Ngay những ngày đầu năm mới 2010, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy lớn, TP. Hồ Chí Minh thì liên tục trong 5 ngày (3 ngày năm cũ, 2 ngày năm mới) đã xảy ra 11 vụ cháy. Những thiệt hại người và của từ hỏa tai này là lời cảnh báo cho tất cả mọi ngành, mọi giới, nhất là khi Tết Nguyên đán không còn bao xa nữa.
Sự sống còn được tính bằng giây
Chợ Cồn đối mặt với nguy cơ cháy chợ hằng ngày. |
Xảy ra vào ngày 6-1, đây được xem là vụ cháy chợ đầu tiên ở Đà Nẵng trong năm 2010, do ổ bi trục máy quạt bị bó bạc làm bùng phát tia lửa điện. Nguyên nhân gây cháy này không nằm ngoài nhận xét của Phòng Cảnh sát PCCC (Công an thành phố Đà Nẵng) qua thống kê các vụ cháy thời gian qua: “Chủ yếu vẫn do sự cố kỹ thuật hệ thống điện và vi phạm các quy định an toàn PCCC chiếm tỷ lệ cao”.
Đà Nẵng hiện có 15 chợ - 4 chợ loại 1 và 11 chợ loại 2. Chợ càng cũ càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, trong đó chợ Cồn (xây dựng từ năm 1985) được ông Mai Hữu Thông, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, gọi là chợ “nhạy cảm” nhất Đà Nẵng. “Nhạy cảm cả về cháy, nổ lẫn tình hình an ninh trật tự nói chung - ông Thông lo ngại. Nguy hiểm nhất là hệ thống điện quá cũ kỹ”. Chợ Cồn đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là dãy nhà 3 tầng, đến nỗi ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng ban Quản lý chợ Cồn buộc phải ghi “không bảo đảm yêu cầu về PCCC theo luật định” mỗi khi ký cam kết về PCCC. Tuy nhiên, nói thế, chứ từ ban quản lý đến tiểu thương trong chợ đều cố gắng giữ để hạn chế xảy ra cháy nổ, nếu có xảy ra thì hạn chế tối đa thiệt hại.
Hiện nay, tất cả các chợ loại 1 trên địa bàn thành phố, ngoài phương án PCCC riêng đều có phương án chung liên kết với nhau trong chữa cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn, các chợ phối hợp nhịp nhàng theo kế hoạch, sơ đồ đã diễn tập, người nào việc đó. Theo ông Thông, để dập tắt nhanh một đám cháy, cần có ba điều kiện: Phát hiện sớm, lực lượng chữa cháy tại chỗ mạnh và sẵn sàng đủ nước khi lực lượng chữa cháy chính quy đến. Qua nhiều lần diễn tập, lực lượng chữa cháy tại chỗ của các chợ đã rút ngắn thời gian triển khai đưa nước tới hiện trường xuống còn 3 phút kể từ khi phát hiện cháy. Đây là một kết quả cực kỳ quan trọng, bởi những chất dễ cháy (như vàng mã) mà cháy khoảng 5 phút thì tiêu tùng hết! Trong PCCC, sự sống còn của tài sản được tính bằng giây - sống còn không chỉ với hộ kinh doanh mà với cả người quản lý chợ.
Ngăn “bà hỏa” bằng ý thức
Tiểu thương các chợ ở Đà Nẵng đã biết tự trang bị bình chữa cháy và treo nó ngay chỗ dễ thấy, dễ lấy nhất như lời cảnh báo cháy, nổ hằng ngày. Các hộ dân có nhà quanh chợ Cồn, theo ông Huỳnh Ngọc Quý, cũng đã nâng cao cảnh giác trong PCCC. Mấy năm trước, bảo vệ chợ đã phát hiện và dập tắt ngay sự cố chập điện trên bảng quảng cáo của một hàng vàng đối diện chợ lúc nửa đêm, vụ cháy quầy tạp hóa của một hộ ngay sát chợ. Cứu dân cũng chính là cứu mình – ông Quý tâm sự, mà dân thấy quá nguy hiểm nên cũng tự ý thức được chuyện PCCC.
Việc thu giữ các bình gas mi-ni sang, chiết lậu đã giảm đáng kể nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố. |
Trung tá Nguyễn Đức Thái, Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra thuộc Phòng Cảnh sát PCCC cho biết, qua tuyên truyền của ngành, ý thức của người dân trong PCCC đã khác xưa. Không chỉ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mà các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, nhà chùa khi xây dựng đều mang hồ sơ đến để Phòng thẩm duyệt các giải pháp bảo đảm an toàn trong phòng chống cháy, nổ; một số nhà sư, linh mục cũng đến xin được tập huấn nghiệp vụ PCCC để về tự bảo vệ.
Trong năm 2009, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 75 vụ cháy, tài sản thiệt hại ước tính trên 260 triệu đồng; so với năm 2008, số vụ tăng 1, nhưng số thiệt hại giảm được gần 100 triệu đồng. Nhìn chung, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố trong năm qua không diễn biến phức tạp, hầu hết các vụ cháy đều được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. |
Trở lại với vụ cháy đầu năm ở chợ Hòa Khánh. Tuy chỉ là chợ loại 2, nhưng xa trung tâm thành phố nên ban quản lý chợ đã đặt công tác PCCC đưa lên hàng đầu, tự chủ trong mọi tình huống xấu nhất. Ông Đặng Quang Hưng, Trưởng ban Quản lý chợ Hòa Khánh cho biết, sau vụ cháy ngày 6-1 vừa qua, bà con tiểu thương càng thêm cảnh giác với “bà hỏa” khi Tết đã cận kề. Nhân sự việc này, ông Mai Hữu Thông khẳng định: “Cảnh giác sẽ không bao giờ là thừa. Chiều ra về cắt điện khu vực các hộ kinh doanh nhưng vẫn chưa yên tâm. Nếu như tối đó chuột gặm nhấm, kéo chập dây điện thì sáng hôm sau đóng điện vẫn có thể bị cháy!”. Việc thu giữ các bình gas mi-ni sang, chiết lậu đã giảm đáng kể nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố.
VĂN THÀNH LÊ