.

Từ một góc nhìn tiên cảm (*)

Bài thơ Viết từ Đà Nẵng được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1994 trong một buổi chiều từ Huế vào Đà Nẵng. Đứng trước Vịnh Đà Nẵng, ông nhìn ra cửa biển đôi mắt mở lớn với những lân tinh biển lập lòe hơi đèn thủy ngân để rồi có những cảm nhận sâu hơn về niềm hy vọng của một thành phố trước biển Đông. Khác với bút pháp trước đó của Mặt đường khát vọng thiên về trữ tình, bài thơ Viết từ Đà Nẵng mang tính chính luận, suy ngẫm được thể hiện đan xen bằng những cảm xúc nhẹ nhàng.

Viết từ Đà Nẵng
Nguyễn Khoa Điềm

Cần phải cười đi, đùa đi, nếu không muốn rưng rưng nước mắt
Ngoài kia Sơn Trà đã phủ sương
Biết bao tin cậy giữa lòng mình
Khi mình giữa lòng Đà Nẵng
Ở đây anh không thể trôi ra biển
Cũng không chịu dạt lên ngàn.

Cùng một lúc anh có thể sinh tụ với muối
Khoác cẩm thạch lên mình và vẫy bàn tay hải âu
Trước cửa biển đôi mắt mở lớn.

Đà Nẵng
Đà Nẵng của những con tàu nặng hàng ra đi
Lân tinh biển lập lòe hơi đèn thủy ngân
Tiếng động nghề nghiệp trong mỗi căn nhà
Sức lực em tràn ra như một trái dưa hấu
Những bông lúa lại rực sáng trên cánh đồng kỷ lục
Tiếng sóng đằm nền, tiếng xe ben đổ đất
Điện lực, điện lực
Nồng cháy hơi thở biển
Đà Nẵng tự đẻ ra mình từ khơi xa
Dẫu sau những bức tường kia còn nhộn nhạo những mưu mô kẻ cắp
Tôi tin những giấc mơ lành trong đêm có thể lấy lại được
Theo cách Đà Nẵng
Trước thềm biển

Ấy thế, mà em
Ơi cây rong xanh của biển chiều nay
Tôi làm sao bắt gặp em bên kia ngưỡng cửa đời mình
Khi ngoài kia, Sơn Trà phủ sương…

 

Vào thời điểm ấy, Đà Nẵng mới có những chuyển động trong buổi đầu dựng xây và phát triển, nhưng Nguyễn Khoa Điềm, bằng một sức tiên cảm của một nhà thơ lớn đã tin vào một vận hội mới cho vùng đất này. Nói tiên cảm nghĩa là ông thấy trước rằng ở Đà Nẵng với tiềm lực là một thành phố biển, Đà Nẵng phải tự đẻ ra mình từ khơi xa. Phải dám bước qua giới hạn của mình.

Đó là những giới hạn của những trì trệ, an phận trong suy nghĩ. Nếu biết vượt qua những giới hạn của chính mình, quyết tâm đi tới, mạnh mẽ quyết liệt, dám tin vào chính mình thì chắc chắn những giấc mơ lành trong đêm có thể lấy lại được. Đó là một niềm xác tính về một Đà Nẵng trong tương lai.

Về thủ pháp nghệ thuật, bài thơ Viết từ Đà Nẵng với những hình ảnh được cách tân bằng ngôn ngữ hình tượng, có tính ẩn dụ, chữ từ chắt lọc, dồn nén, kiệm lời, không khoa ngôn, khoa ngữ, trí tuệ mà vẫn trữ tình. Ba khổ thơ đầu, giọng điệu như thúc giục, trẻ trung nhưng âm điệu vẫn nhẹ nhàng với những hình ảnh khá ấn tượng: Cùng một lúc anh có thể sinh tụ với muối / Khoác cẩm thạch lên mình và vẫy bàn tay hải âu / Trước cửa biển đôi mắt mở lớn… Ở khổ thơ cuối bỗng chuyển qua trữ tình nhẹ nhàng ấm áp như lời tâm tình, vỗ về an ủi với đôi chút động viên Ơi cây rong xanh của biển chiều nay? Tôi làm sao bắt gặp em bên kia ngưỡng của đời mình / Khi ngoài kia, Sơn Trà phủ sương. Nhân vật trữ tình trong khổ thơ này hoàn toàn ẩn dụ, có thể là một nhân vật nữ yêu dấu nhập nhòa nhân ảnh.

Có thể là Đà Nẵng trước mặt hiện lên ngoài kia như một niềm hy vọng, một đối tượng của cảm xúc hoặc cây rong xanh ấy là cái tôi trữ tình của nhà thơ muốn trải lòng mình giao hòa cùng Đà Nẵng. Nhưng dù ở góc độ nào vẫn là một niềm tin vào thành phố đứng trước biển, như một tín niệm nhằm khẳng định Đà Nẵng sẽ đi lên, sẽ dựng xây một đô thị đầy sức sống, văn minh và hiện đại trên chính đôi tay sức lực và trí tuệ của chính mình.

16 năm sau, từ khi bài thơ ra đời, trước biển và theo cách của Đà Nẵng, bằng sự năng động, quyết đoán, sáng tạo, đô thị này đã có nhiều bước phát triển trên nhiều lĩnh vực rất ấn tượng làm nức lòng nhân dân cả nước – đúng như dự cảm của nhà thơ.

HỒ SĨ BÌNH

(*) Nhân đọc lại bài thơ Viết từ Đà Nẵng của Nguyễn Khoa Điềm.

;
.
.
.
.
.