.
PHÁT HIỆN MỘT TÀI LIỆU QUAN TRỌNG THỜI TÂY SƠN

Ông cha ta đã “minh bạch tài sản” như thế nào?

.

Công chức, cán bộ thanh liêm thời nào cũng có và đều được nhân dân kính trọng. Minh bạch tài sản của công chức cũng là cách ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng có hiệu quả. Trong lịch sử, dưới triều Tây Sơn, Thượng thư Trương Công Hy đã để lại tấm gương sáng cho đời về chuyện kê khai tài sản..

Ôn cố tri tân

Bản khai của 5 người con Thượng thư năm Gia Long 

Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 về minh bạch tài sản và thu nhập là một trong những nghị định của Chính phủ nhằm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Nghị định cụ thể hóa những vấn đề như kê khai tài sản, xác minh tài sản, xử lý người kê khai không trung thực... Việc kê khai được thực hiện hằng năm. Nếu kê khai không đúng quy định sẽ phải khai lại, sau đó nếu đã hoàn chỉnh đúng mẫu thì hồ sơ sẽ được lưu và vào sổ theo dõi. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này trong 3 năm qua vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi...

Chuyện mới khiến ta nhớ đến chuyện cũ: Cách đây một tháng, người dân thuộc con cháu họ Trương làng Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam) đóng góp tiền tôn tạo lăng mộ một vị “quan thanh liêm” là cụ tổ đời thứ 7 của họ - Thượng thư Trương Công Hy - như một biểu hiện của lòng dân đối với những công bộc biết lo cho dân, sống thanh bần trong sạch trong lịch sử nước nhà. Cụ Trương Công Cầu, sinh năm 1931, là hậu duệ 5 đời của Thượng thư Trương Công Hy đưa cho tôi xem nhiều văn bản bằng chữ Nôm do chính tay Thượng thư viết, đóng triện son và nhiều dấu khuyên rãi rác trên văn bản gốc có chất liệu giấy dó. Một số văn bản này là các tờ khai đất đai trong các giai đoạn mà quan Thượng giữ các chức vụ Tri phủ Điện Bàn, Khâm sai đại thần, trấn thủ Quảng Nam và Hình bộ Thượng thư trong các triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Cảnh Thịnh Nguyễn Quảng Toản. Theo ông Cầu, việc minh bạch tài sản dưới triều Tây Sơn là một bài học quý giá.

Một tài liệu quý hiếm

Bút tự trong di chúc Khâm sai đại  thần Trương Công Hy năm 1798

Bản khai năm Thái Đức bát niên, bát ngoạt nhị thập tứ nhựt (ngày 24 tháng 8 năm 1786), do chính Tri phủ Điện Bàn, tước Thùy Ân tử khai, ký tên về những khoảnh đất mà ông sở hữu hoặc do cha mẹ để lại và giao cho 5 người con làm hương hỏa, gồm 5 khoảnh đất vườn và một khu đất ở xứ Bến Giá thuộc xã Đông An do mua lại từ một người trong tộc... Các khoảnh điền, thổ được khai đều ghi rõ nơi giáp ranh, diện tích, đất đang canh tác hay đất bỏ trống, đất có đóng thuế hoặc được miễn thuế. Trong các tờ kê khai, ở đoạn cuối đều có câu: “Dĩ thượng hữu tự chỉ... khai báo tường tận, quả như đơn nội, nhược thử thổ đa gian khai thiểu cập, ẩn phế ngoại lập tự nhứt xích, dĩ thượng cam thọ gia tài nhập quan, tái thọ tử tội tư biên”. Ông Cầu giải thích, việc kê khai hồi đó không thể gian lận dù một thước đất (nhứt xích), nếu gian lận sẽ bị thu hồi và tái phạm sẽ bị án tử hình. Chính nhờ luật pháp nghiêm minh như vậy cho nên, bên cạnh phẩm chất của mỗi quan viên, tệ nạn tham nhũng cũng được ngăn ngừa tận gốc...

Năm Cảnh Thịnh Ngũ niên, 1798, lúc này cụ Trương Công Hy đã là Khâm sai đại thần và vẫn phải làm tờ khai, rõ ràng từng thước đất ruộng, đất ở của mình lẫn các con với những cam kết tương tự...

Ngoài các văn tự còn lưu lại sau hơn 2 thế kỷ, sau khi Thượng thư Trương Công Hy qua đời năm 1800, còn có văn tế ca ngợi công đức của ông. Tuy bản chính chưa tìm thấy, nhưng có đoạn được con cháu trích lại: “Hường ân Thuận Hóa, huệ trạch thuần lương, chánh đương Thượng thơ hình bộ, quyền sai Quảng Nam ngoại trấn, khâm sai đại thần, phụng thủ chưởng nhứt phương...”. Sau đó, trong ngày kỵ của ông, một cụ Tú tài họ Nguyễn ở địa phương đã viết: “Lộc lớn vua ban nhường cho dân chúng/ Cơ nghiệp người xây hiến cúng gia tiên/Ôi tấm gương cao tổ triết hiền/ Đời thường nhắc, cháu con ghi nhớ/Một nén hương dâng người thiên cổ/ Trọn đời soi gương sáng người treo...”.

Ông Trương Công Cầu cho biết từ nhỏ đã nghe những người già trong làng kể rằng quan Thượng thư từng được vua ban cho một cánh đồng rộng 500 mẫu thuộc hai làng Lai Nghi, Phú Chiêm cạnh dinh trấn Thanh Chiêm gọi là ruộng “công thần”. Nhưng ông đã giao lại cho dân địa phương canh tác, không thu một chút hoa lợi nào. Nhờ đó, khi ông qua đời năm 1800, người dân các địa phương trên đã đến viếng, tiễn rất đông. Con đường làng dẫn đến nơi quàn thi hài ông được dân chúng lúc đó đặt tên là “Ngõ Quan thượng” vẫn còn lưu lại đến ngày nay ở làng Thanh Quýt.

Một lý lịch chưa trọn vẹn

Khai đất năm Cảnh Thạnh ngũ niên của Khâm sai đại thần Trương công Hy 

Theo gia phả, Thượng thư Trương Công Hy là tổ đời thứ 7 của tộc Trương ở làng Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam, hiện nay hậu duệ đã có 17 đời. Tổ tiên ông vào Nam khỏang thời kỳ Nguyễn Hoàng vào trấn giữ phía nam Hoành Sơn lập ra xứ Đàng Trong từ phủ Linh Đô, huyện Quang Hưng, xã Ba Viên thuộc Nghệ An. Từ đời thứ 1 đến đời ông đã có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong các triều Hậu Lê, chúa Nguyễn, Tây Sơn. Có thể kể đến ngài tiền hiền Trương Công Trung được vua Khải Định sắc phong là Đặc tấn Thượng tướng quân Cẩm Y vệ, tổ đời thứ 3 là Đặc tấn Kim tử Thận lộc đại phu Trương Công Lễ, tổ đời thứ 5 (tức ông nội ông) là Đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu Trương Công Yên và cha đẻ của ông là Nội bộ toàn nhị thuyền Ngũ trưởng Tân đức bá Trương Công Kỳ.

Do từ đường của tộc bị cháy và xây dựng lại năm Ất Mão 1915, nên nhiều tài liệu đã thất lạc. Qua truyền miệng từ các thế hệ trong tộc, có thể biết ông sinh năm 1727 và mất năm 1800 lúc đã về nghỉ hưu và trước khi Gia Long giành lại chính quyền từ tay Tây Sơn năm 1802. Ông thi đỗ kỳ Đệ tam (Nhiêu học) và Đệ tứ (Hương Cống) trong một kỳ thi dưới triều Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Với học vị này, được miễn sai thuế suốt đời, có thể ra kinh dạy học và được bổ làm tri huyện, tri phủ.

Theo lời kể của các cụ trong dòng tộc, trước đó, Trương Công Hy và Trương Văn Hiến là thầy dạy các ấu chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Trương Văn Hạnh là một đại thần thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Cả ba đều có họ hàng với nhau. Năm Ất Dậu (1765) Võ Vương mất. Võ Vương di chiếu lập người con thứ hai là Nguyễn Phúc Luận lên nối ngôi. Trong triều có người chuyên quyền, thông đồng lập di chiếu giả, lập người con thứ mười sáu của Võ Vương là Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa. Thuần khi ấy mới có 12 tuổi. Các quan trong triều cúi đầu tuân mệnh. Riêng Trương Văn Hạnh tỏ ý phản đối nên bị giết. Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây bèn bỏ vào Nam và trở thành thầy dạy học của ba anh em Tây Sơn. Riêng Trương Công Hy đã bỏ về quê ẩn dật cho đến khi Nguyễn Nhạc ra Quảng Nam và được thầy giáo Hiến tiến cử là thầy dạy cũ của Hoàng Tôn Dương. Nhờ tài năng và đức độ, ông đã lần lượt thăng tiến lên các chức vụ như đã nói ở trên.

Tài sản phải kê khai là nhà, quyền sử dụng đất, kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật và sự biến động của các loại tài sản đó. Biến động về tài sản phải kê khai là sự tăng, giảm các loại tài sản phải kê khai so với lần kê khai gần nhất.

(Theo Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập) 

Tài liệu chính sử thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn đốt sạch. “Tại nhiều địa phương ngày nay đến một mảnh giấy, một mảnh bằng sắc thực sự của triều Tây Sơn cũng không còn” (Trần Văn Quý, Những tìm hiểu mới nhất về Triều Tây Sơn qua tư liệu Quỳ Hợp- tạp chí Khoa học Quân sự 2-1987), cho nên cuộc đời và sự nghiệp của Thượng thư Trương Công Hy vẫn chỉ là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh. Tuy vậy, việc tìm thấy những bút tích hiếm hoi do vị “quan thanh liêm” Trương Công Hy để lại từ hơn 2 thế kỷ qua, một lần nữa cho thấy tài trị nước, sử dụng hiền tài và tổ chức bộ máy hành chính mang tính cách mạng mà Nguyễn Huệ định ra. Nghị định minh bạch tài sản và thu nhập đang được triển khai đối với cán bộ, công chức hiện nay, hy vọng sẽ kế thừa được những kinh nghiệm của ông cha và mang lại sự trong sáng trong bộ máy công chức, duy trì lòng tin của nhân dân với những “công bộc” của họ.

Nguyễn Hoàng Sa

;
.
.
.
.
.