”. Và những hình ảnh với dòng chữ “Mũ bảo hiểm đã cứu sống cho nhiều mạng người”, ghi âm lời nói trong nước mắt nức nở của thân nhân “May nhờ có mũ bảo hiểm nên tính mệnh nhà em không nguy kịch, chỉ gãy một cánh tay...”. Tuyên truyền bền bỉ, dồn dập, cao trào lên chót vót thế kia thì thử hỏi, ai còn gan ruột nào mà để đầu trần.

Tôi tự ngẫm, dù việc có phức tạp đến đâu, xã hội đồng lòng lên tiếng cũng sẽ thành đơn giản. Ví như chống tham nhũng chẳng hạn. Đương nhiên là không đơn giản chút nào. Đã nhiều năm nay, lãnh đạo Trung ương, địa phương đều coi tham nhũng là quốc nạn. Ấy là kẻ thù của đất nước trong thời bình. Kẻ thù này lặng lẽ, không ầm ào súng nổ bom rơi, nhưng xét về mức độ nguy hiểm thì không kém mấy tí so với giặc dã ngoại xâm. Nó múc ruỗng ngân sách Nhà nước, làm băng hoại đạo đức con người, làm mất lòng tin vào lãnh đạo, v.v... Nhưng loại kẻ thù này núp dưới nhiều danh nghĩa tử tế, tốt đẹp nữa.
 
Ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định: “Tội phạm tham nhũng rất tinh vi, có quyền lực, sẵn sàng trù dập người phát hiện tố cáo”. Trong một cuộc họp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã nêu mục tiêu năm nay là ngăn chặn để tiến tới đẩy lùi nạn tham nhũng, nếu không sẽ làm mất lòng tin trong nhân dân, từ đó làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng.
 
Hiện nay, chúng ta có nhiều tổ chức để thực thi chống tham nhũng, chống lãng phí. Thủ tướng đánh giá là đã có chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận, tình hình tham những vẫn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp và tiếp tục xảy ra ở những lĩnh vực đã được khoanh vùng.

Trong cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng có sự tham gia của đại diện nhiều ban, ngành chống tham nhũng của Việt Nam và quốc tế, một vài tổ chức của LHQ, các Đại sứ quán, các tổ chức tài trợ cho Việt Nam tới dự và tham gia đối thoại. Nhiều nhân vật quan trọng, trong đó có nhóm nghiên cứu độc lập do Đan Mạch chủ xướng đã nhận định: Triển khai luật chống tham nhũng của Việt Nam từ 2006 đến nay có tiến triển đáng khích lệ. Tuy vậy, nhóm này cũng cảnh báo, còn nhiều thử thách mà Chính phủ Việt Nam phải vượt qua để dân chúng tin vào nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ.

Tham nhũng lộ thiên ra đó, như vụ đề án 112, vụ tham nhũng tại Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp, v.v... lẽ nào không ai nhìn thấy? Xin thưa, không có bất cứ hành vi tham nhũng, tiêu cực nào lại có thể qua mắt được người dân. Rất nhiều vụ tham nhũng được phát hiện qua báo chí, nhân dân, qua khiếu nại tố cáo, qua kiểm tra, điều tra... Hãy sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng, rầm rộ tuyên truyền. Hãy tạo cơ chế bảo vệ hữu hiệu những người tố giác tham nhũng.
 
Hãy kịp thời tuyên dương khen thưởng những người dũng cảm đứng ra bảo vệ tài sản quốc gia, vạch tên chỉ trán những kẻ rút ruột các công trình và coi họ là những dũng sĩ tiêu biểu của thời đại như đã nhiều năm nay tuyên dương các doanh nhân “Sao vàng đất Việt”...

Nếu chống tham nhũng mở chiến dịch nội công ngoại kích, không chỉ rộ lên trong một vài phong trào mà là một trong những nhiệm vụ trung tâm của xã hội, song hành cùng sự phát triển của đất nước, thì chắc chắn tham nhũng không còn là mối lo lớn, là sự trở ngại lớn trên con đường phát triển lành mạnh của một quốc gia XHCN văn minh. Nói như cụ già miền Trung gần nhà tôi, phải làm như rứa, nghĩa là chống tham nhũng phải tuyên truyền cổ động như chuyện đội mũ bảo hiểm.

“Công khai hết, cả chi tiêu ngân sách và tài sản ...”, nghe Thủ tướng nói như mở cờ trong bụng. Vâng, hãy bắt đầu từ đây và coi đây là trách nhiêm của mỗi công dân đối với đất nước, không loại trừ một ai. Hy vọng con sâu tham nhũng dẫu ngụy trang kín kẽ, tinh vi đến đâu cũng sẽ bị vạch mặt và nghiêm trị.

NHẤT NGÔN

;
.
.
.
.
.