.

Từ năm 2010, chúng ta đã thấy

1- Đầu năm 2009, Lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng khai giảng khóa đầu tiên. Sẽ không đáng chú ý lắm nếu như thành viên của lớp không phải là những cán bộ trẻ (phần lớn dưới 35 tuổi) có năng lực và phẩm chất nổi trội của các đơn vị trên địa bàn thành phố.

Điều ấy có nghĩa là lần đầu tiên thành phố có một lớp học mục tiêu để tạo nguồn cán bộ, khác hoàn toàn với những chương trình đào tạo chuẩn hóa để phục vụ cho công tác bổ nhiệm cán bộ. Ở lớp học này một hướng đào tạo cán bộ hoàn toàn mới, chú trọng đến kỹ năng, chứ không đơn thuần lý thuyết, mặc dù phải thừa nhận tiên đề: lý thuyết là nền tảng cho kỹ năng và hành động.

2- Ngày 25-4-2009, nhân dịp thực hiện chủ trương không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện và phường, thành phố Đà Nẵng đã lần đầu tiên bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Sự kiện này, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và ý thức chủ quyền của người Đà Nẵng, của người Việt Nam, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế, tạo được sự hưng phấn hết sức cần thiết cho người Việt Nam, đặc biệt với người Đà Nẵng.

Cho dù bao nhiêu năm nữa trôi qua, trong những bộ sử Việt Nam được biên soạn từ đầu thế kỷ 21, vẫn sẽ mãi nhắc đến sự kiện này, như những sách sử từ xưa đến nay vẫn nhắc đến bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

3- Ngày 19-5-2009, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng ra đời. Không phải ngẫu nhiên mà trung tâm này ra đời vào đúng ngày sinh Hồ Chủ tịch. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Thành phố Đà Nẵng đã tiếp tục thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch bằng cách thành lập trung tâm, như một bước để chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo cán bộ của thành phố, một bước đầu tư để hái quả cho những mùa sau. Khoảng chừng 10 năm nữa (kể từ năm 2010), một thế hệ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản - sản phẩm của trung tâm - sẽ nhập cuộc, sẽ bắt tay vào công cuộc khuếch trương thương hiệu Đà Nẵng.

Khi thành phố Đà Nẵng đã có trung tâm này, sẽ rất có thể nâng cấp thành một cơ quan mang dáng dấp của Viện nghiên cứu quy hoạch và phát triển nhân lực thành phố, ở đó, sẽ đào tạo nhân lực ở tầm cao mới, có tính đến độ dài hơi cho nhiều thế hệ sau, như Lý Công Uẩn từng quy hoạch cho triều đại mình bằng việc dời đô ra Thăng Long hoặc như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng quy hoạch Nguyễn Hoàng “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Khác biệt chỉ ở chỗ người xưa quy hoạch địa lý, ta nay quy hoạch nhân lực, nhưng tương đồng ở chỗ phải tính đến độ bền của quy hoạch, phải trụ được với biến thiên của thời đại, từ đó tạo ra thế rồng bay cho dân tộc Việt, chứ không bằng lòng với thế ngọa hổ tàng long.

4- Ngày 15-1-2010, khóa đầu tiên của Đề án tạo nguồn chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bế giảng (Đề án 89). Theo đúng quy định của Thông báo 89-TB/TU, 5% học viên tốt nghiệp có kết quả cao nhất được chọn nhiệm sở theo sở nguyện, những học viên còn lại sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp (tùy thuộc vào kết quả toàn khóa). Trong số đó, những cán bộ rất trẻ (hầu hết sinh ra trong những năm sau 1980) được đưa ngay vào bệ phóng, chỉ chờ thời cơ để phát hỏa.

Và như thế, nguyên một thế hệ trẻ của công dân Đà Nẵng có quyền tin rằng thời đại đang chờ họ, khác hoàn toàn với tín điều từ xưa đến nay rằng “sống lâu lên lão làng”. Đây thực sự là một bước đột phá trong công tác cán bộ của thành phố. Những người đặc biệt nổi trội trong số họ có thể được xem xét để bố trí về những phường, xã có điều kiện tương đối khó khăn, như một kiểu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, để kiểm nghiệm khả năng và nhiệt huyết của thế hệ cán bộ sinh ra gần cuối thế kỷ XX, từ đó cấp trên có thể chọn họ và đào tạo tiếp để bố trí vào chức danh cao hơn.

Đầu năm 2010, đi dọc sông Hàn, chúng ta như thấy ngay cả dòng sông cũng băng mình rất vội, vì một thập niên mới lại bắt đầu, và vì biển rộng vẫn đang chờ những con sông! 

Lê Trung Kiên 

;
.
.
.
.
.