.

“Bác sĩ” chữa máy ảnh

.

“Bác sĩ” chữa máy ảnh ở Đà Nẵng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ lại rất nổi tiếng trong giới cầm máy ảnh. Những người sửa máy ảnh có tiếng tăm ở Đà Nẵng trước đây như ông Phu, ông Thành Mỹ, ông Hoàng Mỹ, ông Ngọc Oanh... học nghề bằng cách... tự vọc là chính!

Phá càng nhiều, chữa càng giỏi

Đà Nẵng có cái chợ trời, bán đủ thứ, nói theo kiểu dân gian, từ cây kim tới chiếc phi thuyền. Những anh chơi máy ảnh (ngày trước toàn là máy cơ chụp phim) lỡ máy bị trục trặc, chụp không được mà bỏ thì tiếc của trời, táy máy lấy tuốc-nơ-vít tháo tung ra, xem thử. Hoa mắt vì đủ thứ ốc vít, lò xo, bánh nhông lớn nhỏ, không biết máy “bệnh” chỗ nào, lắp lại thì thấy thừa... mấy con vít. Đến nước này thì chỉ còn cách thảy ra chợ trời.

Mô tả ảnh.

Thật thà và quyết tâm làm cho bằng được là hai điều “y đức” ông Nam (trái) luôn khuyên nhắc học trò.

Nhưng cũng có anh không chịu bó tay, nghiền ngẫm đêm ngày, coi thử máy ảnh nó vận hành ra sao để “bắt mạch” cho trúng bệnh. Biết được “bệnh” rồi, ví như gãy cái răng trong bánh nhông chẳng hạn, lội ra chợ trời tìm mua mấy cái máy ảnh phế liệu, mang về thay thế, nếu không cùng cỡ thì phải “độ” lại. Chính chợ trời là cái kho cung cấp những “xác” máy đủ hiệu, đủ kiểu, giúp cho những anh am hiểu nghề chụp ảnh có chút kiến thức về máy móc đâm nghiện lò xo ốc vít và chuyển dần sang lĩnh vực làm “bác sĩ” cho máy ảnh.

Những người sửa máy ảnh có tiếng tăm ở Đà Nẵng trước đây như ông Phu, ông Thành Mỹ, ông Hoàng Mỹ, ông Ngọc Oanh... học nghề bằng cách... tự vọc là chính!

Ông Phu ở gần nhà thờ Nội Hà trên đường Đinh Tiên Hoàng, có một học trò ruột là ông Hồ Đắc Nam. Nói là học, chứ thực ra là xem thầy thao tác thế nào, ghi nhớ và làm y theo thế ấy. Có điều, máy cơ cũng đơn giản thôi, chủ yếu là tốc độ, khẩu độ, ổ trập, bánh nhông lên phim. Cũng như những người học nghề khác, ông Nam siêng năng lội ra chợ trời tìm mua máy phế liệu về trau dồi thực hành. Hơn 30 năm hành nghề, ông Nam mở tiệm Nam Hoa sửa máy ảnh trên đường Nguyễn Thái Học, nay chuyển về số 45 Yên Bái.

Ở Nội Hà còn có anh em ông Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Đức Tuấn đến với nghề sửa máy ảnh cũng bằng con đường tự học. Ông Tuấn sau trở thành một trong những người chuyên “chữa bệnh” máy ảnh kỹ thuật số có tiếng ở Đà Nẵng.

Ông Thành Mỹ có người con trai là Nguyễn Thành Phúc. Anh Phúc nối nghiệp, mở tiệm trên đường Trần Phú, là một trong những người sửa máy ảnh cơ có tiếng không chỉ ở Đà Nẵng mà lan xa tới các tỉnh bạn. Có điều, khách của anh ngày một vơi dần, bởi thiên hạ đua nhau sắm máy kỹ thuật số.

Từ máy cơ đến máy kỹ thuật số có một bước đệm là máy bán tự động, tuy cũng chụp phim, nhưng có bộ phận lấy sáng hoàn toàn tự động. Đèn flash cũng chuyển từ đèn “trơn” lên đèn có “mắt thần”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đăng Khoa, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn, kể rằng có anh nọ đem cái đèn mới cứng đi chữa. Đèn hiện đại quá, “bác sĩ” không biết bắt đầu từ đâu, cứ thử tới thử lui vô tội vạ, cuối cùng, “đốt” luôn cái đèn gần 1 cây vàng! Đó là cái giá để những người thợ sửa máy ảnh ở Đà Nẵng có được tay nghề vững vàng như hiện nay. Và, không ngoa, khi ai đó nói đùa: Phá càng nhiều, chữa càng giỏi.

Cũng cần phải có “y đức”

Mô tả ảnh.

Gọn, nhẹ, nhưng chi chít linh kiện, máy ảnh kỹ thuật số là một thách thức đối với những “bác sĩ” máy ảnh thời @.

Hôm đó, nhận cái máy ảnh Canon du lịch của khách, sau vài thao tác kiểm tra, “bác sĩ” Tèo nói như thần: Đứt dây cáp hệ thống mở ống kính; thay, tốn 220 nghìn đồng. Khách hớn hở: Trời, thế mà bên bảo hành họ đòi tới 960 nghìn đồng. Vì họ thấy ống kính không mở được, Tèo bảo, nên cho là hư con cảm biến hình ảnh sensor CCD (viết tắt của Charge Coupled Device trong tiếng Anh và có nghĩa là “thiết bị tích điện kép”, là một trong 2 loại sensor phổ biến trong máy ảnh kỹ thuật số - NV). Một lát sau, một người khách khác mang đến một máy ảnh khác cùng “bệnh”, Tèo cũng xử lý như thế.

Khách thì chả biết mô tê gì đến kỹ thuật. Trong trường hợp nêu trên, nếu “bác sĩ” đã biết mười mươi “bệnh” của máy rồi, chỉ thay dây cáp nhưng lại tính tiền con sensor CCD thì cũng chả cơ quan nào phát hiện. Vấn đề ở đây là “y đức” của “bác sĩ” chữa bệnh cho máy ảnh.

Tèo tên thật là Đoàn Văn Hoàng Long, nhưng giới cầm máy ảnh Đà Nẵng và vùng phụ cận lại biết anh qua tên gọi quen thuộc là Tèo sửa máy ảnh. Anh từng học kỹ thuật phòng tối, chụp ảnh, quay phim, nhưng lại thành công bằng nghề sửa máy ảnh. Anh là học trò ruột của ông Nam (Nam Hoa), ra riêng và mở “phòng mạch” ở Hiệu ảnh Anh Đức trên đường Phan Châu Trinh từ năm 2001 đến nay. Anh tâm đắc ở thầy hai điều: Thật thà và quyết tâm làm cho bằng được. Thật thà là cái đức đầu tiên của người thợ sửa máy ảnh. Máy hư mức nào, tính tiền mức đó. Không phải làm quẹt quẹt rồi tính giá cao. Nhờ giữ hai điều “y đức” cơ bản này mà anh được khách từ Gia Lai đến Quảng Bình gửi máy đến chữa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đăng Khoa kể, hơn 20 năm trước có anh bạn mua con Nikon FM2 có màn trập bằng lá thép, cho phép chụp đèn đến tốc độ 1/125 (máy bình thường chỉ “ăn” đèn cỡ 1/30). Chụp xong một cuộn phim, thay cuộn khác thì không chụp được. Máy trị giá 2 cây vàng, không dám đưa cho thợ thò tuốc-nơ-vít vào, mà để đó thì quá... ấm ức. Một bữa, anh tình cờ nói chuyện với một anh sửa máy ảnh, anh này xem lại cuộn phim đã chụp thì thấy mất một khe răng, nghĩ rằng nó đã rơi vào làm kẹt lá thép khiến cho màn trập không đóng mở được. Anh thợ cầm nghiêng máy ảnh, gõ nhè nhẹ lên thân máy mấy cái là máy hoạt động bình thường lại ngay. Anh chủ máy đãi một chầu bia, thêm 1 chỉ vàng để thưởng công anh thợ đã thông minh lại rất thật thà.

“Bác sĩ” máy ảnh ở Đà Nẵng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài những nhân vật nói trên, có thể kể đến ông Nguyên Hưng ở gần Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh, anh Nhỏ ở Hiệu ảnh Trường Sơn trên đường Phan Châu Trinh. Tiền công “chữa bệnh” cho máy ảnh ở Đà Nẵng chỉ bằng 1/3 Sài Gòn, nhưng mà vui, chơi toàn với dân nghệ sĩ. Thỉnh thoảng ai chụp được tấm ảnh nào đẹp, có giải thưởng là không quên mời “bác sĩ” vui vẻ vài ve. Thợ sửa máy ảnh trẻ giờ năng động, sáng tạo, con hơn cha nhà có phúc, trò hơn thầy nước được vinh. Người lâu năm trong nghề sửa máy ảnh thì nghiệm ra một điều rằng, gì thì gì, đã là “bác sĩ” thì phải giữ “y đức”, có thế mới sống được bằng nghề và được giới cầm máy tin yêu, quý trọng.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.