.

“Viết thuê”: Không chỉ vì mưu sinh!

.
Trong cuộc mưu sinh, những nhạc sĩ chọn cách “ viết thuê” như một nghề để sống. Đó cũng là một cách để các nhạc sĩ thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thử thách chính mình.

Mô tả ảnh.
CLB Ca nhạc Đà Nẵng và nghệ sĩ Thái Nghĩa tại thôn Tà Lang, Hòa Bắc. (Ảnh: Tâm Tứ Khoa)
 
Bàn về xu hướng các nhạc sĩ chọn cách “viết thuê” cho các cơ quan, đơn vị ngày càng nhiều hiện nay, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng, Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, cho biết: Bản thân người nghệ sĩ phải chọn cho mình một chỗ đứng và một động lực để sáng tác. Khi mà sáng tác những ca khúc chính thống chưa được quan tâm, khuyến khích thì nhiều người chọn cách “viết thuê” theo đơn đặt hàng là điều tất yếu. Các nhạc sĩ quan niệm đó là công việc lấy ngắn nuôi dài...

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, tác giả của hàng trăm ca khúc viết theo lời mời, khẳng định, viết theo đơn đặt hàng là điều kiện chứ không phải là cứu cánh. Khi mà giữa đại dương bao la âm nhạc hiện nay, Đà Nẵng chưa có thuyền lớn (Nhạc giao hưởng), chưa có xưởng đóng tàu to (Nhạc viện), thì những nhạc sĩ chúng ta nếu không bám vào “Chiếc phao cứu sinh ca khúc” thì chắc chắn sẽ chẳng còn ai góp mặt được với đời... Dẫu biết rằng, từ lâu, nhạc sĩ Đà Nẵng chưa có ai sống được bằng nghề viết ca khúc!

Nhạc sĩ Quang Trung, đang công tác tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, cũng có những ca khúc viết theo đơn đặt hàng, quan niệm “viết thuê” là công việc mang tính thời vụ, nhưng dù sao đó cũng là một động lực để sáng tác, còn thu nhập thì chẳng đáng bao nhiêu.

Có người xuất phát từ cái tình, có người vì mưu cầu cuộc sống… nhưng dù gì đi nữa, đơn đặt hàng của các đơn vị cũng là một động lực để các nhạc sĩ sản sinh ra những đứa con tinh thần đầy tâm huyết. Các ca khúc lần lượt ra đời đều thực sự là sản phẩm của tâm hồn, của những trăn trở nghĩ suy, của một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc.

Dễ mà khó!

Viết theo đơn đặt hàng của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức… đi vào nhiều vấn đề nhỏ lẻ của đời sống cũng là một cách để người nhạc sĩ trau dồi vốn sống cho mình. Nhạc sĩ Thái Nghĩa cho biết, một yêu cầu đối với nhạc sĩ “viết thuê” là phải sáng tác sao cho phù hợp với chất lượng giọng ca của đối tượng thể hiện, bởi một nhạc phẩm viết ra, dù có hay đến mấy, nếu người ta không thể hát, thì đó đã là một thất bại. Ví dụ đơn giản, người miền Nam không thể hát hay một nhạc phẩm của người Hà Tĩnh, một dân tộc có chất giọng luyến lên ta không thể buộc họ phải hát những đoạn nhạc luyến xuống hay luyến ngang… Không có kiến thức chắc chắn và phong phú về âm nhạc, nhạc sĩ viết thuê khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Các nhạc sĩ cho rằng, viết ra ca khúc thì dễ, nhưng để có ca khúc sống được trong lòng quần chúng thì đó là một việc cực kỳ khó khăn. Cái tài của người nhạc sĩ viết theo đơn đặt hàng là ở chỗ, có những vấn đề rất xơ cứng, khô khan, tưởng như chẳng có gì để viết (xăng dầu, sân bay, viết về cô gái làm nghề đông lạnh, về ngành cung ứng vật tư...) nhưng rồi, tất cả vẫn được chuyển tải một cách uyển chuyển trên những nốt nhạc. Đối với những đề tài khô khan, các nhạc sĩ đã chọn cách  thâm nhập thực  tế, chọn những góc độ để mà viết. Khi người nhạc sĩ hiểu biết sâu sắc về đề tài, thì người nghe sẽ thấy được cái tình trong từng tác phẩm. Đến đây, theo nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa viết thuê không còn là chuyện của vốn sống, vốn văn học hay âm nhạc mà cao hơn, đó là sự nhuần nhuyễn tất cả những yếu tố, gắn liền với cái tâm, với sức sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ. Do đó, để đứng vững trên nghiệp viết thuê không phải là việc nhạc sĩ nào cũng làm được.

Có thể nói, viết thuê cũng là một mảnh đất thuận lợi để người nhạc sĩ rèn luyện tay nghề của mình trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của đời sống.

Giữ tròn danh dự

Nghệ sĩ chân chính đặc biệt coi trọng hai chữ danh dự. Với người viết nhạc thuê cũng vậy, trong cuộc mưu sinh, họ vẫn từng ngày giữ tròn danh dự.

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa khẳng định rằng, không phải với đơn vị đặt hàng nào anh cũng đồng ý viết, mặc dù có khi họ trả công rất hời. Với anh, quan trọng nhất là cái tình, cái tình từ những đơn vị, những vùng miền mời anh viết; cái tình từ đối tượng anh sắp ngợi ca. Bởi ca khúc thì dường như chỉ có “ca” thôi, nên có khi đồng ý viết rồi, nhưng qua tiếp xúc với đối tượng, thấy không có gì để “ca” cả thì nhất định không viết. “Viết thuê” vì thế, cũng phải bắt nguồn từ cảm xúc thành thực, người nhạc sĩ không thể lừa dối mọi người, càng không thể tự dối mình. Nhạc sĩ Thái Nghĩa thì vui vẻ bộc bạch: Sáng tác không dùng được thì áy náy vô cùng, nên tốt nhất, cứ viết khi được đặt, còn chuyện thù lao thì để sau, tùy theo đánh giá của họ, không có cũng không sao.

Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận có một số ít người viết nhạc thuê chỉ chạy theo tiền, cốt lấy bằng được tiền, còn kết quả làm được ra sao cũng mặc. Số đó, người ta không xếp vào hàng nghệ sĩ mà chỉ là thợ viết thuê.

Các nhạc sĩ của chúng ta chọn “viết thuê” như một nghề để kiếm sống. Nhưng có một điều chắc chắn, với họ, mưu sinh không phải là tất cả!

TRẦN THANH TÂN
;
.
.
.
.
.