.

Vương quốc Anh và câu chuyện đô thị hóa

.

Thời Cách mạng Công nghiệp cuối thế kỷ XVIII đầu XIX bầu trời nước Anh đầy khói, môi trường ô nhiễm nặng cùng với một xã hội bất ổn, nhà nông mất đất, người nông dân ly hương... người Anh ngày nay có hẳn một bề dày kinh nghiệm về quy hoạch đô thị tổng thể và khả năng bảo tồn những di sản quý giá của quá khứ.

Tác giả bài viết ở một làng quê nước Anh.

Nhỏ bé về diện tích, với 244.110 cây số vuông, chỉ tương đương với New York hoặc bang Colorado của Hoa Kỳ, nằm ở vĩ độ phía Bắc, Vương quốc Anh là một đất nước đầy màu xanh bởi cây cối tốt tươi và những đồng cỏ trải dài. Một quốc gia ưu việt về nông nghiệp, về chăn nuôi bò sữa, các sản phẩm về cừu... đồng thời phát triển mạnh về kinh tế, khoa học, nghệ thuật, công nghệ, cung ứng dịch vụ và là một trung tâm mậu dịch và tài chính lớn nhất thế giới.

Ngay trong tuần đầu tiên đặt chân đến Vương quốc Anh, vợ chồng người bạn làm việc ở trung tâm Luân Đôn đã rủ tôi du lịch về làng. Họ bảo, người thành phố ở đây, mỗi tuần một lần hoặc ít nhất là mỗi tháng, họ lại về quê, thuê một căn nhà tranh, tận hưởng sự yên tĩnh, ngắm nhìn không gian phảng phất vẻ đẹp cổ xưa, nơi con người được thiên nhiên bao bọc và gần gũi.

Cách trung tâm Luân Đôn chừng 1 giờ đi xe, chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ rất sạch và đẹp. Nhà chỉ một tầng trệt một lầu nhỏ, xung quanh là vườn, hoa và rau, cây và hồ nước. Hoa đua nở trong vườn, ngan ngỗng nô đùa dưới ao, xa xa là những cánh đồng đang mùa thu hoạch. Người nông dân ở đây cũng làm đủ việc, từ trồng cấy, chăn nuôi, làm quán bán hàng đến làm du lịch với một ý thức rất lớn về vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm. Họ không phá vỡ cảnh quan cũ; giới thiệu cái hay cái đẹp của quê mình bằng sự chân thành, tự nhiên chứ không bị cuốn hút theo cái nét thành thị. Mọi thứ ở đây đều được chú ý đến từng chi tiết sao cho cái vẻ quê dân dã chân chất thực sự thu hút được con mắt người thành phố.

Hôm ấy, sau khi đi dạo ở công viên (nửa là đồng cỏ, nửa là rừng) chúng tôi về ngôi nhà lợp rạ, đem ghế vải kê ngoài hiên uống trà sữa, ngắm cây cối, xem sóc nhặt hạt dẻ và nhìn đàn thiên nga trắng ở dưới hồ. Chủ nhà bảo với chúng tôi, ở đây dân còn có những thu nhập nhờ vào việc nuôi bò, cừu, làm sữa và pho mát. Tôi hỏi: “Thế còn những con hươu? Chúng tôi gặp rất nhiều hươu ở công viên?”. Anh trả lời: “Hươu nai của rừng, chúng sinh ra và lớn lên, sinh sôi nẩy nở. Chúng tôi không bao giờ bắt. Cũng như sóc vậy nên chúng rất gần gũi với người. Chúng tôi hết sức cẩn trọng với việc khai thác sản vật rừng”.

Sức mê hoặc của thiên nhiên nơi thôn dã có lẽ là đó. Và thêm nữa, có thể bởi không khí về đêm của thôn quê. Ngọt lịm, mát đến tận đáy phổi. Chủ nhà nói thêm: “Cái thế kỷ công nghiệp hóa ấy, ở Anh có những vùng trẻ em đa số chết non vì lao, người lớn thì tuổi thọ trung bình rất thấp, đều chết vì ba loại bệnh chính: lao phổi, thương hàn và dịch tả... Bây giờ chúng tôi đi những bước rất thận trọng”.

Văn hóa bảo tồn của nước Anh khiến cho những căn nhà cổ mái rạ như thế này rất có giá. Có những ngôi nhà ở nhiều làng được coi là nhà di tích, nằm trong danh sách của cơ quan bảo tồn di sản Anh có giá cả triệu USD. Chính phủ mua hoặc nhà giàu mua. Mua và gìn giữ, bảo quản. Được đánh giá cao như thế, người có nhà và cả làng càng cố gắng gìn giữ những cái gì đã có của mình. Họ hiểu đó không chỉ giữ cho cả làng mà là giữ cho chính mình. Bán thì có giá, không bán cũng có thu nhập bởi dịch vụ cho thuê hoặc cho tham quan.

Đêm ở quê thật là tuyệt. Yên ắng. Có thể nghe tiếng côn trùng, nghe tiếng gió và tiếng lá reo.

Thấy tôi tỏ ý tiếc nuối chưa muốn quay lại Luân Đôn bởi vẻ đẹp từ không gian mình vừa được tắm mình ở đó, hai bạn tôi bảo: “Chúng tớ phải về rồi. Nếu cậu muốn thì hãy đi khắp nước Anh. Còn nhiều làng đẹp lắm. Chỉ riêng Luân Đôn có tới 47 làng được bảo tồn. Và nếu có thời gian, cậu hãy đến mỗi làng vài tháng”.

Một góc phố ở Vương quốc Anh. 

Tuần nào, tháng nào trên các kênh chính của BBC cũng có những bộ phim đầy giá trị về nông thôn. Nghe nói có một DVD “The Perfect English Village” là một trong những phim ấn tượng nhất của năm 2005. Tôi đã nhờ người mua. Chưa xem phim “Những ngôi làng hoàn hảo ở Anh” nhưng tôi đã xem bộ phim về một ngôi làng nào đó ở Anh. Ở đó, như một bảo tàng ngoài trời, người ta dựng lại nhiều chi tiết của đời sống xa xưa, y như thật. Làng có phù hiệu riêng. Đường đặt tên theo nghề: Bread Street, hay Milk Street... Tương tự như Hà Nội 36 phố phường xưa. Hay tương tự như phong vị mỗi làng nhờ vào cái kiểu cổng, cách tỉa hàng rào, và cách xây gạch nghiêng ở hồ bán nguyệt ở ta. Về đến những ngôi làng ở nước Anh như về với một thế giới khác, thế giới của ký ức còn lại, một thế giới đã qua nhưng đủ sức gợi lên nhiều ý tưởng thơ mộng cho hôm nay và thúc đẩy trí tưởng tượng cho một thế giới mai sau trong yên bình và hài hòa.

*

Trở về Luân Đôn, tôi về nhà một người bạn khác, cách trung tâm chừng 20 km, gần ga Carshalton. Người bạn chủ nhà cũng như hầu hết người phố này đều tương tư đồng quê. Với số tiền chi tiêu cho việc mua nhà, mua xe, mua xăng và thời gian đi từ cơ quan về nhà thì ở ngoại ô sẽ đắt hơn ở trung tâm, nhưng nhiều người chọn ở ngoại ô vì họ thấy phong cảnh ở ngoại ô có cái gì đó mang phong vị làng. Cả phố, nhà nào cũng xây theo lối biệt thự nhỏ có mảnh vườn phía trước hoặc phía sau.

Vườn không chỉ trồng hoa mà trồng rau. Rau không chỉ để ăn mà còn để ngắm. Màu xanh của rau đẹp như hoa. Có những vườn nhỏ, chỉ khoảng như cái chiếu người ta cũng “quy hoạch” vào đây đủ thứ cây cối, có khi là cả một cái giàn treo nữa sao cho thị giác được cải thiện. Đó cũng là cách để nâng đỡ tinh thần, để tránh strees và làm tươi mới tâm hồn.

Ở đây ít ngày, tôi nhận ra rằng không chỉ người trung lưu mà giới nhà giàu ở Anh, ngay cả các triệu phú từ nhiều năm nay đã mua nhà ở quê. Mua quê cho mình và giữ nguyên cái nhà cái cảnh điền viên ấy. Người ta coi sống ở quê mới thực là sang, sống ở chung cư, ở các dãy nhà giống nhau, cao vút hay to sừng sững với những thiết bị hiện đại nhưng thiếu thiên nhiên là không biết hưởng thụ, là tâm hồn sẽ nghèo nàn và dễ tha hóa. Sống ở quê, ăn thực phẩm quê mới thực là sạch.

*

Hiện tại, hơn nửa dân số toàn cầu đã sinh sống tại các đô thị. Tại khu vực Đông Á, trung bình hằng tháng có tới hơn 2 triệu người đổ về thành phố kiếm việc làm... Vẫn biết đô thị hóa là điều khó tránh khỏi của quá trình phát triển, nhưng người Anh giờ đây ngoài việc đưa vườn quê về phố, người ta còn quy hoạch phố chú trọng tới việc bảo vệ thiên nhiên như ở quê. Mọi thay đổi cấu trúc phố phải có trưng cầu dân ý thông qua Hội đồng địa phương. Trong quy hoạch phố, không gian công cộng luôn là ưu tiên số 1. Không gian công cộng giúp cho người sống ở đô thị được hưởng phần nào các giá trị thiên nhiên của làng. Và vì thế việc đô thị hóa không đến mức quá gây sợ hãi cho người thành thị. Đồng thời vẻ đẹp của làng, khả năng tiềm tàng của kinh tế nông thôn vẫn là sức hút để giữ người nông dân không ly hương...

Trần Thị Trường

 

 

;
.
.
.
.
.