.

Khát vọng Thăng Long

.
Bộ phim “Khát vọng Thăng Long” khắc họa hình ảnh vua Lý Thái Tổ từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, thời điểm ông ban chiếu dời đô từ cố đô Hoa Lư về thành Đại La.

Mô tả ảnh.
Poster chính thức của “Khát vọng Thăng Long”.
Lấy bối cảnh 1.000 năm về trước, thời tiền Lê, Quốc sư Vạn Hạnh có người học trò là Lý Công Uẩn, cậu bé lớn lên từ mái chùa. Khi còn nhỏ, cậu đã sớm bộc lộ đức tính vị tha, nhân hậu. Nhận thấy điều này, sư Vạn Hạnh quyết định đưa Lý Công Uẩn vào triều. Cuộc đời và sự nghiệp của ông bắt đầu từ đó.

Ở “Khát vọng Thăng Long”, nhà làm phim đã khai thác song song hai tuyến truyện. Một bên là khắc họa những xung đột chính của thời Tiền Lê, một bên là mối tình ngang trái giữa Lý Công Uẩn - Dạ Hương (nhân vật hư cấu) và vua Lê Long Ðĩnh. Chính kết cấu chuyện song song này đã giúp cho “Khát vọng Thăng Long” có nội dung phong phú, gần gũi hơn với độc giả.

Bộ phim đã cố gắng tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt cũng như đời sống của người dân Thăng Long xưa. Một trong những điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của người xem là những cảnh dàn trận chiến tranh và võ thuật trong phim. Nhiều cảnh quay lớn có sự góp mặt của hơn 1.500 diễn viên và hàng tấn đạo cụ, miêu tả được sự dữ dội và tàn khốc của cuộc chiến tranh, điều khá hiếm trong phim dã sử Việt Nam.

“Khát vọng Thăng Long” cũng đã khiến người xem không dưới một lần phải thót tim, lo cho Lý Công Uẩn-nhân vật chính. Như cảnh ông không màng tính mạng, ngăn vua mang quân đi đánh Chiêm Thành. Hoặc, những cảnh quay khiến người xem phải rơi nước mắt vì xúc động, như hình tượng sợi xích cột người đàn bà chửa hoang trở thành vật dụng răn dạy về nhân nghĩa của Lý Công Uẩn; chiếc trâm cài tóc của Dạ Hương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngầm dẫn đến một thiên tình sử đau buồn; đồng xu Lý Công Uẩn nhận từ tay một tử sĩ ngoài chiến trường... Ngoài ra, “Khát vọng Thăng Long” còn xây dựng khá thành công nhân vật Lê Long Đĩnh, vị vua mang những thói hư tật xấu còn truyền tụng trong sử sách.

 Bộ phim còn thu hút sự tò mò của người xem bởi những gương mặt mới trong làng điện ảnh Việt Nam như Quách Ngọc Ngoan vào vai Lý Công Uẩn, Thu Trang vai Dạ Hương, hoặc diễn viên trẻ Vũ Đình Toàn vào vai Lê Long Đĩnh, hay như sự xuất hiện của hoa hậu Ngô Mỹ Uyên...

Trả lời trước báo chí, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự: “Tôi chọn diễn viên không quan tâm là nổi tiếng hay không nổi tiếng. Cách làm phim của tôi là luôn luôn đi tìm những con người mới, đặc biệt là những nhân vật như Công Uẩn để tránh đi những ấn tượng về vai diễn trước của diễn viên với mọi người. Nếu chọn một diễn viên quá nổi tiếng đóng vai này thì việc thoát ra khỏi cái tên đó và thể hiện nhân vật sẽ khó hơn”.

Được thực hiện trong vòng 12 tháng, “Khát vọng Thăng Long” phần nào đã đánh dấu bước chuyển mình của dòng phim dã sử Việt Nam. Trong phim có những cảnh quay đẹp với hình ảnh mái đình, sân chùa, dưới bóng đa cổ thụ, hàng tre uốn lượn theo con đường mòn, những phiên chợ quê cộng với nhiều màn võ thuật sẽ đem lại một trải nghiệm thú vị và vô cùng mới mẻ cho khán giả màn ảnh rộng. Toàn bộ bối cảnh trong phim được quay tại Thái Bình, Ninh Bình, Huế, Hà Nội, Buôn Mê Thuột. Trang phục của các nhân vật được thiết kế với gam màu nâu, đỏ trên chất liệu vải.

Bộ phim dài 110 phút, được khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 12 tháng 11.

Huỳnh Lê
;
.
.
.
.
.