.
Hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Chọn mặt chơi lũa

.

Đến như cái từ “lũa”, dễ gì ai cũng tường. Tôi cũng nằm trong số người ngu ngơ không biết lũa. Người ta bảo chơi chọi gà, chơi cây cảnh, chơi thư pháp… không có thú chơi thì ít chi cũng mường tượng ra vật chơi nó hiện lên trong ngôn ngữ. Nhưng lũa thì... chịu.

Lũa là một thú chơi tao nhã của nhiều người hiện nay.

Cho mãi đến một hôm tình cờ theo ông bạn về Nhật Tân, lân la bên cạnh ông già tóc bạc với chơ vơ vài ba gốc cây mới hay… à ra là lũa. Hôm đó tôi mới biết lũa là phần lõi cứng của gỗ không bị mưa gió bào mòn qua năm tháng. Qua dâu bể nổi chìm, bầm dập với đất đá, thác ghềnh cuối cùng phần lõi còn lại tự nó đã tạo ra vô vàn hình thù kỳ dị.

Từ rễ lũa có thể tạo nên Hòn Vọng phu, Trống mái, Thánh Gióng... Có ba loại lũa được ưa chuộng. Một là loại rễ cây bị chôn vùi lâu năm dưới nhiều tầng đất đá. Loại lũa này thường giữ được nguyên chất màu của gỗ nguyên thủy. Đây là lũa tạo được các sản phẩm đa dạng. Loại lũa thứ hai ngâm lâu ngày trong bùn đầm, ao, hồ có màu đen sẫm như mun, như sừng. Đây là loại lũa tạo nên những sản phẩm sang trọng, có chiều sâu nhờ cái màu đen bóng của nó. Và còn một loại lũa nữa bị bào mòn qua gió cát mưa sa, được liệt vào loại lũa đẹp bởi có những đường vân tự nhiên, đa dạng. Cái thú của chơi lũa là phải có con mắt nhìn. Thoạt trông những rễ cây khô, xù xì gân guốc, ngỡ như rễ cây nào cũng na ná nhau. Với người biết cách nhìn thì mỗi rễ cây gợi cho mình những dáng dấp kỳ thú. Nhưng không hẳn rễ cây nào thoạt nhiên cũng lộ diện hình hài. Tất cả bí quyết nằm ở nơi con mắt và đôi tay. Khéo một chút là ra hình, ra dáng.Và khi tia được cái dáng dấp ẩn hiện đâu đó thì cũng phải qua một vài tỉa tót nữa cái dáng mới thật sự lộ ra. Cái thú của người chơi lũa nằm ở đó.

Ngày trước những người chơi lũa, nhặt được mẫu lũa đâu đó đem về, khi nhàn nhã đem ra ngắm nghía, tỉa tót. Rồi người hàng xóm sang chơi, tấm tắc khen, và nếu thích thì chủ nhân hào phóng cho mang về, nào có bán chác gì. Người Hà Nội có nhiều thú chơi có từ ngàn xưa. Lũa cũng là một thú chơi tao nhã như vậy. Nhưng trong nhiều thú chơi, có lẽ chơi lũa thâm trầm hơn cả. Một mình mình biết, hiếm tìm thấy tri âm tri kỷ. Nhưng có lẽ vì thâm trầm lặng lẽ mà lũa tỏ ra cao siêu hơn những thú chơi đại chúng, bình dân ồn ã khác.

Nhưng giờ đây lũa không còn thầm lặng ẩn mình. Nhiều con phố Hà Nội đã có cửa hàng lũa. Dạo qua một số phố Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, một vài nhà ở Thanh Trì, Đông Anh…, lũa không còn chậm rãi tỉa tót công phu, tinh tế. Ngày nay lũa đã được “công nghệ hóa”. Nhiều nhà đã thiết kế cả một hệ thống dây chuyền chế tác lũa. Những rễ cây được ô-tô chở về từ các tỉnh miền núi chất thành đống lớn trong kho. Tại đây rễ lũa mới được phân loại theo từng nhóm, người ta ngắm lũa để thực hiện ý tưởng. Rồi các ý tưởng được đưa vào xưởng, cắt bỏ, cấy ghép, chắp nối, đánh bóng. Những Thạch Sanh, Thánh Gióng, Nước Nguồn, Sải cánh Đại Bàng, Vọng Phu, Rồng Thiêng, Lưỡng Long tranh châu… từ xù xì, thô mộc hóa thành tác phẩm. Những bàn tay như có vô vàn phép biến hoá đưa lũa bước vào nghệ thuật. Người ta đánh giá sản phẩm lũa qua dáng nét tự nhiên, tinh tế, qua chất gỗ. Lũa lim, nghiến, thông, trai là những chất liệu cao cấp, nhưng những người chơi lũa sành điệu thường đánh giá cao gụ hương. Đây là loại gỗ mịn, có vân tự nhiên đẹp và luôn toả ra một mùi hương dìu dịu lan tỏa.

Ở Hà Nội đã một đôi cuộc đưa tiễn cảm động để lũa theo những chuyến tàu đến Đài Loan, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan… Nhưng nhiều người Hà Nội lại không mấy hào hứng khi để lũa gia nhập thương trường ồ ạt. Nghệ nhân Lũa là bạn tri kỷ với Nguyễn Bính, chỉ muốn Lũa Chân Quê. Họ dị ứng với công nghệ véc ni, chắp nối, cấy ghép… Dạo qua các con phố nhỏ Hà Nội, xuôi về mấy làng ngoại ô, tôi nhận ra rất rõ điều đó. Dường như đó cũng là một tính cách của người Hà Nội chăng, bởi họ coi lũa là một thú chơi tao nhã, và nếu có bán thì không hẳn chọn tiền, mà chọn người để bán, nghĩa là phải chọn người đáng mặt mới trao lũa.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.