.

Phan Quang Định – hành trình còn dang dở

.

Phan Quang Định sinh năm 1922 tại phường Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Thời trẻ ông kết thân với nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và đặc biệt nhà thơ Lưu Quang Thuận.

Phan Quang Định (thứ hai từ trái sang) và gia đình tại vùng kháng chiến Liên khu 5 (1950) 

Năm 1943, Lưu Quang Thuận ra Hà Nội viết báo, làm thơ, dựng kịch. Phan Quang Định cùng bạn ra Bắc, trông nom thiết kế, trình bày ấn phẩm. Tháng 3-1945, Nhật hất cẳng Pháp, tình hình ngày càng căng thẳng. Hai anh em chia tay, kẻ Nam, người Bắc. Như linh cảm sẽ còn lâu mới có dịp gặp lại, họ cùng hứa hẹn: Chuyến này mỗi đứa một phương, rồi đây nếu có lập gia đình, sẽ lấy tên bạn đặt cho con trai để luôn nghĩ tới nhau (1).

Phan Quang Định trở về quê, tham gia cướp chính quyền tại thành phố Đà Nẵng. Cùng Nguyễn Văn Bổng, Phan Huỳnh Điểu... lao vào công tác. Nguyễn Văn Bổng làm Trưởng Ty Thông tin. Phan Quang Định gia nhập quân đội. Trong khi đó Lưu Quang Thuận tham gia phong trào, công tác tại thủ đô, đầu năm 1947, khoác ba lô lên chiến khu Việt Bắc...

Tại cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Vào thuở đầu đời của tân nhạc, Tourane (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An) là hai nơi có khá nhiều tài năng âm nhạc như Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh, Phan Quang Định... Nếu trong phạm vi nhạc tình, các nhạc sĩ miền ngoài thường chỉ đưa ra những ca khúc ngắn (đoản khúc) thì hai ông họ Phan ở miền Trung soạn ra những bài hát dài (trường khúc) có tính chất truyện ca. Phan Quang Định soạn Sơn Tinh Thủy Tinh còn Phan Huỳnh Điểu soạn Trầu cau. Bài Sơn Tinh Thủy Tinh của Phan Quang Định chỉ có một khúc điệu với 12 đoạn ca, có thể coi như một bài hát làm cho nhi đồng, mở đầu:

“Sử vàng ghi chép

Ngày trước Hùng Vương

Có nàng công chúa

Mắt xanh dịu hiền...”(2)

Khúc điệu trong sáng giản dị, nhiều lần được các hướng đạo sinh biểu diễn trong các đêm lửa trại. Gần đây, Nhà xuất bản Thanh niên in trong tuyển tập Một trăm sử ca. Ngoài nhạc, ông vẽ khá nhiều tranh cổ động kháng chiến. Ký họa của ông thể hiện cá tính lạc quan theo cách nhìn độc đáo. Tại Đại hội luyện quân năm 1948, Tư lệnh Liên khu 5 Cao Văn Khánh mời một số văn nghệ sĩ ra thao trường, mở đầu cuộc thi bắn súng. Nguyễn Đỗ Cung bắn trúng luôn mục tiêu bốn phát trên năm. Phan Quang Định vẽ nhanh bức ký họa. Hình ảnh lão họa sĩ nín thở bóp cò, chòm râu nghiêng trên báng súng, đôi chân khẳng khiu một co một duỗi, chiếc guốc treo ở bàn chân, chiếc kia rơi xuống đất... Bức ký họa được đăng trên tạp chí Luyện quân, nhiều người đến nay còn nhớ.

Với trách nhiệm Phó ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Liên khu 5, Phan Quang Định cùng anh em biên soạn và ấn hành tờ Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1950, tại Đại hội Văn nghệ Nam Trung Bộ, cả hội trường lắng nghe Phan Quang Định đọc bài bút ký nóng hổi Đà Nẵng vùng lên viết tại chiến trường của cây bút trẻ Thái Nguyên (3) vừa từ mặt trận gửi về. Ông thường lấy những tấm gương cao quý những người lính cầm súng xung phong ra trận để soi mình, hướng tới lý tưởng sống đẹp. Ông khao khát dấn thân vào cuộc sống gian khổ vùng địch hậu đầy thử thách hoặc tại những chiến trường xa. Đầu năm 1951, ông tự nguyện tham gia đội quân tình nguyện chiến đấu ở vùng Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào, đến năm 1954, tập kết ra Bắc, được giao nhiệm vụ thành lập và làm Trưởng đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc.

Xếp mọi riêng tư, ông lao vào công việc. Mùa thu năm 1958, một lần tôi nhận được bức thư ngắn ông gửi từ Tây Bắc: “Sáu tháng nay tôi không viết thư cho ai, kể cả vợ con... Công việc cứ thế kéo đến liên tiếp. Mong anh hiểu và thứ lỗi cho (về việc chậm hồi âm)...”.

Những năm 80, kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trừ một vài tờ xuất bản trong Nam, báo chí còn lại sống nhờ bao cấp. Năm 1984, tìm tòi thử nghiệm cách đột phá, Hội Nhà báo Việt Nam cho ra tờ tạp chí lý luận, nghiệp vụ không dựa vào kinh phí cơ quan. Tôi được giao làm Tổng Biên tập với một Hội đồng Biên tập gồm nhiều nhà báo tên tuổi. Chúng tôi làm báo trong điều kiện không nơi làm việc, không vốn, không được cấp giấy in. Cần người có óc thẩm mỹ hiện đại giúp việc thiết kế, trình bày - không phải trả thù lao - chúng tôi nghĩ ngay tới Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phan Quang Định. Cho dù đang bận công tác tại Xưởng phim Quân đội, ông vẫn nhiệt tình dành công sức vẽ măng sét, làm vinhét các chuyên mục, tạo dáng vẻ riêng cho tạp chí của Hội Nhà báo. Khi cần, sẵn sàng tới nhà in săn sóc việc ấn loát... Tạp chí Người Làm báo ra tới số thứ 3 in tới 15.000 bản - một con số hiếm hoi đối với các tạp chí nghiệp vụ thời bấy giờ. Cái măng sét và các vinhét Phan Quang Định tạo nên, đã được tòa soạn dùng liên tục suốt hai thập niên, gần đây mới thay.

Say mê cuối đời của Phan Quang Định là điện ảnh. Từ Tây Bắc, ông được điều về Hà Nội, làm việc tại Xưởng phim Quân đội. Cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam viết về bộ phim của ông như sau:“Hà Nội bản hùng ca (biên kịch và đạo diễn: Phan Quang Định) là bộ phim tài liệu có nhiều thành công trong giai đoạn 1965-1975. Đây là một trong những tác phẩm hay nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Điện ảnh Tài liệu Quân đội... Ống kính quay phim đã làm bật lên được hào khí Thăng Long. Trước ranh giới của sự sống và mối đe dọa của cái chết, người Hà Nội vẫn lạc quan, tự tin. Tại Liên hoan Phim Việt Nam năm 1975, bộ phim được nhận Giải Bông sen vàng, cùng Bằng khen đặc biệt, tuyên dương các chiến sĩ quay phim dũng cảm. Tại Liên hoan Phim Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa năm 1978 tại Vetprem (Hungari), bộ phim đoạt Giải nhất dành cho phim tài liệu”.

Quá tuổi nghỉ hưu, Phan Quang Định trở về Đà Nẵng. Ông được Quân khu 5 đặt làm bộ phim tài liệu đại thể như Hà Nội bản hùng ca, nói về cuộc chiến đấu ở quê hương ông. Viết xong kịch bản, Phan Quang Định dẫn ê kíp mới lao vào “trận chiến”. Đeo bên mình cái túi bất ly thân đựng thuốc men cho bệnh tim, ông cùng đoàn làm phim lên tận Giằng, huyện miền núi xa xôi cách trở ở miền Tây Quảng Nam. Đêm mà đoàn làm phim tổ chức buổi họp mặt chia tay, cảm ơn đồng bào dân tộc đã nhiệt tình giúp đỡ đoàn một đợt công tác dài, Phan Quang Định cảm thấy người hơi mệt, ông lặng lẽ lui về nhà sàn, và bị đột quỵ luôn trong đêm ấy. Đồng đội hộc tốc đưa ông lên xe trở về Đà Nẵng giữa đêm khuya. Tiếc thay, đường rừng vời vợi núi đèo... Phan Quang Định trút hơi thở cuối cùng tại quê hương tháng 4 năm 1989.

Được tin anh đột ngột từ trần ở Đà Nẵng, Xưởng phim Quân đội ở Hà Nội làm lễ truy điệu anh không làm sao tìm được một bức ảnh chân dung của anh để đặt lên hương án.

Phan Quang

(1) Con trai đầu của Phan Quang Định sinh tại Liên khu 5 mang tên Thuận, hơn thế, Hoài Thuận. Đứa thứ hai mang họ bạn (Lưu), Hoài Lưu. Trên đất Bắc 2 con trai của Lưu Quang Thuận là Quang Vũ và Quang Định.

(2) Hồi ký Phạm Duy, Nxb Trẻ, 2006.

(3) Thái Nguyên là bút danh thời chống Pháp của nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung.

;
.
.
.
.
.