.

Tin xuân trên những vườn mai

.

Chu Thần Cao Bá Quát trong bài thơ “Trồng mai” có gửi gắm: “Nhớ nhé, tới ngày xuân rộn rã/ mai sẽ cùng người tạo bức tranh”. Những người trồng mai cảnh ở Đà Nẵng cũng đang bắt mạch tiết xuân, nâng cành tỉa lá để cho những vườn mai xanh lộc, vàng hoa chuẩn bị đón Tết.

Anh Nguyễn Thành Thiệt, Chủ nhiệm CLB Vườn cây cảnh quận Cẩm Lệ đang chăm sóc vườn mai của mình.  

Nằm cạnh con đường mang tên liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, vườn mai 4.000 cây của cựu chiến binh Huỳnh Bá Hiếu đang chờ tuốt lá, những cây mai trong chậu cảnh đứng thành hàng bên nhau trong nắng sớm chan hòa. Nhiều cây mai đã kết nụ. Những cây đẹp đã được khách hàng chọn đăng ký trước cả tháng. Những cây đặc biệt được tuyển chọn để dành cho khách quý chở ra Hà Nội làm quà.

“Phải chờ mươi hôm nữa, xem tiết trời có gì thay đổi hay không mới tỉa lá, thì mai mới nở lộc và trổ hoa theo ý định được”. Anh Hiếu chỉ vườn mai nói vậy rồi kéo tôi đến cạnh gốc cây xanh thế ngồi tiếp chuyện. Sau khi xuất ngũ, anh thuê 2.000m2 đất của khuôn viên Bệnh viện Quân y 17 trồng mai và cây cảnh. Anh không nhận chăm sóc mai cho các hộ gia đình, vì theo anh nếu cây mai gửi mà không trổ hoa vào đúng ngày Tết, thấy chủ buồn thì mình cũng mất vui. Dẫu có thế cây khác cho gia chủ thì vẫn thấy áy náy trong lòng. Mai của anh trồng thường là khách quen, tự đến xem và trả giá.

Theo anh Hiếu, chăm mai rất vất vả. Ra Giêng chăm cây bón gốc, cuối năm trông chừng thời tiết để chiều ý cây, “mỗi cây mỗi hoa” biết thời điểm tuốt lá thích hợp thì mới đạt hiệu quả. Năm ngoái mất mùa vì thời tiết, năm nay xem chừng có vẻ thuận hòa, chắc sẽ được mùa mai. Nghề trồng mai 50% trông chờ ở thời tiết, thiếu đất nên nghề trồng mai ở Đà Nẵng không thịnh hành nhưng có được vườn mai như nhà anh Hiếu cũng thuộc diện tầm cỡ và được nhiều người biết tiếng. “Trồng mai thu nhập đủ sống, cái chính là có việc cho con cái làm và trồng mai còn có thú vui trong cuộc sống” - anh Hiếu tâm sự.

Vườn mai của anh Nguyễn Thành Thiệt, ở 581 đường Trường Chinh rộng 1.200m¬¬¬2 với trên 1.000 cây mai lớn, nhỏ, cùng nhiều cây cổ thụ. Vườn mai của anh đang được dùng lưới để che bớt ánh nắng. Theo anh, năm nay sẽ trúng mùa mai nhưng vẫn phải xem chừng còn hai đợt lạnh nữa. Mỗi năm có vài chục gia đình gửi mai nhờ anh Thiệt chăm sóc hộ, tùy cây mà tính giá, có cây vài trăm nghìn đồng nhưng cũng có cây lên đến cả trăm triệu đồng. Người chơi mai cũng đa dạng, có người thích hồng diệp mai, hoàng mai nhưng phần đông là thích thanh mai. Có người chọn gốc dạng cổ thụ để lấy thế cây làm chính, còn hoa lá chỉ điểm xuyết; có người lại thích cành nhánh sum suê nhiều hoa lắm lộc, nhưng cũng có người ưa mai tròn có ngọn, cân đối hoặc đa tầng, nhánh đẹp…

Nhiều cây trong vườn mai của ông Đoàn Viết Hùng ở Hòa Phát đã nhú mầm trổ hoa, ai đi ngang cũng trầm trồ khen ngợi. Không trồng chậu như nhiều người, ông Hùng trồng luôn mai xuống đất. Tết đến ai thích cây nào thì đào cây nấy, thích nhánh nào thì cắt nhánh ấy, vài ba trăm cũng bán, mấy chục đồng cũng chiều. Ông có dáng “Hai lúa” chính hiệu, vườn mai nhà ông bộn bề, cao thấp xen kẽ. Ông trồng mai không chỉ để bán, mà hình như còn để cho vườn nhà ông tỏa rạng mỗi độ Xuân về, nếu gặp đêm trăng mà thưởng nguyệt, ngắm mai chắc tâm hồn sẽ trỗi về câu thơ cổ: “Nhất chi xung phá song tiền nguyệt /Bất đáo La Phù mộng diệc hương”, dịch nghĩa là: “Chỉ một cành mai phá vầng trăng trước cửa/ không tới núi La Phù mà mộng cũng đầy hương”. Vườn mai nhà ông đang bật chồi, nhú nụ, như muốn bứt phá cõi đông để bừng dậy đón một mùa xuân nắng ấm.

Có những lời văn viết về mai thật hay: Mai là hoa của người, người là hoa của đất, là cốt cách tinh anh, là hương thơm ngọt mật, mai rủ cả mùa xuân theo về, mai là suối nguồn cho xanh thẳm những niềm thơ, mai nở mừng công cho những ai kiên trì vượt qua chông gai thử thách: “nếu chẳng trơ cành rằm tháng chạp /hoa mai đâu hẹn phút giao thừa”. Những vườn mai mùa xuân ở Đà Nẵng cũng đang dự báo những niềm tin.

LÊ GIA THỤY

;
.
.
.
.
.