.
Nước Việt mến yêu

Mẫu Sơn – xưa và nay

.

Ngày xưa, núi non cũng có vợ có chồng. Gia đình núi Công Sơn và Mẫu Sơn đang sống yên lành, hạnh phúc thì gã núi Ác ở đâu mò đến, định chiếm đoạt người đẹp. Công Sơn đi vắng, nàng Mẫu Sơn cõng con chạy tìm chồng và kêu gọi xóm giềng giúp đỡ. Chồng kịp về và bao nhiêu ngọn núi bạn bè vươn lên, nhập vào nhau đánh thắng núi Ác.

Núi Mẫu ngã đầu âu yếm vào ngọn Công Sơn... Tới tận bây giờ, hai ngọn núi vẫn tựa vào nhau, vươn lên cao vút, trên lưng núi mẹ là núi con và chung quanh là núi bạn bè, bà con trùng điệp, tượng trưng cho tình vợ chồng chung thủy và nghĩa xóm giềng gắn bó lúc hoạn nạn, gian nan...

Ngày nay, khách đến Mẫu Sơn có thể nghe kể về nguồn gốc nên thơ của khu du lịch này, sau khi đi gần 30km từ thị xã Lạng Sơn theo quốc lộ 4B về phía huyện Lộc Bình. Mẫu Sơn được biết đến khá sớm với tư cách là một địa điểm nghỉ ngơi lý tưởng ngay từ đầu thế kỷ thứ XX, sau khi Pháp đánh chiếm Lạng Sơn. Năm 1936, bác sĩ O. Pilot, học trò của Yersin (người đã phát hiện ra Đà Lạt), xin mua một khu đất ở Mẫu Sơn. Từ đó, trong vòng sáu - bảy năm, hàng chục biệt thự và một ngôi nhà thờ lần lượt được xây dựng, tất cả đều bằng đá. Nhưng rồi thời gian và sự tàn phá của con người đã đẩy khu nghỉ mát Mẫu Sơn vào quên lãng...

Năm 1999, con đường dài gần 15km dẫn lên đỉnh Mẫu Sơn được đầu tư nâng cấp, hệ thống điện nước được xây dựng. Rồi nhà nghỉ mát, nhà hàng, khu an dưỡng... dần dần đi vào hoạt động.

Bây giờ đến Mẫu Sơn, du khách không chỉ đến với một khu du lịch nghỉ mát có phong cảnh thiên nhiên đẹp và khí hậu trong lành, mà còn đến với một nền văn hóa - nghệ thuật lâu đời, mang bản sắc riêng khá đa dạng của đồng bào các dân tộc địa phương. Mùa thu hoặc mùa xuân, khách sẽ có dịp tham dự những đám cưới đầy màu sắc của người Dao, những lễ hội độc đáo của người Tày, người Nùng. Trong tiếng chiêng, tiếng trống âm vang núi đồi, những trò chơi tung còn, đấu quyền, múa sư tử, kéo co, bắn cung... diễn ra hào hứng, bên cạnh là bóng dáng yêu kiều của những sơn nữ trong các bộ trang phục truyền thống rực rỡ. Khách cũng có thể được chủ nhà mời ở lại đêm bên ché rượu, nghe những điệu sli, hát lượn, hát then ngây ngất trong ánh lửa bập bùng. Rượu Mẫu Sơn chế từ nếp nương cùng men lá cây của nhiều loại dược thảo, chưng cất với nguồn nước tinh khiết, say nồng mà dịu dàng như câu hát: Tay cầm bầu rượu nắm nem / Mãi vui quên hết lời em dặn dò. Rượu Mẫu Sơn được đóng chai vào bình có hình quả bầu, là một trong những đặc sản của Xứ Lạng.

Vùng đất này có nhiều loài cây quý hiếm như thông, sau sau, hồi; các loài thú như cầy hương, họa mi, gõ kiến hay các dược thảo như ba kích, sa nhân, ngũ gia bì, kim ngân hoa; các loại cây ăn quả như trám đen, trám trắng, mác coọt và đặc biệt là đào bạch, đào bích. Bích đào nơi đây quả to, chín hồng, nhiều người gọi đào Mẫu Sơn là đào tiên, đào trường thọ. Mùa hè, lên Mẫu Sơn ăn một quả đào tiên có thể nhớ mãi.

Đã đến với những địa danh nổi tiếng của Lạng Sơn như chợ Kỳ Lừa, núi Tô Thị, động Tam Thanh..., giờ đây, khách còn có thể ghi thêm vào nhật ký du hành của mình: Mẫu Sơn, cao 1.456 mét, gần ngọn Công Sơn cao 1.541 mét và 80 ngọn lớn nhỏ, trải dài trên hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình.

LÊ MẠNH HIỀN

;
.
.
.
.
.