.

Khôi phục vùng rau sạch

.

Bắt đầu xuất hiện hàng chục năm nay, nhưng rau sạch vẫn không tìm được chỗ đứng cho mình, dù người tiêu dùng vẫn rất hãi hùng với rau "bẩn"...

Khó khăn trong việc tìm thị trường

Nông dân Hòa Khương với mô hình trồng dưa hấu sạch. 

Nhiều loại rau được gọi là rau “bẩn” nếu quy trình trồng với thành phần phân bón, thuốc phun diệt sâu bọ, nước tưới... vượt tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ăn rau là để bổ sung vào thành phần thực phẩm, phục hồi sức khỏe.

Nên cách đây hơn 5 năm, những người nông dân Đà Nẵng nhạy bén đã chuyển đổi quy trình trồng rau, tìm hiểu mô hình trồng rau quả sạch, và nhanh chóng được thị trường tiếp nhận. Thậm chí, rau quả sạch đã được các siêu thị lớn nhỏ trong thành phố đặt mua với giá cả rất cao, và luôn trong tình trạng khan hiếm hàng.

Thế nhưng, tồn tại không bao lâu, mặt hàng rau quả sạch bị trộn lẫn với loại rau quả "bẩn" bày bán trên thị trường, người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là loại rau sạch thật sự, đâu ra rau không sạch. Thậm chí, không ít người buôn bán ham lợi, đã trộn lẫn rau sạch và rau bẩn, bày bán chung nhau với giá cả vừa phải, nên người tiêu dùng càng khó phát hiện. Những bà nội trợ dần dà nghi kỵ, luôn trong tâm thế đề phòng với hàng thật - hàng giả nhưng cuối cùng đành thả tay, mua hàng nào cũng được. "Nhiều loại rau mình mua về, bắt được con sâu sống... nhăn trong rau, nhưng chưa chắc đó là rau sạch, vì người bán làm mọi cách để bán được hàng.

Nên giờ, cứ lựa chọn hú họa, biết đâu mà tránh được!", chị Ngô Thị Hằng, nhân viên một ngân hàng ở Đà Nẵng lắc đầu ngán ngẩm khi nói về rau sạch. Người tiêu dùng đã vậy, dẫn đến người nông dân trồng rau cũng đâm... nản. Bà Lê Thị Thuyết, một hộ dân trồng rau sạch ở Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng nói như than: "Tiêu chuẩn để trồng rau sạch khó hơn trồng rau không theo quy chuẩn "sạch" rất nhiều. Tôi trồng rau sạch 4-5 năm nay, ban đầu khi mang ra thị trường, người ta rất thích, cứ chọn rau tôi mua.

Nhưng dần dần, những người khác thấy rau tôi được giá, thay vì cũng chuyển sang trồng rau sạch giống tôi, họ lại cố tình làm sao cho rau của mình cũng trông giống rau sạch, dù vẫn phun thuốc trừ sâu như thường. Mang ra chợ, đặt 2 bó rau sạch và không sạch bên cạnh nhau thì giống y chang, không phân biệt được. Mà người ta lại bán với giá rẻ hơn giá rau tôi một nửa, vì vậy nếu không hạ giá theo thì rau mình ế dài dài.

Nhiều khi nghĩ cũng ức, nhưng mình vì lương tâm mà làm, nên không thể thay đổi được!". Dù vậy, bà Thuyết cũng được cái an ủi là những người trong vùng biết rau bà là rau sạch thật sự, nên thường giới thiệu họ hàng, bà con ở xa đến mua. Nhờ vậy, mỗi mùa Tết đến, bà cũng thu được vài triệu đồng từ rau. Bà Thuyết vẫn còn may, còn những hộ dân trồng rau sạch khác, không phải ai cũng có may mắn như vậy, nên chính đầu ra cho sản phẩm khiến người trồng rau sạch cảm thấy thiệt thòi.

Khôi phục lại những vùng rau sạch

Hiện nguồn rau trồng ở Đà Nẵng chỉ đáp ứng được từ 20-30% nhu cầu của người dân, còn lại hầu hết đều phải nhập ở các tỉnh khác về. Theo ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP. Đà Nẵng, vừa qua, qua kiểm tra, lấy mẫu từ một số rau củ quả nhập về từ các tỉnh khác, vẫn có những sản phẩm có dư lượng hóa chất thực vật cao hơn so với quy định. Vì vậy, yêu cầu có một nguồn rau sạch phục vụ cho người dân trong thành phố hiện nay là hết sức cấp thiết.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng đã có một dự án dài hơi về sản xuất rau an toàn phục vụ người dân. Dự án có kinh phí trong phạm vi từ hai đến ba mươi tỷ đồng, triển khai từ năm 2010 đến 2014; sẽ triển khai tại 6 vùng: La Hường, Túy Loan Tây, Hòa Khương, Cẩm Nê, Thạch Nham, Yến Nê. Đến cuối dự án, Đà Nẵng sẽ có 80ha chuyên trồng rau sạch phục vụ người dân thành phố và tỉnh, thành lân cận.

Để bảo đảm phát triển nguồn rau sạch được thuận lợi, dự án đã triển khai đồng bộ từ việc khảo sát nguồn đất, nguồn nước, năng lực của người dân; đến việc tập huấn cho người dân kỹ năng, kỹ thuật trồng rau quả sạch, bảo đảm vừa năng suất, vừa đạt yêu cầu về độ "sạch" của sản phẩm. Hệ thống nước tưới của 6 vùng này cũng phải bảo đảm về hệ thống xử lý, không có tạp chất, không có vi sinh vật có hại; bảo đảm xa bệnh viện, khu công nghiệp, không gần sân bay. Tất cả những mẫu nước, mẫu đất ở đây đều được cấp giấy chứng nhận để sản xuất.

Theo ông Hồng Vân - thành viên của Ban dự án rau sạch TP. Đà Nẵng, một vấn đề được người nông dân quan tâm, đó chính là đầu ra của sản phẩm. Chính sự tiêu thụ cầm chừng, thậm chí rau sạch được coi không khác rau trồng bình thường, đã làm giảm nhiệt tình của người trồng rau sạch hiện nay. Nắm bắt vấn đề đó, dự án cũng đã có kế hoạch xây dựng những quầy giới thiệu rau sạch tại các vùng rau sạch, cấp giấy chứng nhận cho những hộ trồng rau sạch làm bảo đảm với người tiêu dùng.

Đồng thời, mời chào những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có thực lực để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng dễ dàng và quy củ hơn. Từ nền tảng đó, sẽ dần dà xây dựng nên thương hiệu của các vùng rau sạch, và sẽ đầu tư ngày càng quy mô, bài bản hơn những vùng trồng rau sạch trong tương lai.

VIẾT THANH

;
.
.
.
.
.