.

Mối lo về miếng ăn

.
“Bao giờ người dân thành phố an tâm ăn rau sạch, cá không ướp urê?” là câu hỏi của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh trong kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa VII. Đây cũng là nỗi lo lắng thường trực của các bà nội trợ trước diễn biến ngày càng phức tạp của thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thời gian qua...

Mô tả ảnh.
Để yên tâm hơn với nguồn thực phẩm tươi sống, người tiêu dùng thường chọn cách đến siêu thị mua hàng.
 
Người tiêu dùng tiếp tục bị… lừa

Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 75 người phải nhập viện với những biểu hiện giống nhau như nôn ói kéo dài và co giật chân tay. Dù không có ca tử vong, nhưng theo bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng khoa Khám - Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, phần lớn nguyên nhân của những vụ ngộ độc là do ăn phải nguồn thức ăn không bảo đảm vệ sinh; rau quả bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản còn dư lượng kháng sinh, hormone hay việc sử dụng các loại phụ gia, phẩm màu độc hại trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Nếu không cứu chữa kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong.

Những thông tin này khiến không ít bà nội trợ tỏ ra lo lắng khi chọn mua thực phẩm cho gia đình. Bà Lê Thị Ba, tổ 17, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi thuộc diện nghèo, nhà lại đông con, mỗi lần ra chợ tôi thường chọn mua bó rau muống về luộc lấy nước, thêm vài con cá nữa là có bữa ăn ngon. Nhưng từ ngày xem ti-vi thấy rau muống họ tưới dầu nhớt, cá ướp urê, hoa quả thì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… khiến chuyện ăn uống cũng không còn thoải mái nữa vì tâm trạng cứ bất an”.

Trong thời gian qua, dư luận tại Đà Nẵng càng tỏ ra lo lắng khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện và đóng cửa những cơ sở tàng trữ, chế biến mỡ động vật không đăng ký kinh doanh, không chứng nhận về VSATTP và không cam kết bảo vệ môi trường. Cũng vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Đà Nẵng đưa ra một ví dụ, chỉ trong một tháng cao điểm kiểm tra 1.147 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán năm vừa rồi, đã phát hiện 247 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 22%. Hoặc việc kiểm tra, đình chỉ hoạt động tại cơ sở làm giá đỗ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý, tổ 14, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ tháng 2-2010 khi phát hiện cơ sở này ngâm Sodium Hydrosufite, một loại hóa chất dùng tẩy thuốc nhuộm, chế biến xà phòng để tẩy trắng giá đỗ. Ông Tiến nhấn mạnh: “Đây chỉ là những con số được nhìn thấy. Còn rất nhiều cơ sở vẫn đang lén lút hoạt động mà chưa bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị… lừa mà không hề biết”.

“Đuổi gà qua đám giỗ”

Là cách ví von của bác sĩ Đoàn Võ Thị Kim Ánh, đại biểu HĐND, thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố khi nói về công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với các cơ sở cung cấp, chế biến lương thực, thực phẩm. Theo bà Ánh: “Trong những lần tiếp xúc cử tri gần đây, nhân dân tỏ ra lo ngại
về vấn đề VSATTP. Tại sao vẫn còn nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và không tìm ra được nguyên nhân? Phải chăng do trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn yếu kém, hay do trang thiết bị, điều kiện khoa học kỹ thuật còn hạn chế? Cần phải tìm ra những điểm yếu trong chuyên môn, tác nghiệp để giải quyết vấn đề này”.

Về điều này, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản Đà Nẵng cho rằng, hiện nay đội ngũ nhân sự còn mỏng, còn mới, thiếu kinh nghiệm khiến công tác thanh tra, kiểm tra còn bị động. Mặt khác do công tác quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP chưa có thanh tra chuyên ngành nên việc xử phạt vi phạm hành chính chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, việc kiểm tra vẫn còn mang tính hình thức, thời vụ.

Cạnh đó, những con số thu lại sau mỗi đợt kiểm tra khiến người tiêu dùng không thể yên tâm. Như năm 2009, Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản Đà Nẵng tiến hành kiểm tra 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thì chỉ có 35 cơ sở đạt chỉ tiêu về VSATTP. Trong số 98 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, có 38 cơ sở không có giấy phép kinh doanh, 8 cơ sở không có kho chứa hàng hóa, 15 cơ sở sản xuất phân bón không bảo đảm chất lượng. Năm 2010, chi cục tiếp tục kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho 24/60 cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện VSATTP, trong đó có 22 tàu cá và 2 cơ sở sản xuất nước mắm. Đó chỉ là con số rất nhỏ, “đại diện” cho hàng trăm, hàng ngàn cơ sở đang có mặt tại Đà Nẵng.

Thật ra không phải cơ sở nào cũng biết thực phẩm mình đang buôn bán không bảo đảm chất lượng. Chị N.T.H.A, kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả tại chợ Hàn cho biết: “Bằng mắt, chúng tôi thật khó phân biệt được đâu là nguồn thực phẩm an toàn. Bởi vậy, sau mỗi đợt kiểm tra, chúng tôi cũng không dám hứa rằng lần sau sẽ cung cấp cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm bảo đảm chất lượng, vì phần lớn thực phẩm được lấy lại từ các thương lái”.

Bà Phạm Thị Xuân Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, những năm gần đây, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở cây trồng vẫn là mối lo ngại của người tiêu dùng, dù thời gian qua, chi cục đã kết hợp với các cơ quan khác mở nhiều lớp tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, kỹ thuật trồng rau an toàn cho nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ Phòng Quản lý chất lượng tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thực tế cho thấy, một khi đã không thể kiểm soát được tình trạng mất VSATTP, người ta hay vin vào câu khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái”. Tất nhiên, ý thức của người bán lẫn người mua vẫn là quan trọng, nhưng nếu công tác kiểm tra được đẩy mạnh hơn nữa, kết hợp với biện pháp xử phạt nặng tay hơn, thì mới hy vọng đến một ngày, người dân được yên tâm sử dụng những món ăn mình ưa thích tại bất cứ hàng quán vỉa hè nào, hoặc không còn thấy bất an khi chọn mua nguồn thực phẩm tươi sống, hoa quả được bày bán trên tất cả các sạp hàng trên phố.

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.