Trong phong trào chống thuế ở Quảng Nam 102 năm trước, tại làng Phong Lệ Bắc, huyện Hòa Vang, gia đình họ Ông có đến 2 người bị giặc kết án là Ông Ích Đường và Ông Ích Mắng (hay Mén). Hai ông là con trai của ông Ông Ích Tán, cháu nội của danh tướng Ông Ích Khiêm.
Ảnh chân dung Ông Ích Đường.(Do tác giả bài viết chỉnh sửa để tặng hậu duệ Ông Ích Đường trong dịp quận Cẩm Lệ trao bằng di tích lịch sử ngôi mộ sắp tới). |
Khi ông tuẫn nạn, ngay tại chợ Túy Loan nhiều người dân tự mua vải trắng để tang ông. Có người như bà Trần Thị Diệp ở Bồ Bản bán hàng vải ở chợ Túy Loan tự động xé cả gánh vải trắng phát không cho những người tưởng niệm. Tên đao phủ chém ông trên đường về bị nhân dân đón đánh hộc máu, về nhà ốm liền 3 tháng rồi chết. Sau đó dân chúng quanh chợ quyên tiền lập miếu thờ “Cậu Đường” với hai câu đối điếu đề trước cửa miếu: “Tinh thần thiên bất tử; Nghĩa khí thế trường sanh” (Tinh thần còn mãi mãi; Nghĩa khí sống đời đời). Miếu thờ ông vẫn được nhân dân hương khói suốt 102 năm qua, nhưng tiếc rằng ngay cả tộc họ ông cũng không có được một di ảnh của ông để thờ.
Cách đây vài năm, tôi đọc sách Lịch sử Việt Nam (1897-1918) của các tác giả ở Viện Sử học thấy trong số ảnh phụ lục có 4 tấm về cảnh đao phủ hành hình người yêu nước, có chú thích của các tác giả sách này là “Những cuộc hành quyết các nhà cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ. Ảnh đăng trên Tuần báo Paris Match, 7-1931”. Nay đọc tạp chí Xưa và Nay, bất ngờ thấy tác giả Dư Thanh Khiêm giới thiệu đúng bốn bức ảnh trên và cho biết nó được chụp bởi Auguste Thirat, một cộng sự viên đắc lực của báo Illustration và tại buổi hành hình có sự giám sát của viên quan Pháp phụ trách cảnh sát phía Bắc là M. Salvant.
Ông Ích Đường bị cởi áo và trói tay vào cọc tre (Ảnh trái). Ông Ích Đường được cởi gông cạnh cọc tre. |
Ông Ích Đường trên đường bị dẫn ra chợ Túy Loan. |
Điều đặc biệt là 4 bức ảnh này có hẳn chú thích bằng tiếng Pháp bên dưới, được dịch như sau: 1, Ông Ích Đường được cởi gông cạnh cọc tre; 2, Ông Ích Đường bị dẫn ra chợ Túy Loan; 3, Ông Ích Đường bị cởi áo và trói tay vào cọc tre; 4, Khi Ông Ích Đường thọ hình, lính bản xứ quay lưng không dám nhìn. Dù nhìn những tấm ảnh này chúng ta hết sức đau lòng, nhưng qua đó lại thấy được sự hiên ngang lẫm liệt của người anh hùng trẻ tuổi Ông Ích Đường khi tuẫn nạn, đúng như những gì dân gian vẫn lưu truyền về ông suốt hơn 100 năm qua.
Ngô Văn Minh