Trong những ngày qua, các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong hạt dưa và ớt bột khiến người tiêu dùng hoang mang, không biết đâu là thật-giả, lợi-hại. Các đoàn thanh tra liên ngành đã vào cuộc, kiểm tra toàn diện các loại thực phẩm, chất phụ gia đang lưu hành trên thị trường, bảo đảm thực phẩm an toàn cho người dân vui Tết.
Thực phẩm không an toàn
Cần chú trọng an toàn thực phẩm các mặt hàng bánh mứt , bởi đây là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. |
Ngày 13-1, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 2008/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Canh Dần 2010 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ: “Tôi phải ăn kiêng, nhưng rau toàn thuốc trừ sâu, nên không biết ăn gì cho an toàn”.
Không chỉ Phó Thủ tướng lo ngại trước rau có thuốc trừ sâu, mà tất cả người dân thực sự hoang mang khi các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) “sờ” đến loại thực phẩm nào cũng thấy có dấu hiệu sai phạm. Bà Nguyễn Thị Lành, ở tổ 33 phường Hải Châu 2 cho biết, hàng chục năm nay bà đi chợ toàn chọn mua hàng người quen: “Như tui đi chợ chỉ biết chọn mua thứ ngon, còn có chất này chất nọ hay không thì làm sao biết được. Hôm vừa rồi cô con gái đem tờ báo nói về chuyện sản xuất mứt ở Sài Gòn, tui tá hỏa. Chắc năm nay về quê nhờ người quen làm cho ít mứt gừng, mứt cà rốt thôi, không dám mua ngoài chợ nữa”.
Không chỉ rau củ hay thực phẩm tươi sống, mà cả những loại thực phẩm nhỏ bé như ớt bột, hay hạt dưa là thứ mà người dân dùng nhiều nhất vào một thời điểm trong năm cũng trở thành loại hàng hóa cho những người kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp đạo đức và an toàn cho người sử dụng. Qua phát hiện một số lượng hạt dưa được bày bán tại các chợ ở Đà Nẵng nhiễm chất Rhodamine B có thể gây ung thư cho người sử dụng, Chi cục ATVSTP thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thu hồi. Và ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng khẳng định: “Đến nay bảo đảm không còn loại hạt dưa nhiễm chất này trên thị trường”.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Để người dân được hưởng một cái Tết thực sự an toàn, 5 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố bao gồm Cảnh sát Môi trường, Sở Y tế và Quản lý thị trường bắt đầu tiến hành tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các vi phạm về ATVSTP từ ngày 11-1 đến 11-2 và kéo dài đến hết Tết Nguyên đán. Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra các chợ lớn trên địa bàn gồm chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối và Trung tâm Thương mại thành phố; các cơ sở kinh doanh lớn do thành phố quản lý và các điểm buôn bán, chế biến dọc các trục đường lớn. Ông Tiến cũng cho biết, lần kiểm tra này sẽ đặc biệt chú ý đến lĩnh vực kinh doanh phụ gia thực phẩm, thời gian vừa qua vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội về mức độ an toàn. Các cơ sở sản xuất giò, chả, bánh mứt… cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, bởi đây là loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết.
Ngày 15-1 vừa qua, Đội Y tế dự phòng quận Cẩm Lệ kiểm tra một cơ sở sản xuất mỡ động vật không bảo đảm ATVSTP tại phường Hòa An (Ảnh N.H) |
Chi cục ATVSTP thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến những chủ cơ sở sản xuất, nhấn mạnh việc sản xuất thực phẩm là hoạt động có điều kiện, họ cần có trách nhiệm tuân thủ những quy định của Nhà nước về kinh doanh thực phẩm; phải sử dụng nguyên liệu, phụ gia an toàn. Tuyên truyền tại cộng đồng dân cư bằng các bài viết, tin tức về an toàn thực phẩm trên các đài truyền thanh, trạm y tế xã, phường, giúp người tiêu dùng biết được cách lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì vấn đề tự ý và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm. Các cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã yêu cầu những cửa hàng bán thực phẩm phục vụ Tết như bánh, mứt khi đóng gói từng phần nhỏ phải có nhãn phụ trên bao bì đóng gói, ghi rõ hạn sử dụng, cơ sở sản xuất… để người mua hàng đối chiếu.
Báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho thấy, trong năm 2009, cả nước đã xảy ra 147 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 5.000 người mắc, gần 4.000 người phải nhập viện và 33 người tử vong. So với năm 2008 giảm 53 vụ, giảm 26,3%; số người mắc giảm 30,6%, tử vong giảm 45%. Đáng lưu ý, trong số này chỉ có 30% các vụ ngộ độc được xác định là do sử dụng thực phẩm nhiễm vi sinh vật (Salmonella, E.coli…), độc tố tự nhiên và nhiễm hóa chất, số còn lại không xác định được nguyên nhân. |
Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất ATVSTP, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sức khỏe của người dân sẽ được bảo đảm, an toàn hơn.
Hiền Lương