Sau khi ở Hà Nội về, mẹ có vẻ bình tĩnh hơn. Ít lẫy hờn ba, cáu gắt với anh em Lu và dằn dỗi với mọi người trong nhà. Còn ba? Thấy vẫn bình thường nhưng hình như là không phải vậy. Ba có cái kiểu nói, cười sao mà không thiệt với ba, không phải là ba của anh em Lu một chút nào. Điều đó khiến Lu chợt nghĩ tới chuyện bệnh hoạn của mẹ lâu nay và bỗng giật mình. Hay là…
Như thường lệ, buổi sáng Lu sửa soạn để đi với cô Vân tới thư viện. Chẳng là cô Vân làm việc ở đây và vẫn cho Lu theo. Ở thư viện thích lắm! Sân vườn rộng, đẹp, thoáng mát và sách, báo thì nhiều vô kể. Khi vô phòng mẹ để chào tạm biệt, mẹ níu lấy tay Lu, nói: “Đừng đi, con. Ở nhà với mẹ mà”. Đôi mắt mẹ nhìn Lu ngay khi ấy sao mà thương quá. Giống như là mẹ năn nỉ, van xin. Còn bàn tay mẹ thì nắm lấy cổ tay Lu thật chặt và không chịu buông ra. Mẹ đã yêu cầu vậy, nên từ hôm đó Lu học một buổi ở trường, còn một buổi ở nhà. Rồi tới nghỉ hè, em La không phải đi nhà trẻ, vậy là hai anh em được quấn quít bên mẹ cả ngày.
Chủ nhật lại thêm cả ba nữa. Mấy cha con ngồi bệt trên nền đất, ngay giữa căn phòng của mẹ và chơi trò mua bán. Em La rất thích làm nội trợ, nên đòi bán đồ ăn. Mẹ nửa nằm, nửa ngồi trên giường, mệt mỏi nhưng tươi tắn, cùng phụ họa theo. Mẹ nói để cho công bằng người nào cũng có thể làm người bán và người nào cũng có thể làm người mua: “Chứ làm người bán thu tiền vô hoài. Sao giàu dữ vậy? Còn người mua, mua riết hết tiền rồi nghèo sao?”. Lu đưa ý kiến là mỗi người sẽ bán một món, như vậy ai cũng được ăn đủ món hết mới đã. Lu bán bún bò giò heo, vì rất ưa món này. Em La chu chu cái miệng:
- Ông bán hàng có cái đầu tóc ít ít ơi!
- Cái bà này. Ăn cái gì thì kêu. Bún giò hay bún không có giò. Bún bò gân hay bún bò nạm, chứ sao hỗn quá vậy. Dám kêu tui là cái ông tóc ít ít. Đầu đinh thì kêu đầu đinh chứ! Kêu vậy, coi chừng tui bán mắc cho rồi khóc nghe.
- Còn lâu ông mới bán mắc cho tui được. Tự vì tui ăn một tô bún không có gì hết trơn. Không có rau nè, hành ngò nè, tương nè, chanh nè. Chỉ có một cục giò. Vậy sao ông bán mắc cho tui được?
Nghe La nói tới đó, không ai nín được cười. Mẹ là người cười nhiều nhất. Mẹ nói đáng ra phải đặt tên ở nhà của em hơi dài dài một chút thì cái tên đó mới có thể giới thiệu đầy đủ về em được. Em La nghe mẹ nói vậy, cứ theo hỏi mẹ hoài: “Tên gì, mẹ?”, “Mẹ tính nói tên gì vậy?”, khiến mẹ không đừng được, phải trả lời: “Thì tên là La tía lia, chứ sao nữa”. Sợ mọi người hùa theo đề tài mới, ba phải đưa mọi người quay trở lại với chuyện mua bán đồ ăn, vì ba đói bụng quá rồi. Em La giành để con bán cho mà ba ưa ăn cơm tấm bì, phải không? Con bán cả phở Bắc cho anh Lu nữa. Anh Lu phải tập ăn thịt nạc đi. Tự vì anh Lu mập nhiều rồi mà cứ đòi ăn giò heo mỡ hoài. Bộ không sợ béo phì hả? Bộ không muốn giữ thể hình cho lý tưởng hay sao? Rồi còn bán cháo gà cho mẹ nữa. Tự vì mẹ bị bệnh. Mẹ phải ăn cháo mà.
Nhắc tới đó, không hiểu sao, em La bỗng vứt hết đồ chơi và nhảy lên giường, ôm mẹ hôn liền mấy cái rồi đổi qua giọng trả trớt ngay. Mấy lúc muốn làm nũng là em nói như vậy đó và muốn nghe thì phải ráng mà mở cái vành tai rộng ra và ráng mà làm thinh, rồi ráng mà tập trung mới hiểu được đâu chừng vài tiếng. Thấy cái cách của em, coi bộ chán mua bán, hết thích chơi rồi, nên ba kết thúc luôn: “La, không muốn chơi nữa, phải không? Lu, dẹp đồ gọn lại rồi xuống bếp phụ cô Vân. Nghỉ. Bữa khác mua bán tiếp”.
Sau đó, cả nhà còn chơi đồ hàng với nhau, thêm đúng năm lần như vậy nữa. Cả năm lần đó vui sao mà vui. Mệt nhưng mẹ vẫn tham dự từ đầu cho tới cuối. Có mẹ cái chuyện bán buôn đồ hàng này hay lắm kìa! Biết em La hay chán, mẹ bày đủ thứ. Bày bán hàng thịt heo này. Mà thịt heo thì phải bán cả giò heo, gan heo, ruột non, ruột già heo rồi mỡ, bì heo… Bán thịt bò thì phải có bò “phi-lê”, bò bắp, bò nạm… Rồi mở hàng mắm. Mắm thì phải có: mắm thu, mắm ruốc, mắm nêm, mắm ruột, mắm thái… Rồi hàng tạp hóa có cái gì? Quán giải khát thì có những thức uống gì?
Nhà hàng hải sản thì phải bán những món gì? Mẹ giỏi thiệt đó! Chuyện bán buôn sao mà mẹ rành. Không những bày người bán, mẹ còn bày cả người mua. Mẹ vẫn nửa nằm, nửa ngồi trên giường, dựa lưng vô gối. Vừa chỉ dẫn cha con Lu, vừa bán hàng của mình mà vẫn rất đắt mới thiệt tài chứ! Có lần ông nội đi ngang, bị cô bán hàng “La tía lia” mời chào dữ quá, không đành, phải ghé vô. Chắc hồi đó ông nội vui nên cho qua, chứ ông với La mất đoàn kết dữ lắm. Do em La cứ chê ông nội là không biết bán buôn nhưng lúc không kiếm ra được ai chơi cùng thì vẫn rủ ông, nên ông nội mới sinh tự ái, lo dặn: “Từ rày trở đi đừng có kêu tui nữa nghe, mấy người”. Tức cười là trong những trường hợp ấy, dù không tham gia nhưng ông nội cũng không chịu bỏ đi, cứ lẩn quẩn quanh đó, ngồi nhịp chân, dòm chơi chơi vậy à!
Bữa đó, chờ em La rủ rê thêm mấy lần nữa, ông nội mới lọm khọm đi vô phòng. Hỏi rõ ai bán gì, bán gì rồi còn hỏi giá cả kỹ lưỡng. Xong tới gánh chè của ba, ăn một ly đậu xanh đánh, mua ở xe giải khát của Lu một trái dừa xiêm, nói: “Để xách về cho con gái tui. Nó bị nóng trong người sao đó nên nổi mụn trên mặt tùm lum”. Em La bụm miệng, nói nhỏ vô tai Lu: “Em biết con gái ông nội là ai rồi. Á! Vậy là cô Vân được uống nước dừa. Để em xin cô một húp”. Lu phải nhắc khẽ cho em nhớ, là “mình đang chơi đồ hàng. Dừa xiêm giả chứ đâu phải thiệt mà đòi” thì em La mới thôi. Ông nội già rồi nên chắc cũng có lẫn, vì vui ghê! Ăn ngọt xong rồi ông mới đi ăn mặn. Ông ăn cháo vịt ở quán của mẹ, khen ngon rồi qua hàng bánh xèo của em La. Ông nội ăn lâu sao mà lâu, khiến cho em La bắt nóng ruột, phải lên tiếng:
- Ủa! Bộ bánh làm không có ngon hay sao mà ông ăn hoài không hết vậy?
- Không phải nhà hàng làm đồ không ngon, mà tại cái răng của tui không có được ngon.
Lu nghe ông nói mà tức cười. Bánh xèo mà ông làm như xương, thịt gì đó. Cứng ngắt, nên phải cần một hàm răng thật chắc để nhai. Còn cái gánh bánh xèo của em La thấy xập xệ vậy, mà ông kêu là nhà hàng. Ông đúng là không biết bán buôn gì hết. Cả nhà chưa kịp chơi đồ hàng với nhau lần thứ sáu, mẹ đã bị hôn mê. Mẹ nằm im ru, không ăn uống, không nói cười, không rên rĩ suốt mấy ngày. Trong thời gian này không khí trong nhà Lu rất khác. Bác Hai ở Kon Tum về.
Ông bà ngoại và mấy cậu, dì của Lu thường xuyên qua. Ba với ông nội và cô Vân hay to nhỏ bàn bạc gì đó. Rồi em La được gửi sang nhà bạn của mẹ. Rồi Lu thấy ba khóc… Chẳng là khuya đó, trở dậy muốn tiểu quá mà sợ xuống nhà sau tối hù, nên Lu chạy đại ra mái hiên phía trước. Trời có trăng nên Lu thấy rõ một người gục đầu vô cây bông sứ ở ngoài sân khóc. Tiếng khóc rất to, lại thêm cái kiểu đứng quen thuộc, nên chỉ cần định thần một chút là Lu nhận ra ba ngay. Nhìn cảnh ba như vậy, Lu rất muốn lại gần ba nói lên một câu gì, làm một cái gì hay chỉ là kêu: “Ba ơi!”, “Ba ơi!” mà không thể.
Sau khi mẹ mất, em La cứ đòi mẹ hoài và hỏi lung tung. Những câu hỏi của em, trong nhà, không ai có thể trả lời được. Thấy thế, em càng khóc thêm. Biết em rất thích chơi đồ hàng, ba rủ Lu và em cùng chơi. Em không chịu vì nói thiếu mẹ lấy ai bày biểu bán buôn. Cô Vân phải bỏ công chuyện ở trên lầu, xuống xin chơi và năn nỉ hoài em vẫn lắc đầu. Em vứt đồ hàng, giãy nãy…
Em đòi phải có mẹ. Em muốn được bán buôn với cả mẹ nữa. Phải đi kiếm mẹ về… Mấy bác hàng xóm sang dỗ cách gì em cũng không ưng, đành chịu. Cô Vân cũng bỏ đi. Còn ba ra phòng khách, ngồi hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Trước đây ba đã bỏ thuốc, vậy mà sau khi mẹ mất, ba lại hút. Chiều qua, ông nội đã la ba về chuyện này. Còn Lu thấy khó ngủ hơn với mùi thuốc lá hôi rình của ba, kế cận chỗ nằm đêm đêm. Khó ngủ Lu lại thêm nhớ mẹ.
Lu đã mười hai tuổi và Lu biết mẹ đã chết là không còn được về lại. Là không có mẹ trong ngôi nhà này. Có mẹ là có nhiều cái sướng lắm, chứ đâu chỉ sướng có chuyện chơi đồ hàng, như em La nghĩ. Khó ngủ, Lu lại thêm thương ba, thương em. Lu cũng thấy tội cho ông nội nữa. Mấy bữa trước, em La đòi mẹ và khóc lóc um sùm. Ông nội cũng có ở đó nhưng không nói gì và quay đi ngay. Sau lúc ấy, có việc Lu lên phòng và thấy ông nằm quay mặt vô vách, khóc. Do mẹ mất mà Lu đã phải thấy hai người đàn ông trong gia đình Lu khóc rồi.
Cúng thất lần thứ hai của mẹ ngày trước thì ngay bữa sau, khi vừa đi học về, Lu đã nghe tiếng cười của La và ông nội. Chuyện gì giữa hai ông cháu mà vui quá vậy? Tò mò, Lu rón rén lên lầu và núp ngoài cửa rình. Không tin được! Bởi trước mắt là một cảnh tượng hết sức quen thuộc: cảnh chơi đồ hàng. Lu ráng định thần để nhìn cho rõ hơn. Thì ra nội đang mua bán với em La. Ngó ông nhanh nhảu, mau mắn lắm kìa chứ không phải chậm chạp, rề rà như thường ngày đâu.
Theo dõi thêm chút nữa, Lu thấy ông nội mua bán rất rành. Ông thành thạo các loại hàng, giá cả, chợ quán không khác gì mẹ. Đã vậy ông còn nói năng y hệt như mẹ, khiến Lu thích quá chỉ muốn nhảy đại vô phòng, xin tham gia nhưng sợ em La không chịu. Em La mà đổi ý thì gay go lắm nên Lu đành đứng ngoài chơi… ké, cho đỡ thèm. Lu thấy đợt này ông nội của mình lên tay nghề quá chừng và em La coi bộ khoái ông ra mặt. Dù chỉ được mua bán bằng… mắt nhưng Lu cũng phải công nhận là ông nội quá tài! Ông chơi đồ hàng giỏi đâu có thua gì mẹ, biểu sao em La không ưng. Có vậy ông nội mới rủ được em La chứ đâu dễ gì. Nhưng làm sao mà ông được như vậy đã chứ!
Thắc mắc ấy phải tới mấy bữa sau, Lu mới giải thích được, khi nhớ lại suốt mười ngày trước đó cứ tối tối lúc cô Vân kèm cho Lu học ở trên lầu là ông nội lên, chỉ để hỏi cô về thịt, cá, rau, mắm, trái cây… Công chuyện mua bán của những người phụ nữ và bếp núc của mấy bà nội trợ. Cô Vân lấy làm lạ! Có gặng hỏi nhưng bị ông nhăn, thêm nữa thấy ông tha thiết quá không nỡ nên đã trả lời và giải thích rất cặn kẽ. Trong lúc cô Vân nói, ông ngồi nghe rất chăm chú không khác gì một đứa học trò ngoan ngoãn, siêng năng. Có cái gì khó nhớ thì ông xin Lu tờ giấy trắng, mượn Lu cây viết, sai Lu đi lấy cặp kính lão và ghi chép rất cẩn thận. Cái kiểu của ông như vậy, khiến cô Vân và Lu phải tức cười. Cô nói với Lu, là: “Ông nội mấy đứa lẩm cẩm rồi”. Ông dòm mặt cô, hất đầu: “Còn lâu”.
Tối đó ba đi công tác nên Lu lên ngủ với ông. Ông nhờ nó đấm lưng và than do trở trời nên hơi nhức. Lu nói: “Chứ không phải mua bán đắt hàng quá, mệt hả ông?”. Nghe tới đó ông nhổm người dậy ngay, mắt sáng bừng lên, khi hỏi:
- Ủa, sao con biết?
- Bí mật… Con rình.
- Mà mày thấy hết chứ Lu?
- Con thấy hết! Không bỏ sót đâu mà ông lo. Bán cái gì? Mua cái gì? Kinh doanh mặt hàng gì? Mở cửa tiệm nào? Con biết hết! Ông bán buôn giỏi vậy giàu chết. Tiền để đâu cho hết, trời!...
- Cái thằng. Cứ nói… Ông có lo gì đâu. Thì ông hỏi vậy cho có chuyện… Mà… Mà mày thấy ông có ngon không, Lu?
- Quá ngon. Ông là nhất. Ông bán buôn như vậy là trên cả tuyệt vời rồi đó!
- Mà phải ngon thiệt không? Đúng là ngon, phải không Lu?
- Ngon thiệt đó! Không tin ông hỏi em La coi.
- Ừ! Thì nó cũng biểu vậy. Nhưng mà tao cứ sợ…
Nói tới đó, ông nội coi bộ bần thần. Cũng chỉ có một chút. Rồi lấy tay cù cù vô vai Lu. Ông nội hay có cái kiểu như vậy, mỗi lúc ưng ý một cái gì. Chuyện đó cũng tựa như là cái miệng hơi méo méo của Lu, khi chăm chú vô một thứ gì đó mà. Ông kéo Lu nằm xuống, gác chân lên người Lu như là bạn, cười cười rồi nói với cái giọng tâm tình: “Thì tao cũng để cho con em mày. Con La nó hay, là tao cũng biết chơi đồ hàng chứ bộ! Tự ông của mày chưa muốn đó thôi”.
Mỹ Nữ