.

Dã tràng xe cát

.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, với khoảng 90 tiểu thuyết, hầu như câu chuyện nào của James Hadley Chase (1906-1985) cũng có một nhân vật chính muốn làm giàu nhanh bằng cách phạm tội ác - lừa gạt, cướp bóc hay ăn trộm. Nhưng kế hoạch của họ luôn thất bại, phải giết người để gỡ bí, và càng bí thêm.

 

Dã tràng xe cát cũng thế. Mở đầu câu chuyện, ông đã tạo nên một tình huống truyện kích thích tính tò mò của người đọc: “Ngay giây phút hắn mới bước vào phòng là cô biết có chuyện bất ổn rồi. Hắn lên tiếng, giọng lạnh lùng “chào em”, và hắn giở mũ, cởi áo khoác, không buồn nhìn cô, liệng chúng xuống trường kỷ. Hắn bước tới kệ bên lò sưởi và ngồi xuống. Mặt hắn lạnh khô, xanh xao, ánh mắt rầu rĩ coi lạ hoắc.

Suốt sáu tháng ăn ở với nhau, cô chưa thấy hắn như thế này bao giờ, và cô chỉ nghĩ ra một lý do duy nhất là: Hắn sắp sửa “xù” cô.

Có lẽ ngay từ tình huống này, người đọc sẽ bị “tung hỏa mù” vì cảm thương cho cô gái, phải luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu cho cái tình “già nhân ngãi, non vợ chồng” này. Nhưng mấy ai biết rằng, cô gái mới ba mươi hai tuổi này đã lần lượt chung sống với chín người đàn ông và cái lối sống này đã lột sạch những nét nhan sắc của cô. Thế nhưng khi đọc vài trang đầu, người đọc sẽ nhận ra rằng, nhân vật cô gái chỉ là nền để hắn nổi bật hơn với cái tính cách khác người của mình. Hắn có tên là Harry Griffin.

Không giống các truyện hình sự khác, người đọc chẳng bao giờ phải mất công dự đoán thủ phạm là ai. Trong truyện của Chase, thủ phạm lộ mặt ngay từ đầu, và nghệ thuật của ông nằm ở chỗ làm người ta phải luôn thắc thỏm "rồi chuyện sẽ ra sao?" và quan trọng hơn, người đọc thường đồng cảm với thủ phạm, thay vì hả hê khi thấy hắn bị lột mặt nạ và bị xử lý trước pháp luật. Đó chính là tinh thần nhân đạo của tác phẩm.

Là thủ phạm, nhưng Harry Griffin trong Dã tràng xe cát đã được người đọc thông cảm khi anh đã yêu, ước mơ kiếm được tiền để đem lại hạnh phúc cho người tình, và cướp bóc để đạt mục đích. Rồi mọi chuyện vỡ lở, anh phải giết người để tìm lối thoát, nhưng cũng không xong. Ngay trong hình huống kịch tính nhất của truyện, Harry Griffin đã “thật thà” với Glorie, người đã sống chung với anh sáu tháng và cũng là nạn nhân của chính mình:
 
“Anh chưa rõ em lắm Glorie, nhưng em là người chơi đẹp. Mình đã vui vầy với nhau, em rất tốt với anh”. Bạn tình chết, anh tra tay vào còng và chui vào xe cảnh sát. Điều an ủi duy nhất của anh là "Tôi không giết cô ấy. Tôi yêu cô ấy" dù anh biết rõ không một ai, từ cảnh sát tới bồi thẩm đoàn tin lời mình...

Đi suốt câu chuyện, người đọc sẽ dần nhận ra chân tướng của Harry Griffin, người đã giết người tình rồi chấp nhận để cảnh sát còng tay. Lên án hay cảm thông với nhân vật chính là điều mỗi người sẽ tự cảm nhận. Tác phẩm được giới văn học đánh giá là tràn ngập tính nhân văn dù tình huống truyện khá khốc liệt và tàn nhẫn.

Tác giả cuốn tiểu thuyết là người Anh, nhưng bối cảnh truyện của ông lại là nước Mỹ. Ông viết dựa trên hai ba chuyến du lịch Mỹ ngắn ngủi, bách khoa tự điển, bản đồ du lịch chi tiết, du ký nước Mỹ, sách về thế giới ngầm, tự điển tiếng lóng Mỹ... và phần còn lại là tài năng hư cấu.

HUỲNH

* Sách Dã tràng xe cát, Tác giả: James Hadley Chase. Dịch: Phạm Viêm Phương. Dày 362 trang, NXB Văn hóa Sài Gòn, 9-2009. Giá bìa: 58.000 đồng. Sách hiện bán tại các Nhà sách Fahasa trên toàn quốc.

;
.
.
.
.
.