Những kết quả khả quan ban đầu cho thấy Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở ở nước ngoài” (Đề án 393) và Đề án “Đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố” (Đề án 47) mà thành phố Đà Nẵng đang triển khai là đúng hướng và hiệu quả.
Nhân lực và mùa bội thu “chất xám”
Anh Lê Sơn Phong với hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ chính phủ điện tử của thành phố Đà Nẵng. |
Tháng 10-2005, sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Sơn Phong về làm việc tại Sở Bưu chính - Viễn thông thành phố Đà Nẵng, được đánh giá là có năng lực trong công tác. Hai năm sau, anh trúng tuyển và được cơ quan đồng ý cho đi học thạc sĩ ở Anh theo Đề án 393. Về nước, anh tiếp tục làm việc cho cơ quan có tên mới là Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT). Khả năng chuyên môn giỏi, đạo đức tác phong tốt, có mối quan hệ tốt với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, tháng 8-2010 anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đầu tháng 9-2010 được đề bạt Phó Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông.
Đến nay, theo số liệu thống kê của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, đã có 78 lượt người (22 học tiến sĩ và 56 học thạc sĩ) được đi học ở nước ngoài theo Đề án 393. Chưa có ai học xong tiến sĩ, riêng thạc sĩ đã có 41 người tốt nghiệp và về nước làm việc. Lê Sơn Phong là một trong 4 thạc sĩ được đào tạo từ đề án này về công tác tại cơ quan cũ. Đây là một trong những thuận lợi để những bạn trẻ này phát huy, vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức mình đã học được vào công việc.
Số người đã về nước này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, theo phản hồi ban đầu từ các sở, ban, ngành thì hầu hết đã công tác tốt, trưởng thành nhiều, một số được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, một số tuy chưa được bổ nhiệm nhưng được giao nắm giữ nhiệm vụ quan trọng.
Đề án 47, sau 6 năm triển khai, đã cử đi học 274 người, trong đó có 2 người chưa tốt nghiệp và bị buộc chấm dứt hợp đồng tham gia đề án. Trong số 85 người đã tốt nghiệp có 57 người về nhận công tác, 9 người học thạc sĩ tự túc, 15 người chuyển tiếp lên Đề án 393, vi phạm hợp đồng 3 người, xin rút khỏi đề án 1 người vì lý do sức khỏe. Những người tốt nghiệp đại học từ Đề án 47 chỉ mới nhận nhiệm sở nên chưa thể đánh giá được gì. Chị Huỳnh Dương Diệu Vi tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, hiện làm kế toán cho Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, tuy có trái ngành nghề, nhưng cho đây là thử thách ban đầu, nên quyết tâm làm thật tốt.
Tuy nhiên, đợt khảo sát các cán bộ đã tốt nghiệp theo Đề án 47 đang nhận công tác (theo phân công của Sở Nội vụ) do trung tâm tổ chức vào tháng 5-2010 đã cho thấy một số tín hiệu khả quan ban đầu như: Cảm thấy phù hợp giữa công việc với ngành nghề được đào tạo (86,36%); hài lòng và rất hài lòng về môi trường công tác (63,63%); tự tin cho rằng mình hoàn thành công việc xuất sắc và được ghi nhận (22,7%), cho rằng hoàn thành tốt công việc được giao (72,72%).
Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, hầu hết nguồn nhân lực được đào tạo từ hai đề án này đều ở thế hệ 8X, 9X, sau 3 năm làm việc sẽ có độ chín và mang về vụ mùa bội thu “chất xám” cho thành phố. Tất cả đều có tố chất thông minh, chịu khó, nhưng quan trọng là các cơ quan phải biết cách sử dụng, tạo điều kiện tốt nhất để họ phát huy chuyên môn.
Chìa khóa tăng trưởng
Thành phố Đà Nẵng là một trong 7 tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hậu Giang và Lào Cai được chọn thí điểm quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong văn bản chỉ đạo: “Việc lập quy hoạch phát triển nhân lực các ngành, địa phương và toàn quốc là giải pháp căn bản để làm cho nhân lực trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Nguồn: Chinhphu.vn |
Ông Lê Kim Quốc, Chánh Văn phòng Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng, cho rằng các đề án về nhân sự này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài của thành phố. Tuy nhiên, muốn giữ được đội ngũ này thì thành phố phải có cơ chế riêng, nhất là chính sách. Ví như hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng là tốt, nhưng không hỗ trợ tràn lan mà phải xét riêng cho những ai có khả năng, có công trình, có nghiên cứu. Có chế độ đãi ngộ tương xứng để tránh tình trạng người thuộc gia đình khá giả làm việc chỉ một vài năm rồi đền bù kinh phí đào tạo lại gấp 5 lần và ra làm ngoài.
Nỗi lo “chảy máu chất xám” là có thực, khi mà Sở TT-TT, theo ông Quốc, cần thêm 40-50 người giỏi công nghệ thông tin (CNTT). Sau khi hoàn thành Tiểu dự án Phát triển TT-TT do Ngân hàng Thế giới tài trợ 30 triệu USD, Sở sẽ cho ra đời 3 đơn vị mới: Trung tâm Giao dịch CNTT, Trung tâm Đào tạo - Ứng dụng CNTT, Trung tâm Tích hợp dữ liệu. Riêng hệ thống thiết bị trị giá lên tới 3 triệu USD, buộc phải có người giỏi CNTT mới tiếp quản, vận hành và sử dụng có hiệu quả.
Nhờ có các nguồn ứng viên ở các trường phổ thông hàng đầu như Nguyễn Khuyến, Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh…, các Đề án 47 và 393 của Đà Nẵng đang diễn tiến thuận lợi. Tuy nhiên, các Đề án chỉ mới ưu tiên tập trung cho lĩnh vực công, chưa đủ ngân sách để mở rộng ra các thành phần kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, để chia sẻ gánh nặng bao cấp hoàn toàn như hiện nay, thành phố nên huy động các nguồn lực, kinh phí thành phố chỉ là kích thích ban đầu, còn lại là toàn xã hội, gia đình, đơn vị sử dụng lao động…
Theo thỏa thuận mới đây giữa Đà Nẵng và Đại sứ quán Pháp, vẫn theo ông Chiến, mỗi năm Pháp cấp 20 suất học bổng cho người Đà Nẵng học đại học và sau đại học tại Pháp, Pháp chịu toàn bộ học phí, Đà Nẵng lo sinh hoạt phí. Ông Chiến mới thử chào mời 3 doanh nghiệp theo phương án này thì tất cả đều lắc đầu khi nghe con số sinh hoạt phí 12 nghìn USD/suất/năm. Thế mới biết, các Đề án 47 và 393 của Đà Nẵng có tầm vóc như thế nào và quyết tâm của lãnh đạo thành phố ra sao với mục tiêu “Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để Đà Nẵng tăng trưởng, phát triển và cạnh tranh hiệu quả trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa kinh tế”.
Viễn Phúc Quân