Ghé thăm đô thị cổ Hội An, Di sản Văn hóa Thế giới của tỉnh Quảng Nam, một trong những địa chỉ tham quan không thể thiếu với du khách trong và ngoài nước, đừng quên ghé thăm làng rau truyền thống Trà Quế. Đến đây, du khách không những có thể tận mắt chứng kiến khung cảnh sinh hoạt quen thuộc hằng ngày của người dân làng rau, trực tiếp “thử” làm cư dân Trà Quế mà còn được các cụ già kể một số truyền thuyết khá lý thú và hấp dẫn trong dịp hãn hữu nào đó…
Cảnh sinh hoạt thường ngày ở làng rau Trà Quế, Hội An. |
Những vạt ngò, rau húng rồi đến rau é, hành, cải, hẹ... lần lượt mọc lên trên vùng đất mới khai phá. Và, cũng thật bất ngờ, các loại rau kể trên không những lên xanh tốt mà còn có hương vị đặc biệt thơm ngon, không đâu sánh bằng. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, cây rau Trà Quế từng bước nổi danh dần. Chẳng mấy chốc, các chợ lớn, chợ nhỏ trong vùng Hội An và lân cận trở thành thị trường tiêu thụ chính của rau Trà Quế. Thấy có thể sống được từ nghề mới mẻ này, những hộ còn lại bắt chước làm theo. Chẳng ai đủ sức trụ lại với nghề đánh bắt cá tôm bấp bênh, bữa đực bữa cái nữa. Từ một làng vạn thuở ban đầu, Trà Quế dần dần biến thành một làng rau.
Cũng theo truyền thuyết, thuở sơ khai, khi mới đến lập làng, Trà Quế có tên là Nhự Quế. Một số cụ già cao tuổi trong làng giảng nghĩa rằng hai chữ Nhự Quế ý nói nhà nhà ở đây đều trồng rau thơm và đắt như quế. (Nhự: chỉ chung các loại rau cỏ, rễ quấn; Quế: cây quế - ĐNCT).
Thế rồi, hồi đầu thập niên 1800, sau khi vua Gia Long lên ngôi, nhân một lần đến Hội An, nghe các quan địa phương giới thiệu ở đây có một ngôi làng nhỏ bốn bề sông nước, chuyên trồng rau làm kế sinh nhai, lại nghe nói rau ở đây hương vị rất thơm ngon tuyệt vời, không đâu sánh kịp, vua lấy làm lạ. Thế là ngài mới ngự đến xem. Được tin, các bô lão trong làng hớn hở chọn những loại rau ngon nhất, thơm nhất để dâng lên, gọi là rau “tiến vua”. Vua dùng qua, tấm tắc khen. Rồi ngài hỏi tên làng. Các bô lão bẩm rằng tên làng là Nhự Quế. Vua Gia Long trầm ngâm trong chốc lát. Rồi ngài phán tên Nhự Quế cũng hay. Thế nhưng, tên Trà Quế hay hơn. Vì “trà” chỉ một loại thức uống không kém phần thơm ngon, quen thuộc của người Việt.
Theo lời ông Nguyễn Chấn, sinh năm 1937, một trong những bô lão làng Trà Quế, từ đó làng rau đổi tên thành Trà Quế và danh xưng này tồn tại mãi đến ngày nay.
Truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, thực hư thế nào khó mà đoán định nổi. Điều chắc chắn là xưa nay, người Trà Quế luôn lấy nghề trồng rau làm nghề sinh sống chính. Xưa, cư dân Trà Quế thường thức dậy từ lúc hai, ba giờ sáng, ăn uống qua loa rồi gánh gánh rau nặng ì ra tận Đà Nẵng. Khi tới An Hải, họ qua đò Hà Thân rồi bán sỉ ngay tại chợ Hàn. Xong, lại men theo đường biển mà về, khứ hồi mất ngót năm sáu chục cây số chứ đâu ít ỏi gì. Mãi đến những năm 60 thế kỷ trước, khi tuyến đường Đà Nẵng - Hội An có xe đò chạy thường xuyên, họ mới giải phóng được đôi chân. Hiện nay, phương tiện giao thông phát triển, rau Trà Quế là loại rau được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ vậy, nó có mặt ở nhiều nơi, từ Hội An, Tam Kỳ đến Đà Nẵng, có lúc còn vươn ra cả Huế.
Và, thật thú vị biết bao nếu có dịp hãn hữu nào đó, khách ghé thăm làng rau truyền thống nổi tiếng Trà Quế, vừa thưởng thức món ăn có sự góp mặt của rau thơm nổi tiếng địa phương, vừa nghe các cụ già kể lại chuyện xưa. Giữa buổi trưa hè, lại nghe giọng hát của ai đó từ xa vọng lại: “Ai về Trà Quế thì về/ Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh/ Sớm mai đi bán rau hành/ Chiều về tưới nước suốt canh chưa nằm/ Khuya thì dậy cắt rau thơm/ Sáng lo đi bán suốt năm không nhàn”…
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT