.
Hướng đến 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Cảm hứng người nghệ sĩ

.

Ông Can Trường nay không còn nữa, nhưng cái độ được xem ông diễn “Hòn Đất” thì tôi nhớ lắm. Hòn Đất vốn là một tiểu thuyết nổi tiếng trong chiến tranh của nhà văn Anh Đức được gửi từ miền Nam ra. Ngay cả khi cuốn sách chưa đến độc giả rộng rãi thì Đoàn kịch nói Nam Bộ đã nhanh chóng chuyển thể thành vở kịch nói. Và giá trị cuốn tiểu thuyết vì thế mà được nhân rộng thêm lên, giữ mãi trong ký ức công chúng một thời sôi động.

Nhà hát lớn Hà Nội

Hồi đó, NSND Can Trường là diễn viên kịch nói kỳ cựu của Nhà hát Lớn. Người Nam bộc trực, ăn to nói lớn. Vậy mà khi đứng trước Nhà hát Lớn Hà Nội năm đó, ông bỗng trầm ngâm:

- Nhìn thấy là chỉ muốn nhảy ngay lên sân khấu.

Khuya lắm rồi. Đoàn vừa đi diễn ở Vĩnh Linh, nhân Mỹ tạm ngưng ném bom miền Bắc. Đi qua quảng trường Nhà hát, ông dừng lại như ngắm nghía. Không hiểu ông đang soi rọi những gì trong mông lung mờ ảo ấy. Trên đường về phố Lê Quý Đôn, nơi ở của đoàn kịch, ông Can Trường nói với tôi:

- Cái anh chèo Bắc í mà, mình không sướng. Nhưng mình chẳng nói với ai. Nhưng chuyến công diễn Thái Bình, Kiến Xương vừa rồi, mình được xem một tối chèo làng Khuốc. Lần đầu tiên mình thấy sướng cái anh chèo, “đúng là chèo”. Có mấy chiếc chiếu sờn. Vài cái nhị í a, mấy cái sáo, gộc tre lóc cóc. Diễn viên thì bà già, ông lão, trẻ con chân đất lấm bùn. Vậy mà sao giọng điệu... chèo đến thế. Người diễn cũng dân nhà, người xem cũng dân nhà. Con diễn cho mẹ xem. Mẹ con cùng vào chiếu diễn cho bà con quanh xóm xem, rồi nhắc vai nhắc vở. Kỳ thiệt đó chú em. Dần dà mình mới ngộ ra rằng, chèo không phải trên sân khấu lộng lẫy mà trên sân đình, sân nhà. Mang họ lên sân khấu lấp lóa ánh đèn, họ không là họ nữa.

Tôi nghe chuyện người nghệ sĩ tài ba xứ Nam, nhưng thực lòng chưa hiểu ông định dẫn chuyện của ông đi đến đâu. Âu cũng là lối nói chuyện của mấy ông nghệ sĩ, nghĩa là chẳng mở mà cũng chẳng kết. Thích thì nghe, không thì bỏ. Khi ông dừng thì cũng coi như chuyện cũng hết.

Mấy hôm sau trở lại đoàn, tôi lại gặp ông nghệ sĩ mà tôi yêu mến đang đánh trần chải chuốt con cá giả để ít hôm nữa diễn “Hòn Đất” cho bà con thủ đô coi nhân dịp vào năm mới, một cái Tết hứa hẹn không có bom rơi đạn lạc. Năm Cửa Ô, dân sơ tán các ngả đang lục tục kéo về.

- Chú em này, mình xa Hà Nội, chỉ nhớ mỗi Nhà hát Lớn. Cái Nhà hát ấy cho mình cảm giác. Ừ, cảm giác, chú em có hiểu không. Cái cảm giác này có thể nói là siêu ngôn ngữ, nhưng là có thực...

Chuyện của “anh Hai Nam Bộ” nhiều năm sau tôi mới có dịp suy ngẫm. Ấy là dịp gặp ông kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Giám đốc Ban Quản lý dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi thực thà hỏi ông:

- Phải cần tới hai mươi triệu USD để trùng tu, thì sao không xây hẳn một nhà hát mới. Đó là một khoản tiền lớn.
Ông kiến trúc sư tủm tỉm cười. Ông mở một lối mơ hồ cho tôi đi vào ngõ sau của nghệ thuật, phần nhạy cảm trong cõi tâm linh mà chỉ có ở nghệ sĩ:

- Ông Can Trường có nói với anh về chèo làng Khuốc ư? Thú vị đấy chứ. Anh thấy đấy, con cá thì phải bơi trong nước. Con ngựa thì phải tung bờm trên đồng cỏ... nghĩa là mỗi con vật có một thế giới riêng, mới sống đúng với nguồn cội của nó. Nghệ thuật cũng vậy à. Kiến trúc là một phần tạo nên không gian sống cho nghệ sĩ. Không phải vô cớ mà việc trùng tu nhà hát lại công phu đến thế.

Từ buổi nói chuyện ngắn ngủi với nhà kiến trúc, tôi bắt đầu để ý tới công trình sửa sang tòa nhà có trên trăm tuổi, được xây dựng theo hình mẫu kiến trúc nhà hát Opera Paris. Bộ Văn hóa đã mời một kiến trúc sư Pháp gốc Việt tài năng Hồ Thiệu Trị làm kiến trúc sư trưởng. Mỗi hạng mục mang nét riêng đặc thù, tạo cảm hứng cho nghệ thuật sân khấu, cho mỗi nghệ sĩ. Bàn tay diệu nghệ của những người thợ bậc thầy ngày ngày kỳ công nạo đi từng lớp vữa cũ để hiện dần lên những đường chỉ, những nét họa tiết tinh tế, trang nhã bao năm chìm ẩn...

Sau hơn một năm trùng tu, nâng cấp, Nhà hát Lớn vẫn giữ nguyên nét duyên dáng vốn có. Vòm mái vẫn vòm mái đó, cổ kính, sang trọng. Những phù điêu chạm khắc đặc trưng sân khấu gắn kết trên tường, trên trần mềm mại, quyến rũ. Nghệ sĩ trở lại không gian nghệ thuật của mình không cảm thấy xa lạ, công chúng đến đây cảm hết cái không gian nghệ thuật, để cùng khơi gợi, hòa nhập vào vẻ đẹp từ trong màu sắc, ánh sáng, đường nét kiến trúc. Nó chính là chất men gây niềm cảm hứng cho nghệ thuật. Khác chăng là đường nét óng ả, sang trọng hơn như được sàng lọc qua ánh sáng rực rỡ, qua màu sắc tinh khôi, mới mẻ.

Ông Can Trường ơi, “chú em” của anh mỗi lần vào Nhà hát Lớn lại nhớ câu đầu cửa miệng của anh mỗi khi vô trỏng: “Có thường vô Nhà hát không đó, chú em” .

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.