.

Động lực nào cho giáo viên?

.

Giáo viên dường như không có động lực gì cho họ phấn đấu. Bởi lẽ môi trường giáo dục hiện nay không có tính cạnh tranh, không có sự đào thải, mà cào bằng tất cả theo kiểu bình quân chủ nghĩa.

Mô tả ảnh.
Giáo viên dường như không có động lực nào để phấn đấu? (Ảnh minh họa của V.T.L)

Làm việc gì cũng cần phải có động lực thì mới có kết quả tốt đẹp. Ví dụ: Mong muốn có một chỗ ngồi ở giảng đường đại học là động lực cho học sinh cố gắng học giỏi; ra trường có việc làm thu nhập tốt là động lực cho sinh viên nỗ lực học hành; người đi làm cố gắng hoàn thành tốt công việc để được tăng lương, được thăng quan tiến chức là động lực phấn đấu… Thế nhưng, với giáo viên dường như họ không có động lực nào để phấn đấu! Khi tôi đặt vấn đề này với 10 giáo viên thì họ cười bảo: “Giáo viên thì có gì mà phấn đấu”?!

Quả thực, giáo viên không có động lực gì cho họ phấn đấu. Bởi lẽ môi trường giáo dục hiện không có tính cạnh tranh, không có sự đào thải, mà cào bằng tất cả theo kiểu bình quân chủ nghĩa. Người làm việc tâm huyết, nhiệt tình, hiệu quả cũng cứ 3 năm đến hẹn lại lên lương. Người cứ tà tà làm việc, không nhiệt tình, hiệu quả thấp cũng cứ 3 năm đến hẹn lại lên lương. Người đã trúng tuyển biên chế cứ tà tà làm việc, chẳng lo mất việc vì không có tính cạnh tranh, đào thải. Người bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải cao nhưng không hề có sự khác biệt nào với người chưa bao giờ đạt thành tích… Thế nên giáo viên phấn đấu để làm gì?

Thực ra thì giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, cuối năm được thưởng 100 ngàn đồng... không thể là động lực cho giáo viên phấn đấu trau dồi chuyên môn, làm việc tâm huyết, nhiệt tình và hiệu quả.

Thiết nghĩ, ngành Giáo dục-đào tạo cần phải tạo ra động lực cho giáo viên bằng cả hai cách. Ngoài việc trả lương cao, khen thưởng xứng đáng với giáo viên giỏi, có thành tích, phải tuyển chọn những giáo viên đáp ứng yêu cầu công việc. Làm được như thế không những tạo ra động lực cho giáo viên phấn đấu mà còn là động lực thu hút người giỏi thi vào sư phạm. Chỉ khi giáo viên có động lực thì ngành Giáo dục-Đào tạo mới khởi sắc, mới trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

PHẠM ĐƯỢC

;
.
.
.
.
.