.
Thời sự và bàn luận

Bài học về lòng dân

Nếu chọn một sự kiện tiêu biểu nhất của thế kỷ XX ở Việt Nam, có lẽ sẽ có rất nhiều ý kiến, nhưng ý kiến được đồng tình nhiều nhất chắc không ngoài việc chọn ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn liền với thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Mỗi năm một lần Quốc khánh. Mỗi ngày Quốc khánh đều mang ý nghĩa trọng đại, đều mở ra thêm những hiểu biết mới về tầm vóc vĩ đại của cách mạng. Quốc khánh năm nay, trong rất nhiều những hình ảnh gợi nhớ đến những ngày Tháng 8 lịch sử, tôi chú ý đến một đoạn phim tư liệu, đó là đoạn phim ghi lại hình ảnh chiếc xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh lăn bánh trên Quảng trường Ba Đình để tiến đến lễ đài, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập giữa rừng cờ, hoa của đồng bào nồng nhiệt chào đón. Hình ảnh trên đoạn phim tư liệu là rất quý, nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng không khác nhiều lắm hình ảnh ngày Quốc khánh ở những quốc gia khác. Đáng chú ý là ở đây, hộ tống chiếc xe là một đội xe đạp. Các chiến sĩ trong đội danh dự mặc quần soóc ka-ki vàng, đạp xe đạp tháp tùng vị Chủ tịch nước tiến vào Quảng trường trong buổi sáng rực rỡ ánh nắng thu Hà Nội.

Đoạn phim là một bằng chứng vô giá về hoàn cảnh chính quyền của ta, quân đội ta và nói rộng ra là của đất nước ta lúc ấy. Trong hồi ký của nhiều người, khi giành được chính quyền, ngân quỹ của ta chỉ có một ít tiền Đông Dương rách thực dân Pháp và phát-xít Nhật bỏ lại. Về dân ta, bị phát-xít Nhật vơ vét thóc gạo, bị nhổ lúa trồng đay phục vụ chiến tranh, bị vỡ đê lụt lội… 2 triệu người chết đói. Về lực lượng lãnh đạo cách mạng, cả nước chỉ có không đầy 5.000 đảng viên. Trang bị của quân đội lúc ấy là súng trường, súng kíp, lựu đạn, dao găm, mã tấu và gậy tầm vông chống lại xe tăng, đại bác, máy bay của kẻ thù.

Nhưng trong thế chênh lệch rõ ràng ấy, cách mạng đã chiến thắng. Thắng được là bởi mục tiêu của cách mạng phù hợp với lòng dân. Vì cách mạng, không gì khác là vì dân nên được dân ủng hộ. Khi đã được dân ủng hộ thì sức mạnh của cách mạng không còn là vài nghìn người súng trường, súng kíp; không còn là đội danh dự tháp tùng Chủ tịch nước phải đi xe đạp; không còn là một ngân khố trống rỗng; một cơ ngơi hoang tàn nữa mà là sức mạnh của hàng chục triệu con người sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Đó là một sức mạnh vô địch, cuốn phăng mọi trở lực, ào ạt tiến lên tới ngày chiến thắng hoàn toàn, đánh dấu bằng sự kiện 30-4-1975 lịch sử.

Quốc khánh năm nay, một ngày lễ lớn 65 năm sau Cách mạng Tháng Tám, 35 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, 25 năm sau đổi mới… có không khí đồng thuận đó của những ngày đầu đất nước tự do, độc lập. Đất nước đi lên, đời sống được cải thiện, ánh sáng dân chủ, văn minh ngày càng lan tỏa. Những lời eo xèo, than vãn; những câu đối, ca dao, truyện cười phê phán, chế diễu gần như mất hẳn từ lúc nào. Lòng dân ngày một thuận. Mọi người đều hào hứng muốn có ý kiến, muốn đóng góp vào việc chung. Đó là nguồn cội của mọi sức mạnh, mọi sáng kiến, mọi thành tựu cho dù chúng ta còn nghèo, còn thiếu, còn yếu nhiều bề.

Cuộc đụng đầu ngày nay không phải là với thực dân, phát-xít nữa mà là chống đói nghèo, chống tham nhũng, tha hóa. Cuộc chiến đấu đó không có tiếng súng đạn nhưng không kém phần gian khổ, thậm chí có thể nói rằng còn gian khổ, phức tạp hơn rất nhiều cuộc đụng đầu với súng đạn. Nhưng cũng như Cách mạng Tháng Tám cách đây hơn nửa thế kỷ, điều quyết định thắng lợi là ở lòng dân, ở sức dân. Đó là điều mà mọi Quốc khánh, cùng với pháo hoa là lời nhắn nhủ.

PHẠM VŨ

;
.
.
.
.
.