Tuyển tập Dương Thuấn (NXB Hội Nhà văn) hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là lần đầu tiên người Tày có bộ sách đồ sộ nhất bằng tiếng dân tộc của mình. Tập I Bản Hon và những nơi khác. Tập II Thơ tình, Tập III Thơ viết cho thiếu nhi. Bản Hon thuộc xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Hình ảnh Bản Hon đậm nét nhất ở trong Tập I. ĐNCT xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi đọc tập “Bản Hon và những nơi khác”.
Dương Thuấn là người Tày, họ Dương bản Hon, Bắc Kạn. Mảnh đất của câu ca dao đầy ám ảnh:
Bắc Kạn có suối đãi vàng,
Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh
Ba giá trị lớn, đó là quê hương của Dương Thuấn. Tôi gặp Dương Thuấn năm anh mười tám tuổi, mắt sáng môi hồng. Thế mà nay anh cũng vừa qua tuổi năm mươi, ngũ thập tri thiên mệnh. Người năm mươi tuổi biết mệnh trời, nhưng trước hết là biết mệnh mình, mệnh người, biết cuộc đời những con người gần gũi nơi bản Hon quê hương, cho đến vận mệnh dân tộc, loài người. Đó là con đường dài khám phá để đi đến hạnh phúc. Tập “Bản Hon và những nơi khác” của Dương Thuấn là một cuộc hành hương lớn của một nhà thơ dân tộc ít người đầy tự tin và hoài bão.
Anh dành gần 600 trang để nói về “Bản Hon của tôi”; 300 trang “…Những nơi khác…”; 200 trang còn lại dành cho hai trường ca “Mười bảy khúc đảo ca” và “Bi phẫn”.
Trong phần thơ “…Những nơi khác…” nhiều bài hay; trường ca “Mười bảy khúc đảo ca” viết về Trường Sa rất có giá trị, nhưng tôi muốn nói nhiều về phần thơ anh viết về quê hương mình: Bản Hon của tôi.
Ít có nhà thơ viết về quê hương vừa ngồn ngộn phong phú, vừa thắm thiết như anh. Anh chân thành, hồn nhiên dẫn mọi người về tận nguồn cội của một đời sống thuần phác, giàu ân tình, giàu cốt cách của dân tộc anh, để mọi người cùng yêu cái anh yêu, cùng được tắm gội trên một vùng sông nước thật trong trẻo. Tôi thích cái cách anh viết về con sông Năng quê hương:
Những tối trăng vàng em và tôi cùng tắm
Nước sông làm da thịt em trắng thơm tho
Tôi và em yêu nhau rồi đi xa quê
Bây giờ mỗi đêm nằm lại nghe tiếng sóng
Tiếng thác réo chui vào trong chăn thành giấc mơ…
(Hát với sông Năng)
Đó là con sông Năng của người trẻ, còn con sông Năng của người già thì sao? Dương Thuấn đã viết về những bà già quê anh bên dòng sông Năng như một trang cổ tích:
Ở bản Hon có những bà già
Ngày ngày ra ngồi bên bờ sông Năng
Cúi đầu xuống dòng sông than thở:
- Sông ơi, tôi già quá rồi nhưng sao chưa chết?
Dòng sông vẫn chảy đi ì ầm
Như là không nghe, không biết
Và đây là cuộc đối đáp của họ:
Rồi một bà trong số họ bỗng nói giọng ngọt ngào:
- Các chị ơi thích chết làm gì
Tôi cứ sống mặc đến khi nào chết!
Những bà già kia đồng thanh cùng đáp:
- Chúng tôi không thể sống
Chúng tôi chỉ muốn chết
Cái tay cầm đôi đũa đã rơi
Cái chân không nhấc nổi qua bậu cửa…
Cuối cùng, là lời tác giả:
Hằng ngày đi qua sông Năng
Vẫn gặp các bà già
Ôi, con người bao giờ hạnh phúc
Ai rồi già cũng đến
Ai rồi trẻ cũng qua…
(Những bà già)
Cái đáng yêu của quê hương Dương Thuấn là chỗ đó. Quê hương của động Puông, thác Đầu Đẳng, hồ Ba Bể, của mùa xuân non cao tuyệt đẹp, của những hội lễ đáng yêu, những tập tục có từ bao đời, những mưa rừng gió núi, những nỗi buồn của ngày tha hương, nhưng trên tất cả là quê hương của những khao khát về tự do hạnh phúc của bao người mà một nhà thơ dân tộc có học thức như Dương Thuấn không bao giờ nguôi quên được. Vì vậy nó làm tình yêu của anh với quê nhà cứ như mây Tần lớp lớp, cứ xô lên những tiếng lòng da diết, khó mà dứt được.
Dương Thuấn có một giọng thơ thật trẻ, trong sáng, dung dị, vừa đủ để giãi bày, anh không thích những cách cắt nghĩa to tát, những ngôn từ quá phận. Anh làm chủ mạch thơ nhẹ nhàng giàu cảm xúc kéo mình đi từ bài này qua bài khác, đưa tâm trí người đọc đạt tới sự bình tâm, tin cẩn cần thiết khi đi vào thế giới phong phú và dị biệt của anh. Anh là Tày mà cũng là Kinh, là nhà thơ của núi cao mà cũng là đời sống hiện đại; anh khác những nhà thơ người Kinh chúng tôi đã đành, nhưng anh cũng chẳng là sự lặp lại các nhà thơ dân tộc lớp trước, vốn không dễ đọc với người yêu thơ. Anh mang hồn cốt dân tộc anh để đến với đất nước Việt Nam rộng lớn, với cả nhân loại, cả trong tâm tưởng và văn phong. Anh là một trong số các nhà thơ dân tộc thành công trong lựa chọn cuộc sống và cách viết. Tôi thầm nghĩ trong khi nền thơ và một số không nhỏ các nhà thơ ta đang gặp khó khăn vì sự trùng lặp khẩu khí và cảm xúc, sự tìm kiếm của Dương Thuấn vẫn còn tươi mới, hứa hẹn cho thấy có nhiều điều phải ngẫm nghĩ về con đường sáng tạo của anh vốn gần với khát vọng tự do và phẩm giá.
Có một lần trò chuyện về Bàn Tài Đoàn, một lão thi nhân người Dao ở cùng Việt Bắc, Dương Thuấn kể tôi nghe với giọng rất hào hứng rằng anh mới đến quê cụ Bàn thăm cụ. Thơ cụ bằng tiếng Dao dán khắp những cột nhà sàn ám khói, đồng bào ai cũng thuộc thơ cụ; ở Hà Nội mấy ai biết cụ, nhưng làng bản xa xôi lại thuộc thơ Bàn Tài Đoàn. Tôi thích thú nói với Dương Thuấn, cậu làm thơ tiếng Tày nhiều nữa đi, để đồng bào đọc, ta phải có một nền thơ, một nền xuất bản bằng tiếng Tày. Lúc đó Dương Thuấn cũng rất hăng, nói sẽ viết. Nhưng tôi hơi lo anh không làm nổi, vì bây giờ là thời kinh tế thị trường, làm thơ cho người đọc quốc ngữ đã khó, làm thơ cho người đọc tiếng Tày làm sao đây? Ấy vậy mà chàng trai núi ấy đã vượt qua trái núi lớn để đem thơ về với bản Hon dưới dạng nguyên chất của anh. Thật đáng quý!
Dương Thuấn có một ám ảnh lớn về một bản trường ca của dân tộc anh có đầu đề “Khảm hải” nghĩa là Vượt biển. Từ đâu mà những người miền núi lại có chuyện vượt biển? Phải chăng đó là sự minh triết của dân tộc anh từ xa xưa đã chỉ con đường lớn đến với giàu mạnh và hạnh phúc: Đó là Khảm hải. Phải, Vượt biển! Dương Thuấn từ bậc thang ngôi nhà sàn của tổ phụ anh ở bản Hon đang mang khát vọng Vượt biển của dân tộc anh đến với thế giới rộng lớn, mới mẻ và đầy biến động hôm nay để xứng đáng hơn với thời gian và lịch sử.
Hà Nội, tháng 7- 2010
NGUYỄN KHOA ĐIỀM