Cà-phê Highland bên hồ Hoàn Kiếm. |
Lần đầu tiên đến Cà-phê Phố Cũ, cũng chỉ bởi cái tên quán giàu sức gợi. Tôi không sao ngờ được, giữa phố cũ chật chội này lại có một không gian vườn đầy ắp xanh đến thế. Chưa kịp ngồi xuống bên chiếc bàn gỗ tròn đã nghe lảnh lót tiếng chim họa mi, chim chào mào. Nhìn sang bên phải, một khóm chuối đã trổ hoa, nứt ra từng nải chuối xanh. Bên trái là giàn cây leo che rợp trên mái ngói đỏ au. Ở đây không có ồn ả, mà nhẹ nhàng như muốn nâng niu từng li ti im lặng của mọi người và lắng thật sâu một giai điệu man mác đâu đó của Schubert, Mozart. Cái quán Phố Cũ này đã mê hoặc tôi từ đó.
Tôi biết nhâm nhi cà-phê từ hồi nào, thực sự không còn nhớ nữa. Nhưng cái tên cà-phê lần đầu tiên tôi được nghe là trong một buổi học tại Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên. Đã xa lắc xa lơ mấy mươi niên, nhưng tôi không thể nào quên, bởi mỗi lần nhớ lại, vừa buồn cười, lại vừa xấu hổ vì cái sự “quê” của mình. Đó là buổi học của thầy giáo Quạn già ngày Hà Nội mới giải phóng. Thầy nói, ba loại cà-phê Tây Nguyên nước Việt ta trứ danh nhất thế giới. Đó là cà-phê chè, cà-phê vối, cà-phê mít, nhưng đặc biệt thơm ngon là cà-phê chè có tên gốc lad Arabica. Mai này thống nhất, dân Việt mình mặc sức thưởng ngoạn cà-phê. Dường như thầy đang mơ màng nghĩ đến ly cà-phê tỏa hương thơm ngát trước mặt chăng. Khi tôi đột ngột đứng dậy, thầy như một thoáng giật mình.
- Thưa thầy, nước Nam mình có nhiều loại cà-phê chứ.
- Vậy con kể thầy nghe.
- Thưa thầy, ngoài cà-phê chè, cà-phê vối, cà-phê mít, còn có cà-phê Thọ, cà-phê Lâm, cà-phê Thúy...
Tôi nghe lũ nhóc quanh mình cười rộ lên, nhưng thầy vẫn như lắng nghe, lại còn ra chiều khuyến khích nữa.
- Làm sao con biết được nhiều thế.
- Thưa thầy, dọc đường con tới trường đó thôi. Cà-phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, cà-phê Thúy ở Hàn Thuyên… à, còn cà-phê Phố ở Tăng Bạt Hổ nữa.
Thầy tủm tỉm cười, khen:
- Con giỏi. Con bộ đội có khác. Lớn lên con sẽ thành anh lính trinh sát cừ khôi. Các con cũng phải học tập bạn Diễn. Biết quan sát cũng là một năng khiếu.
Lũ nhóc, con gái con trai lớp Nhất E rúc rích cười. Ngay lúc đó, thú thực tôi không biết thầy khen mình hay thầy diễu.
Mấy chục năm sau tôi trở thành một anh lính thực sự và những năm chiến tranh, run rủi làm sao tôi lại sống nhiều năm ở Tây Nguyên. Nhớ lại bài học vỡ lòng về đất nước mà thầy giáo già đã mở mắt cho mình từ thời niên thiếu, tôi cố tìm cho được cây cà-phê kỳ diệu. Rừng bạt ngàn đại thụ, nhưng cà-phê thì tuyệt nhiên chẳng thấy. Mãi khi đất nước thống nhất, băng qua những nương cà-phê ngút ngát Ea Hleo, tôi mới nhận ra lời thầy giáo già một thời truyền cho lũ nhỏ chúng tôi một chút hương vị cà-phê để thêm yêu đất nước Việt của mình, lại chợt nhìn thấy dáng dấp gương mặt người thầy, đôi mắt mơ màng với hương vị cà-phê. Từ Tây Nguyên ra, tôi mang theo một ít cà-phê làm quà. Hỏi han người nọ, người kia, những người bạn cũ thời Ngô Sĩ Liên, tôi mới dò tìm được nơi thầy ở sâu trong ngõ Thong Phong. Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì. Nhắc lại chuyện cũ, ký ức xa xưa như sống lại. Thầy cười, tôi cười. Trên gương mặt già nua người thầy giáo cũ vẫn còn phảng phất một chút hóm hỉnh hồi nào.
Ngày nay không chỉ cà-phê Thọ, cà-phê Thủy, cà-phê Lâm như cậu học trò nhỏ đem chưng ra với người thầy già, mà trên trời, dưới phố là cà- phê. Cà-phê của giới trầm tư mặc tưởng văn nhân. Cà-phê của mấy ông lớn đại gia doanh nghiệp. Cà-phê của mấy cậu sinh viên nghèo. Đi dọc các con phố Hà nội, không khó khăn gì để nhận ra sắc thái, đẳng cấp của các quán. Giới trẻ Hà Nội nói đến cà-phê là nghĩ tới Highland, một quán bên hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là nơi dễ thu hút khách nước ngoài. Vừa nhâm nhi cà-phê, vừa ngắm nhìn những nhành liễu rũ buồn ven mặt nước. Cà-phê Du Thuyền trên bán đảo Thiền Quang cũng có không gian man mác của cây và nước. Ngày nay, cà-phê vỉa hè không còn mấy nữa. Nhưng đã một thời dân ghiền thường kéo đến Triệu Việt Vương. Tại đây, trên một đoạn phố nhỏ, dễ có vài chục quán, là điểm hẹn của mấy vị thích chuyện trên trời dưới biển. Thái Sơn cà-phê, Tranh cà-phê, cà-phê Mimosa, cà-phê Hà Nội Phố, v.v… nhưng cà-phê vỉa hè cổ điển nhất phố này phải nhắc tới cà-phê Thái. Cà-phê giữ hồn Hà Nội nhiều nhất không đâu khác là cà-phê Lâm, trên đường Nguyễn Hữu Huân tồn tại có dư nửa thế kỷ. Đến đây không chỉ nhâm nhi vị cà-phê cổ điển nhất, mà còn được chiêm ngưỡng những họa phẩm bậc thầy của nhiều danh họa, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Cao. Đây chính là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ… già. Cũng có những quán nhỏ xíu xiu như cà-phê Minimal, chỉ đủ cho vài ba chiếc ghế nhỏ nhìn ra hồ Tây, nhưng lúc nào cũng vào ra chen chúc.
Nói đến phong cách uống cà-phê, tôi chợt nhớ đến lời bình luận ngoài lề về sự ăn, sự uống của cụ Nguyễn Tuân. Uống rượu màu xanh, màu hồng, ví như rượu cam, rượu chanh chẳng hạn, cụ khinh. Nó đâu phải rượu mà là nước màu. Đó là chuyện giữa hai bậc đại gia văn chương Nguyên Hồng và Nguyễn Tuân tiên sinh. Còn ăn phở, cụ chỉ thừa nhận mỗi phở bò chín mềm, ngọt nước. Ai đó khen chê phở tái, phở gà chi chi đi nữa, cụ đều để ngoài tai. Có lần cụ bảo, cà-phê mà cho đá vào, dùng thìa khoắng rỏn rẻn, uống ực ực thì… xấu hổ cho cà-phê lắm. Với cụ, cà- phê cứ phải cà-phê phin. Chậm rãi, từ tốn với tâm thế bình yên, thư thái mà thưởng ngoạn cái thơm, cái đắng đến ngây ngất của thứ cây trái Arabica chính hiệu này mới thấy hết cái thú được sống, được hưởng cái sướng riêng của một đời người.
Thưa Nguyễn Tuân, nơi Cụ yên nghỉ, liệu có cà-phê để cụ nhâm nhi đúng điệu mỗi buổi sớm mai.
Đoàn Tử Diễn