.

Người thiết kế tài ba trong xây dựng tổ chức Đảng

.

Với tư cách là Đặc phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo thành công việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thị xã Tourane. Thời gian hoạt động của đồng chí ở Đà Nẵng chủ yếu là từ năm 1929 - 1930. Đó là quãng thời gian chuyển mình mạnh mẽ về việc xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam.

Chỉ đạo các hoạt động của Phân Xứ ủy Trung Kỳ

Mô tả ảnh.

Chân dung đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng đang phát triển thì Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (HVNCMTN) tỉnh Quảng Nam và Chi bộ HVNCMTN thành phố Đà Nẵng nhận được một tin quan trọng: Vào ngày 17-6-1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) được thành lập. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng gồm các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trần Vǎn Cung, Trần Tư Chính, Nguyễn Vǎn Tuân và Nguyễn Phong Sắc.

Ban Chấp hành lâm thời ĐDCSĐ đã phân công một số cán bộ lãnh đạo của Đảng vào miền Trung và miền Nam để xây dựng tổ chức đảng. Xứ ủy Trung Kỳ lâm thời ĐDCSĐ được thành lập, đóng tại Vinh (Nghệ An). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào hoạt động ở các tỉnh Nam Trung Kỳ, lập ra cơ quan Phân xứ ủy Trung Kỳ ở Đà Nẵng. Cơ quan Phân Xứ ủy tại Đà Nẵng có hai cơ sở, gồm nơi đặt trụ sở của Phân Xứ ủy tại Hải Châu, nằm cách đường Đỗ Hữu Vị - nay là đường Hoàng Diệu - chỉ vài trăm mét và một cơ quan in ấn, phát hành tài liệu tại một xóm lao động ở cồn cát phía tây bắc Nhà ga xe lửa Đà Nẵng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất sau khi thành lập của Xứ ủy ĐDCSĐ Trung Kỳ là vận động và tổ chức các Đảng bộ HVNCMTN các tỉnh, thành phố ở Trung Kỳ chuyển thành các Tỉnh bộ, Thành bộ của ĐDCSĐ.

Nếu việc chuyển từ HVNCMTN sang ĐDCSĐ ở Quảng Nam diễn ra thuận lợi, thì việc chuyển tổ chức từ HVNCMTN sang ĐDCSĐ ở Đà Nẵng đã không thể thực hiện được. Về mặt tư tưởng, nguyên nhân chủ yếu là do các đồng chí trong HVNCMTN tại Đà Nẵng phân vân do dự khi hay tin tại cuộc Hội nghị đại biểu HVNCMTN tại Hồng Kông vào đầu năm 1929 không có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham dự và chủ trì hội nghị, vì vậy, các đồng chí cho rằng việc quyết định giải tán HVNCMTN và thành lập Đảng Cộng sản cần phải “chờ ý kiến quyết định của trên”, tức là ý kiến quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Cùng với vấn đề về tư tưởng nêu trên, về mặt tổ chức, sau ngày họp Kỳ bộ HVNCMTN Trung Kỳ (10-1928) tại xóm Giếng Bộng (Đà Nẵng), tổ chức HVNCMTN Quảng Trị bị bể vỡ đã ảnh hưởng trực tiếp đến HVNCMTN Đà Nẵng. Đồng chí Đỗ Quang bị mật thám Pháp bắt, đồng chí Lê Văn Hiến đang làm tại Bưu điện Đà Nẵng bị thuyên chuyển vào Nha Trang. Đồng chí Phan Long qua đời do ốm đau... Tổ chức HVNCMTN ở Đà Nẵng gần như không có người lãnh đạo và liên lạc với cấp trên.

Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ đã tăng cường cán bộ cho cơ quan Phân Xứ ủy Trung Kỳ tại Đà Nẵng và dựa vào số cán bộ của Phân xứ ủy để chỉ đạo việc thành lập Thị ủy lâm thời ĐDCSĐ thị xã Tourane.

Tháng 6-1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vào Đà Nẵng và đến tháng 10-1929 thì trở ra Nghệ An. Người vào Đà Nẵng thay đồng chí Nguyễn Phong Sắc phụ trách Phân Xứ ủy Trung Kỳ là đồng chí Võ Mai.

Từ Nghệ An, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo tăng cường một số cán bộ từ Nghệ An vào Đà Nẵng gồm: Dương Văn Lan, Hồ Sĩ Thiều, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Thị Giảng… Dựa vào số cán bộ của Xứ ủy, đồng chí Võ Mai đã quyết định thành lập Thị ủy lâm thời ĐDCSĐ thị xã Tourane vào tháng 12-1929, do đồng chí Hồ Sĩ Thiều làm Bí thư, hai đồng chí Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Thị Giảng làm ủy viên.

Việc chỉ đạo thành lập cơ quan Phân Xứ ủy Trung Kỳ tại Đà Nẵng và quyết định tăng cường cán bộ của Xứ ủy cho Đà Nẵng để thành lập Thị ủy lâm thời Tourane là quyết định đúng đắn của Xứ ủy Trung Kỳ và của cá nhân đồng chí Nguyễn Phong Sắc (và đồng chí Võ Mai) với tư cách là người phụ trách các tỉnh Nam Trung Kỳ (từ Đà Nẵng trở vào đến Bình Định) của ĐDCSĐ.

Thành lập Đảng bộ ĐCSVN thành phố Đà Nẵng

Mô tả ảnh.

Hội thảo khoa học về Thân thế và Sự nghiệp đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại Hà Nội vào ngày 16-9-2010, do Viện Hồ Chí Minh thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.

ĐCSVN ra đời là một tất yếu của lịch sử Việt Nam. Sau khi ra đời, Đảng đã cử các đặc phái viên của Đảng đi đến các địa phương trong nước để thông báo về kết quả Hội nghị thành lập Đảng và tổ chức hợp nhất các tổ chức cộng sản ở các tỉnh, thành phố trở thành các đảng bộ địa phương của ĐCSVN. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc với vai trò là Đặc phái viên của ĐCSVN đã vào các tỉnh Trung Kỳ vận động và tổ chức hợp nhất các tổ chức ĐDCSĐ và Tân Việt trở thành các đảng bộ tỉnh, thành phố của Đảng.

Ở Quảng Nam, trước khi ĐCSVN ra đời, chỉ có một tổ chức cộng sản là ĐDCSĐ, chuyển từ HVNCMTN lên. Sau khi nghe phái viên của ĐCSVN báo tin thắng lợi của hội nghị Cửu Long, phổ biến Chính cương, Sách lược, Điều lệ tóm tắt của ĐCSVN, Tỉnh bộ lâm thời ĐDCSĐ tỉnh Quảng Nam đã nhất trí chuyển Đảng bộ ĐDCSĐ tỉnh Quảng Nam thành Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Quảng Nam.

Mặc dù trong bản Thông cáo nêu trên của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Quảng Nam đã nêu lên vấn đề: các tổ chức cộng sản ở Đà Nẵng “từ nay được coi như là chi bộ của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam”, song trên thực tế việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đà Nẵng không diễn ra như vậy. Tổ chức Đảng Cộng sản ở Đà Nẵng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ, trong đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc đóng vai trò to lớn trong việc thành lập Đảng bộ ĐCSVN thành phố Đà Nẵng. Theo chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ ĐCSVN, Thị ủy lâm thời ĐDCSĐ thị xã Tourane chuyển lên thành Thị ủy lâm thời ĐCSVN thị xã Tourane và giữ nguyên về nhân sự cấp ủy, gồm 3 đồng chí: Hồ Sĩ Thiều – Bí thư, Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Thị Giảng - ủy viên, đồng thời chỉ đạo Thị ủy lâm thời Đà Nẵng tổ chức phát triển một Chi bộ Đảng tại Đà Nẵng gồm 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Sơn Trà – làm ở Bưu Điện Đà Nẵng làm Bí thư. Sau đợt kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, đồng chí Hồ Sĩ Thiều bàn giao chức vụ Bí thư Thị ủy lâm thời và tờ báo Còi Nhà máy của Thị ủy cho đồng chí Nguyễn Sơn Trà để tập trung vào công việc của Xứ ủy. Cơ quan Phân Xứ ủy Trung Kỳ cũng là nơi đóng cơ quan của Thị ủy lâm thời Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Một đặc điểm của Đà Nẵng là trước khi ĐCSVN được thành lập, ở đây có 2 tổ chức tiền thân của ĐCSVN cùng hoạt động là ĐDCSĐ và Tân Việt, trong đó so với ĐDCSĐ thì hoạt động của Tân Việt ảnh hưởng không sâu rộng bằng ĐDCSĐ, tuy rằng tổ chức Tân Việt Quảng Nam - hoạt động chủ yếu là tại Đà Nẵng - được thành lập vào tháng 12-1926, nghĩa là trước thành lập HVNCMTN Quảng Nam, lúc đầu là một tổ, sang năm 1927, phát triển thành một Chi bộ, do đồng chí Bùi Châu, quê ở Hà Tĩnh vào làm việc ở Bưu điện Đà Nẵng, làm Bí thư.

Mùa hè năm 1928, Đại hội Kỳ bộ Tân Việt họp ở Huế, Bùi Châu trúng cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Trung Kỳ và được phân công trực tiếp phụ trách Quảng Nam và Đà Nẵng. Sau đại hội, tổ chức Tân Việt ở Quảng Nam được củng cố thành Tỉnh bộ và cử ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ gồm: Bùi Châu - Bí thư, Đặng Văn Tế, Nguyễn Kim, Nguyễn Khiết, Lê Khắc Nhơn - ủy viên. Đến năm 1929, Đảng bộ Tân Việt Quảng Nam có 14 đảng viên và một số nhóm đọc sách báo, cứu tế, học nghề... Tân Việt mở hiệu sách Trung Tân ở đường Mác-puốt, Đà Nẵng (nay là đường Phan Châu Trinh). Hiệu sách Trung Tân làm đại lý cho Quang Hải Tùng Thư, phát hành các sách báo tiến bộ, trong đó gồm cả sách có tư tưởng cộng sản (được mua từ Trung Quốc và Pháp).

Từ cuối năm 1929, trong nội bộ Tân Việt đã xuất hiện những chi bộ cộng sản và vào ngày 1-1-1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn được thành lập trên cơ sở những chi bộ cộng sản đó. Trong thời gian này, Tổng bộ Tân Việt ở Huế bị tan vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên Tân Việt bị thực dân Pháp bắt. Do ngại bị bể vỡ dây chuyền, các đảng viên Tân Việt ở Quảng Nam và Đà Nẵng phải chuyển vùng hoạt động. Một số nằm im chờ liên lạc của cấp trên như Bùi Châu, Nguyễn Soạn, Lê Cao Phong…

Nắm được tình hình của Tân Việt tại Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc với tư cách là Đặc phái viên của ĐCSVN đã tìm gặp đồng chí Bùi Châu, thông báo kết quả Hội nghị thành lập ĐCSVN tại Cửu Long, Quảng Châu (Trung Quốc) và vận động các đồng chí Đảng bộ Tân Việt Quảng Nam gia nhập ĐCSVN.

Như vậy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc với tư cách là Đặc phái viên của ĐCSVN có thể xem như là nhà thiết kế và công trình sư trong việc tổ chức hợp nhất Đảng bộ ĐDCSĐ thị xã Tourane và Đảng bộ Tân Việt tỉnh Quảng Nam thành Đảng bộ ĐCSVN thành phố Đà Nẵng.



Từ những trang hồi ức của các đồng chí tiền bối cách mạng hoạt động tại Trung Kỳ những năm 1925 - 1930, chúng tôi bước đầu xác định được các khoảng thời gian hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại Đà Nẵng từ tháng 6-1929 cho đến khoảng cuối năm 1930, gồm 3 mốc thời gian quan trọng.

Đợt 1, từ tháng 6 đến tháng 10-1929, với vai trò là Đặc phái viên của Trung ương ĐDCSĐ và ủy viên Xứ ủy ĐDCSĐ Trung Kỳ vào vận động thành lập các Đảng bộ ĐDCSĐ tại các tỉnh, thành phố phía Nam Trung Kỳ. Đợt 2, vào cuối tháng 3 và tháng 4-1930, với vai trò là Đặc phái viên của ĐCSVN vào chỉ đạo thành lập các Đảng bộ ĐCSVN tại các tỉnh, thành phố Nam Trung Kỳ, từ Đà Nẵng vào Bình Định. Đợt 3, sau các cuộc đấu tranh từ ngày 1-5 đến tháng 9-1930, chủ yếu là để tránh sự truy lùng, bắt bớ của mật thám Pháp. Sau đó, đồng chí trở ra Vinh, vào Sài Gòn - Gia Định họp Ban Chấp Trung ương, ra Hà Nội, bị chỉ điểm và bị thực dân Pháp bắt tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội vào đầu tháng 5-1931.

Tuy nhiên, dù lúc ở Đà Nẵng hay Vinh, Bắc Ninh, Hà Nội, chúng ta thấy được rằng, ngoài vai trò là người thiết kế tài ba trong xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn có nhiều đóng góp quan trọng khác cho phong trào cách mạng ở Đà Nẵng, cũng như đối với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, là các địa phương do đồng chí trực tiếp phụ trách. Đồng chí đã chọn lựa cho Đà Nẵng những cán bộ có năng lực và bản lĩnh chính trị, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm liên lạc và chỉ đạo phong trào của Xứ ủy Trung Kỳ. Trong thời gian chỉ đạo cơ quan Phân Xứ ủy Trung Kỳ tại Đà Nẵng, ngoài lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí rất chú ý đến công tác tuyên truyền, chỉ đạo mạnh mẽ công tác in ấn và tấn phát tài liệu của Đảng, nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và vận động quần chúng vùng lên đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Có thể khẳng định rằng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một cán bộ lãnh đạo của Đảng đã đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng tổ chức Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Đà Nẵng trong quãng thời gian 1929 - 1930. Đây là thời gian chuyển mình mạnh mẽ nhất về tổ chức của ĐCSVN và các Đảng bộ địa phương trên phạm vi cả nước, mà cụ thể đối với Đà Nẵng là việc chuyển từ tổ chức HVNCMTN sang ĐDCSĐ và từ ĐDCSĐ (với sự gia nhập của tổ chức Tân Việt) chuyển lên thành Đảng bộ ĐCSVN thị xã Tourane.

Bùi Xuân
(Bài viết có sử dụng tài liệu lưu trữ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, ký hiệu 7-V-A; Hồi ký của đồng chí Võ Mai)

;
.
.
.
.
.