.

Đêm của ân tình

.

Vào lúc 19 giờ 30 ngày 17-1 vừa qua, trong không gian ấm cúng tại Nhà Văn hóa Lao động TP. Đà Nẵng, Hội Nhà văn Đà Nẵng và Nhóm ACE Thiện Văn đã tổ chức đêm thơ - nhạc tưởng nhớ nhà báo, nhà thơ Đặng Ngọc Khoa và ra mắt tập thơ Đa mang nhân giỗ tuần 49 ngày của anh.

Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh, vợ nhà báo Đặng Ngọc Khoa trao học bổng từ quỹ ACE Thiện Văn cho em Hà Trúc, sinh viên Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm. 

Các nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ và thân hữu như Trần Ái Nghĩa, Đình Thậm, Thúy Liễu, Kim Loan, Thu Vàng, Nguyễn Văn Nho, Hạnh Mơ, Lê Hải, Công Dũng, Lê Sơn... đã đọc thơ và trình bày các ca khúc phổ thơ Đặng Ngọc Khoa trong một tâm trạng hòa quyện sự tiếc thương và yêu mến Khoa đến tận cùng.

Là một người có khả năng xuất khẩu thành thơ, nhiều lần bạn bè đã “tiếc giùm anh” vì những câu thơ anh bất ngờ đọc, bất ngờ ngân nga rồi quên bẵng mà không kịp ghi chép lại. “Đừng khóc nữa em, anh về xa/Gối đầu trên cỏ nghĩ quê nhà/Làng anh mọc dưới ngôi sao ấy/Em có bao giờ ngóng sao sa?”, được viết từ năm 1991,với tên gọi Đa mang cũng là tên tập thơ của anh, được bạn bè, gia đình yêu mến tập hợp in thành sách sau khi anh mất. Như dự cảm về cuộc đời ngắn ngủi của mình, Đặng Ngọc Khoa, trong một lúc bần thần đã làm bốn câu thơ “Chưa bình minh đã hoàng hôn/Đời tôi chính ngọ bồn chồn thân tâm/Nổi chìm một nửa trăm năm/Chân chưa vạn dặm ai thầm gọi tôi?”(Bốn câu).

“Đặng Ngọc Khoa là một nhà báo đặc biệt. Anh không chỉ viết với tư cách nghề nghiệp, mà phần lớn tác phẩm báo chí của mình, anh viết về những phận người không may. Khoa ra đi đã để lại trong lòng đồng nghiệp nhiều suy nghĩ, họ mất đi một người đồng nghiệp, một người bạn, xã hội mất đi một người có tấm lòng. Điều đó không chỉ thể hiện qua hơn 3 tỷ đồng anh đã vận động được để xây dựng trường học, tặng học bổng, mổ tim, lo cho trẻ em nghèo mà còn là tấm lòng chân chính của một nhà báo, một người cầm bút”. Nhà báo Lê Đức Hùng, Phó trưởng Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng đã nói với tôi tình cảm của mình dành cho người đồng nghiệp xấu số.

Bạn đọc báo Thanh Niên không xa lạ gì với những phóng sự xuyên Việt, thậm chí xuyên Đông Dương của anh bởi lối viết phóng sự đặc tả, mềm mại nhưng khá mạch lạc. Ở lĩnh vực thơ, anh lại hoàn toàn khác. Từng tham gia với Đặng Ngọc Khoa trong nhiều chương trình từ thiện, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa tâm sự: “Thơ Khoa gần gũi, chân thật. Trong người anh có nhạc nên lời thơ cũng bay bướm, dễ đồng cảm. Trong cái chân chất đó, luôn chứa đựng yếu tố ngẫu hứng, bất ngờ. Nhiều lời thơ lặp lại, tạo thành điểm nhấn làm người đọc dễ thuộc, dễ nhớ”. Có lẽ vậy mà bài thơ “Ngẫu hứng Măng Đen” của Khoa đã được nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa phổ chỉ trong một đêm, để kịp thời hát trong chuyến đi từ thiện tại xã Hiếu, huyện Kônplong, tỉnh Kon Tum năm 2008. Bài hát đã được chính nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa rút ruột trình bày, mang lại cho người nghe cảm giác thật là lùng: tưởng âm nhạc không thể có gì hay thế nữa.

Và cái sự vắt kiệt sức mình dâng hiến cho cuộc sống cho tới khi trút hơi thở cuối cùng của Khoa, như vướng lại trong ca khúc Mưa Đami, do chính Khoa sáng tác: Mưa bỏ lại cánh đồng già /Ta bỏ lại cánh đồng cạn.... Hình như, đó là câu hát, mà biết bao nhiêu người đã âm thầm hát với theo Khoa ở phía bên kia.

Trong đêm thơ-nhạc tưởng nhớ nhà báo Đặng Ngọc Khoa, nhiều người ở khán phòng đã xúc động thật sự trước hình ảnh người thầy, nhà thơ Đông Trình với mái đầu đã bạc, nói về cậu học trò cưng của mình với những tình cảm chân thành, ấm áp. Ông là người thầy mà khi còn sống, anh luôn xem là tấm gương và tâm sự rất nhiều chuyện qua những trang thư, “Thầy ơi, em lâu nay vẫn vậy. Mưa gió, lụt lội, làm lụng, đôi khi nghĩ lại, đôi khi nghĩ dại, muốn có vợ cho rồi. Nhưng nhờ trời, em vẫn còn tự chiến đấu nổi. Lúc nào hơi lung lay em xuống Thầy, nhờ Thầy tiếp thêm sức khỏe và sức lửa…”.

Trong số những người bạn của Khoa, có một tình bạn khá đặc biệt giữa Khoa và Lê Đình Ba (tức Uyên Hà) năm nay đã ở tuổi 65. Những ngày Uyên Hà biết sự sống đối với Khoa chỉ còn được tính từng ngày, anh thường xuyên chở Khoa đi dạo phố, đi chùa, đi làm từ thiện. Dù chỉ mới quen nhau vài năm nay, nhưng anh Ba tâm sự: “Khoa ra đi, để lại trong tôi một sự trống rỗng. Đi gần cuối cuộc đời, có ai nghĩ mình sẽ kết thân đến không ngờ với một người nào đó. Nhưng Khoa đã “thuyết phục” được tôi bởi nhân cách lớn của mình”. Khi sắp từ giã cuộc đời, Khoa đã tin tưởng giao cho anh Lê Đình Ba phụ trách Nhóm ACE Thiện Văn mà anh sáng lập.

“Sẽ có một ngày như thế tim tôi / Trước cái chết lẽ nào sợ hãi? / Ngực con tôi trái tim trao lại / Không trái tim ai ngừng đập trên đời”. Chắc rằng hình ảnh của Đặng Ngọc Khoa còn ở lại lâu trong trái tim của gia đình, bạn bè, độc giả của báo và của thơ. Như lòng yêu mến của chị Đinh Thị Hải, cô giáo phụ trách nhà xã hội tại xã Hiếu, huyện Kônplong, tỉnh Kon Tum, nơi anh đã cùng đoàn từ thiện mang tên ACE Thiện Văn trao những suất học bổng, quà cho các thương binh nhân dịp 27-7-2008 và 10 triệu đồng xây dựng ngôi nhà sàn tình nghĩa cho con liệt sĩ là chị Y Lé, thôn 2 xã Hiếu.

“Ngày hôm đó trời lạnh lắm, cô trò chúng tôi không dám chui ra khỏi chăn, thế rồi chúng tôi được thông báo chuẩn bị tiếp đoàn từ thiện đến từ Đà Nẵng do nhà báo Đặng Ngọc Khoa làm trưởng đoàn. Ngoài những phần quà, đoàn còn ủng hộ một cây đàn ghita, một số tài liệu về vật lý trị liệu, một tivi để cô trò có điều kiện cập nhập thông tin cùng nhiều sách, báo… Gần một tháng sau, anh Khoa đã quay lại thăm cô trò chúng tôi với những chiếc áo ấm. Có lẽ đối với những người nơi phố thị, một tấm áo ấm không đáng gì, nhưng ở miền núi nghèo, đó là cả một tấm lòng ấm áp để chúng tôi vượt qua bao mùa đông lạnh giá…”.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.