.

Một ngày xuôi sông Hồng

.

Những năm đi công tác xuống Hưng Yên, Thái Bình, tôi đã từng xuôi ngược sông Hồng đôi ba lần. Trên những chiếc sà lan cũ kỹ, chất đầy hàng, hoặc trên những chiếc ca nô chạy ì ạch, phải mất ròng rã một ngày mới tới được Thái Bình. Nhưng nay đón chúng tôi là một chiếc tàu du lịch màu trắng nhẹ nhõm. “Tour du lịch trên sông Hồng”, trông có vẻ lịch sự lắm. Khách từ tốn lên tàu, có ghế ngồi nhìn ra hai bờ sông.

Sông Hồng

Sau trận mưa, con nước dữ dằn như muốn xô đổ cầu Chương Dương, Long Biên. Bây giờ dòng sông trở lại hiền hòa, vỗ sóng nhẹ nhàng vào hai phía mạn tàu. Những hàng cây xanh mướt đôi bờ. Ngày trước, bói cũng không thấy ngôi nhà hai ba tầng nào. Chỉ một màu xanh của bờ tre nối tiếp bờ tre, của bãi ngô và vườn cây ăn quả. Bây giờ lô nhô những mái nhọn đỏ chót, thấp cao trông giống như một rừng nấm. Những lối mòn rợp mát thấp thoáng dưới những bờ tre nay dường như cũng ít thấy. Chỉ có gió thì vẫn như hồi nào, vô tư lướt nhẹ trên mặt nước. Chừng nửa tiếng sau đã thấy thấp thoáng hiện ra trước mắt cây cầu Vĩnh Tuy. Nghe đâu đây là cây cầu dài nhất Đông Dương. Nhưng khi cầu Nghi Tàm được khánh thành, e Vĩnh Tuy phải nhường lại vương miện này thôi. Bãi bồi mùa này ít ngô hơn. Nhiều khoảng cát bồi nâu sẩm. Tôi cố nhìn xem có chú bò nào, như hồi nào tôi thấy gặm cỏ trên bãi. Không thấy, hay nó lẫn đâu đó phía sau những lùm cây um tùm kia.

Chừng hơn một giờ sau tàu dừng bến đỗ. Chúng tôi lên điểm du lịch đầu tiên trong hành trình tour sông Hồng. Đó là đền Dầm. Không hiểu người đi du lịch chú mục ngắm cảnh hay cốt lên đền thắp hương. Mấy bà vội vàng mua hương, vào đền. Buồn cười nhất là mấy cậu Tây trẻ. Cũng châm lửa, cũng khấn lạy. Chỉ có điều môi mấy cậu không thấy mấp máy. Rõ là không biết cầu trời khấn phật như người ta. Trông mấy bà, mấy chị miệng rầm rầm trông thật thành tâm. Có người khấn đến cả mươi phút chưa dừng. Chắc là họ cầu nhiều chuyện lắm.

Đến mấy dinh thắng này mà cậu hướng dẫn du lịch quá kiệm lời. Họ chỉ nói gọn lỏn: “đền Dầm đấy, quý khách có một giờ để thắp hương, vãn cảnh”. Tôi đành phải giới thiệu di tích đền thiêng ít người biết đến này cho thằng con đang đứng ngó nghiêng ý như chờ đợi: Đây là đền Dầm, thiêng lắm đấy. Nơi đây thờ “Thủy cung Thánh Mẫu”. Theo truyền thuyết, đây là một trong ba vị Thánh Mẫu người Việt thờ phượng. Theo truyền thuyết, Bà từ trên Thiên đình đầu thai xuống Thủy cung làm con gái vua Thủy tề để giúp Hưng Đạo Đại vương đánh tan đội quân thủy chiến tinh nhuệ của quân Nguyên - Mông, giữ yên bờ cõi. Dân làng tôn vinh là Thánh Mẫu và lập đền thờ sau khi bà mất. Đền thờ Chữ Đồng Tử được gọi một cách trữ tình là “Ngôi đền Tình Yêu”. Dẫu tôi cố ý nhấn mạnh tới câu chuyện ly kỳ của Tiên Dung với Chữ Đồng Tử, một chuyện tình đẹp bậc nhất trong huyền thoại Việt Nam. Nhưng cậu con có vẻ mê chụp ảnh hơn nghe chuyện. Nhưng khi tàu dừng để lên Bát Tràng thì cu con xăm xăm vượt lên trước mọi người. Từ dưới bến, từng tốp người đi mà như chạy. Người Việt, người nước ngoài… Thế mới hay cái tên Bát Tràng có sức thu hút biết nhường nào. Nhiều người có kinh nghiệm khuyên, nên đi sâu trong mấy cửa hàng. Trong đó giá cả có thể nhỉnh hơn một chút nhưng là hàng chất lượng, đã được những ông chủ tinh tường tuyển lựa. Người mua nào mấy ai sành điệu. Họ sà ngay vào mấy chồng bình lọ bày bán la liệt theo dọc lối đi, trước các lò gốm với ngổn ngang từng đống phế thải. Mấy cậu Tây trẻ ngắm nghía là chính. Nhấc lên, đặt xuống gõ gõ cho vui tai rồi trả lại, “Thank you”. Nhưng hai ông Tây râu xồm xoàm thì có vẻ kỹ càng lắm. Hai người đưa một vài mẫu ra ngắm nghía, chụp ảnh. Không chỉ một vài kiểu như để kỷ niệm mà họ chụp kỹ càng từng họa tiết, chụp từ trên xuống, chụp đơn chiếc, chụp cả bộ. Tôi đồ chừng đây là mấy nhà nghiên cứu gốm sứ, nếu không là mấy vị môi giới kinh doanh. Vừa chụp họ vừa đưa sổ ra ghi ghi chép chép.

Con tôi si mê chẳng kém gì hai ông Tây, nhưng khác ở chỗ cái nào cậu cũng đòi mua, toàn những thứ bé tí như mấy con giống. Duy cái lọ cắm hoa thì có vẻ độc đáo. Đó là cái lọ kỳ dị màu ngọc bích, đặt trên lưng một con vịt trông như vòi phun nước. Nếu để cắm hoa thì chỉ được một đến hai cành hồng, cành cúc mà thôi. Toàn mấy thứ đất nung mà cậu nhỏ cũng tiêu ngọt của tôi cả trăm ngàn. Thôi thì, mất chừng ấy tiền để mua cái bộ mặt hơn hớn hồng lên như quả táo thế kia cũng đáng tiền. Riêng mấy ông Tây già, mỗi người một ba lô lọ với bình, trông buồn cười lắm. Mặt hai ông Tây cũng hỉ hả chẳng kém gì mặt thằng con tôi.

Đã gần ba giờ chiều. Khách lục tục xuống bến. Cây cối hai bên bờ ngả dần sang màu vàng pha lẫn màu tím sẫm. Gió bây giờ như không phải từ những hàng cây sà xuống mà từ dưới mạn tàu hắt lên. Tôi chợt nghĩ, hai bên sông Hồng nếu lọt vào đôi mắt nhà kiến trúc sư, quy hoạch đô thị nào đó giàu tâm huyết, sẽ là một kỳ quan. Hà Nội kém gì Budapest, kém gì Praha với dòng sông Danuyp, dòng sông Vltava.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.