“Con đi học về tự nhớ và viết lại được hai chữ ông nội mà cả nhà mừng rơi nước mắt”. Chị Hà Thị Thu Thủy (33 tuổi, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) mẹ của cháu Võ Ngọc Hà Giang (5 tuổi), không mừng sao được, khi đứa con mà chị rứt ruột sinh ra, ngay từ nhỏ đã bị đa tật: nhìn kém, tai nghe không tốt, thần kinh bị ảnh hưởng.
Với mong muốn các cháu bị khuyết tật, đặc biệt là trẻ khiếm thị (TKT) sớm hòa nhập với cộng đồng và sinh hoạt như những trẻ bình thường khác, thạc sĩ Lê Thị Tuyết Mai (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu) đã hoàn tất đề tài “Thực trạng và giải pháp can thiệp sớm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc - giáo dục TKT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” trước khi từ giã nghề giáo. Đề tài mang đầy tính nhân văn và hết sức cần thiết dành cho trẻ đã được Sở KHCN nghiệm thu tháng 1-2010.
Ông Huỳnh Phước - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Đà Nẵng đánh giá, đây là một đề tài xã hội, đưa ra được những giải pháp rất thiết thực. Chúng ta đang cố gắng để con người được hưởng những chính sách xã hội, nhất là với những trường hợp đặc biệt, bởi vậy việc quan tâm đến TKT là hết sức cần thiết.
Giúp trẻ sớm hòa nhập
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được rèn những kỹ năng sống bởi vậy việc can thiệp sớm (CTS) rất quan trọng, nhất là với trẻ từ 0 - 6 tuổi. Thạc sĩ Tuyết Mai cho biết, phần lớn TKT hoàn toàn được phát hiện trong độ tuổi từ 0 - 1; trẻ nhìn kém hoặc mắc các tật khúc xạ từ 3 tuổi trở lên. Để tạo điều kiện cho TKT phát triển về thể chất cũng như tinh thần và dễ hòa nhập với cộng đồng trong tương lai, cần có sự phối hợp giữa gia đình của trẻ với cơ quan y tế và các cơ sở giáo dục để phát hiện kịp thời tình trạng TKT.
Thời gian qua, việc CTS cho TKT tại Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu đã đem lại hiệu quả nhất định. Trong quá trình điều tra và phân loại trẻ, với mô hình CTS tại gia đình, tại trường chuyên biệt và tại trường mầm non hòa nhập đã giúp cho những cháu ở mức độ nhẹ, vừa được CTS, được học hòa nhập với các bạn tại các trường mầm non. Như trường hợp bé Thanh Kha, bị mù vỏ não nhưng do được CTS, hiện bé đang học dự bị lớp 1, trong tương lai gần gia đình sẽ cho bé học hòa nhập với các bạn ngoài xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, TKT có thể vào học hòa nhập tại các trường mầm non Hòa Tiến, Hòa Liên (Hòa Vang), Mai Nhi (Liên Chiểu), Ánh Dương (Hải Châu), Hoa Phong Lan (Ngũ Hành Sơn) và một số nhóm trẻ gia đình.
Cần có sự hỗ trợ đa ngành
Hiện nay, tại Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu có 1 lớp CTS cho TKT với 7 học sinh do hai cô giáo phụ trách. Hằng ngày, trên lớp các cháu được học những kỹ năng nói, nghe, xác định phương hướng, cách nhận biết các đồ vật… Cô Phạm Thị Nụ cho biết: “Những kỹ năng tự phục vụ của các cháu rất kém nên phải rèn luyện, nhiều cháu tập đi tập lại. Nhiều cháu được CTS từ nhỏ, như An Dung (4 tuổi), Hà Giang (5 tuổi)... nên các kỹ năng của cháu rất tốt”.
Một trong những yếu tố quyết định chất lượng CTS cho TKT đó là vai trò của cha mẹ. Cha mẹ là những người có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhất là trong những năm đầu đời. Ngoài sự chăm sóc vật chất thì mối liên hệ tình cảm, tinh thần tác động rất lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách cho bé. Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu trưởng Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu, cũng là người tham gia đề tài nói trên chia sẻ: Những cô giáo dạy trong trường chuyên biệt nói chung và lớp CTS nói riêng rất cần sự hỗ trợ của gia đình các cháu. Thông thường các cô giáo sẽ bày trực tiếp cho trẻ và thường xuyên mời phụ huynh đến tập huấn tại trường. Bởi ngoài thời gian ở trường, cha mẹ chính là người thường xuyên ở bên cạnh trẻ, mọi kỹ năng được học có khả năng được áp dụng thường xuyên và liên tục. Như vậy hiệu quả của việc CTS mới cao và chất lượng.
Chị Đoàn Thị Thanh Hoa (quận Hải Châu), mẹ của cháu Nguyễn Quý An Dung, 4 tuổi cho biết: “Khi sinh ra, mắt cháu đã không nhìn được, rất may, cháu được cô Đặng Thanh Tùng tìm đến và can thiệp tại nhà từ hồi cháu mấy tháng tuổi, sau đó đi học tại trường gần 2 năm. Giờ thấy cháu hiếu động, vui vẻ, đặc biệt rất thích hát, gia đình đã vơi đi nỗi buồn từng nặng trĩu”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng trong việc CTS cho trẻ. Trong quá trình điều tra TKT, đã gặp vô số khó khăn, phải trực tiếp đi đến các trạm y tế, bệnh viện mắt… để hỏi về các cháu. Nhiều gia đình có TKT, cán bộ điều tra đến tìm hiểu tình trạng bệnh của trẻ, gia đình phản đối và giấu vì họ hy vọng con, cháu họ sẽ được chữa khỏi, thậm chí nhiều người còn nuôi ý định đưa con ra nước ngoài phẫu thuật nên cán bộ không thể CTS. Chính những điều này đã gây thiệt thòi cho trẻ vì khi can thiệp muộn, các cảm giác của trẻ không còn nhanh nhạy như trước, dẫn đến kỹ năng sẽ chậm hơn so với trẻ được CTS. Bên cạnh đó còn có những khó khăn khác mà cô Đỗ Quyên chia sẻ, như đến trạm y tế hỏi được tên, tuổi của trẻ (tên trong giấy khai sinh) nhưng đến tổ dân phố hoặc khu dân cư hỏi thì không ai biết cháu nào có tên như thế vì các cháu thường được gọi bằng những tên ở nhà. Hay như một số cháu gia đình ở quá xa nên việc đi lại khó khăn, phụ huynh chưa hiểu hết các kỹ năng chăm sóc TKT.
Để công tác CTS cho TKT đạt chất lượng và hiệu quả, rất cần sự quan tâm của các ban, ngành, toàn xã hội giúp cho trẻ phát triển bình thường và sớm hòa nhập được với xã hội, có cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.
Thu Hà