.
Hành lang kinh tế Đông Tây

Hàng Thái đã chảy vào miền Trung

.

Để đánh giá tác động của Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) đối với Việt Nam, đại diện JICA Nhật Bản mời 18 công ty vận tải, thương mại có uy tín của Nhật tham gia thử nghiệm các tuyến đường bộ nối từ Bangkok tới Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh thông qua EWEC.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Kết quả, các công ty vận tải, giao nhận và thương mại đã đánh giá tốt về khả năng vận chuyển hàng hóa tổng hợp giữa Thái Lan và Việt Nam rất an toàn, hàng hóa không bị hư hỏng. Khả năng dùng tuyến hành lang này để thay thế vận tải đường biển và đường hàng không là hợp lý về thời gian hoặc về chi phí. Các doanh nghiệp vận tải cũng lưu ý để tăng tần suất vận chuyển cao, cần tiếp tục cải thiện thủ tục hải quan thuận tiện cho doanh nghiệp, và nâng cấp cơ sở hạ tầng để đi lại vào ban đêm an toàn hơn.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Bangkok cho hay, điều tra các công ty Nhật hoạt động tại Thái Lan đánh giá về thị trường có triển vọng trong tương lai thì Việt Nam đã được nâng từ hạng 5 lên hạng 2. Từ quyết tâm của các tổ chức phát triển kinh tế quốc tế Nhật Bản (là nhà đầu tư nhiều công trình hạ tầng quan trọng trên EWEC từ nguồn vốn ODA) đã thúc đẩy các Chính phủ trên hành lang này chung sức giải quyết khó khăn còn tồn đọng.

Hiện nay, trên toàn tuyến hành lang chỉ có 40 km đường được phép chạy tốc độ cao. Đại diện các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan đều đề nghị các dự án triển khai các tuyến đường bộ Khu vực sông Mê Kông năm 2009 của Chính phủ Nhật Bản nên ưu tiên xây dựng các tuyến đường cao tốc trên EWEC, phát triển hệ thống bảo trì và quản lý đường bộ...
 
Một vấn đề khó nhất là hài hòa các nguyên tắc trong giao thông giữa các bên, đặc biệt là thực tế các xe tay lái nghịch không thể đi vào lãnh thổ các bên dẫn đến tình trạng xe vận tải container phải bốc dỡ hàng ở các cửa khẩu biên giới để sang các xe có tay lái thuận chiều với quy định từng quốc gia làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển.

Đến giữa tháng 6 năm 2009, vấn nạn tay lái nghịch đã chính thức được khai thông. Các xe tải chở hàng của Thái Lan và Việt Nam có thể đi vào lãnh thổ của nhau để giao và nhận hàng, sau khi quyền tham gia giao thông và hệ thống hải quan quá cảnh hàng hóa trong khu vực chính thức áp dụng kể từ ngày 11-6.

Trước mắt, mỗi nước cấp phép cho 400 xe vận tải (tổng cộng là 1.200 xe có giấy phép vận chuyển hàng dọc hành lang EWEC). Hàng hóa theo đường bộ giữa Thái Lan và Việt Nam từ Đà Nẵng qua Savannakhet sang Thái Lan và ngược lại, không phải thay xe giữa đường, được chuyển trực tiếp đến đích cuối cùng. Các doanh nghiệp đã chờ đợi cơ hội này từ rất lâu.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Phước Tiến ở Đà Nẵng chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản đánh giá, đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản miền Trung xâm nhập thị trường Đông Bắc Thái Lan thay thế thị trường Nhật và Hàn Quốc đang bị sút giảm nghiêm trọng. Vùng Đông Bắc Thái và Lào không có biển, rất cần được cung ứng thủy hải sản tươi và qua chế biến. Ông Tuấn nói:
 
“Trước đây chúng tôi phải hủy nhiều hợp đồng vì hệ thống xe vận tải các nước kích cỡ khác nhau, khi đóng container ở Việt Nam thì không vừa với kích cỡ xe cẩu của Thái. Việc bốc dỡ kéo dài làm giảm chất lượng hàng hóa nên đưa hàng sang thị trường này không có lãi. Nay các hãng xe vận tải có thể đi thẳng đến điểm dỡ hàng cuối cùng, kiểm tra một cửa và một điểm dừng sẽ góp phần rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển theo đường bộ, đồng thời góp phần tăng cường trao đổi thương mại và phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ bắt tay với các nhà nhập khẩu Thái để vào thị trường này”.

Trên các trang quảng cáo đã xuất hiện một số công ty vận tải của Hà Nội nhận vận chuyển hàng đi Lào, Thái Lan giao nhận trong 12 giờ. Một ghi nhận khác về khai thông vận tải giữa ba nước đã làm cho các siêu thị ở cửa khẩu Lao Bảo, thị xã Đông Hà và ngay tại điểm cuối hành lang là Đà Nẵng bán hàng điện tử, hóa mỹ phẩm, áo quần may sẵn cao cấp của Thái Lan.
 
Trong tương lai gần, trái cây từ các nông trại Đông Bắc Thái sẽ vào miền Trung, cạnh tranh với hàng nông sản Tây Nguyên. Do tình hình khủng hoảng kinh tế, lượng hàng cao cấp Thái Lan bị ứ đọng không xuất được vào các thị trường lớn đã tìm đường đổ vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ. Xu hướng người tiêu dùng tìm hàng Thái thay cho hàng Trung Quốc đã giúp cho sự xuất hiện của các trung tâm bán hàng Thái Lan ngày càng nhiều.

Đại diện các cảng hàng hóa Đà Nẵng, Chân Mây cũng đã chuẩn bị đón cơ hội lượng hàng hóa qua các cảng này sẽ tăng lên rất lớn trong năm 2010 do lượng hàng xuất khẩu của vùng Đông Bắc Thái đi Nhật, Singapore sẽ chọn cảng xuất này để rút ngắn chặng đường vận tải trên bộ so với xuất hàng qua cảng Bangkok.

Đúng 10 năm sau khi Nhật Bản quyết định đầu tư 57 triệu USD để xây dựng đường giao thông tại Việt Nam và Lào, các bên đã hết sức quyết tâm để hành lang EWEC vận hành trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy những vùng nghèo nhất Đông Nam Á từ Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar có cơ hội phát triển. “Vì những tiến bộ các nước đã đạt được, thương mại và du lịch sẽ phát triển hơn nữa. Giờ đây bạn có thể khởi hành từ Thái Lan, làm việc tại Lào và ăn tối tại Việt Nam, tất cả diễn ra chỉ trong một ngày”, ông Arjun Thapan, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB sơ kết như vậy trong thông cáo báo chí.

Đoàn Lê

;
.
.
.
.
.