.
“NĂM GIẢI TỎA ĐỀN BÙ, TÁI ĐỊNH CƯ VÀ AN SINH XÃ HỘI”

Những vấn đề cần nhìn lại

Trước những yêu cầu bức thiết từ thực tiễn cuộc sống, năm 2010 được Thành ủy, HĐND thành phố xác định là “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”. Qua một năm triển khai, nhiều vấn đề cần nhìn lại để tiếp tục thực hiện tốt hơn những chủ trương mang tính nhân văn này trong thời gian tới.

Nhờ sớm xác định trọng tâm của năm, nên việc thực hiện đã được các cấp ủy, chính quyền, địa phương, ban, ngành, đoàn thể… của thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản và hiệu quả. Trên lĩnh vực giải tỏa, đền bù, tái định cư, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, tiến độ các dự án tái định cư được tập trung đẩy nhanh để có đất bố trí cho các hộ giải tỏa di dời thuộc các dự án trọng điểm của thành phố như: Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đường Nguyễn Văn Linh (nối dài)...

Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã bố trí 4.450 lô đất tái định cư thực tế cho các hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan chức năng đã bố trí tái định cư cho 2.474 hộ bàn giao mặt bằng trong năm 2010, tăng khoảng hơn 1.100 lô so năm 2009.

Bên cạnh đó, các chương trình nhà ở xã hội nhằm thực hiện mục tiêu “Có nhà ở” trong chương trình “3 có” của thành phố cũng được triển khai mạnh mẽ trong năm 2010. Các chung cư tại khu tái định cư làng cá Nại Hiên Đông với 1.275 căn hộ, khu dân cư (KDC) Phong Bắc 1.094 căn hộ, KDC cuối tuyến Bạch Đằng Đông 658 căn hộ, KDC số 2 Nguyễn Tri Phương 147 căn hộ và KDC Đại Địa Bảo 725 căn hộ... đã được khởi công và xây dựng; trong đó có 66 khối nhà với 2.859 căn đã xây dựng xong và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2011. Đây là kết quả cụ thể của những nỗ lực lớn, tạo tiền đề vững chắc cho việc giải quyết tái định cư, bảo đảm chỗ ở cho nhân dân.

Một dấu ấn được thực hiện trong chính sách an sinh xã hội của thành phố năm 2010, chính là việc giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo. Thành phố đã hỗ trợ kinh phí để 1 nghìn hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động tạo vốn làm ăn, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ đợt 1 là 3 triệu đồng/hộ và đợt 2 là 5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/người/tháng đối với hộ đặc biệt nghèo đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 300 nghìn đồng/người/tháng đối với hộ đặc biệt nghèo không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ cho 253 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 946 nhân khẩu, mức 1 triệu đồng/nhân khẩu...

Trong năm nay, thành phố cũng đã hỗ trợ gần 6 tỷ đồng cho trên 20 nghìn đối tượng xã hội; cấp 113.797 thẻ BHYT người nghèo và các đối tượng xã hội; tổ chức dạy nghề cho 530 người nghèo... Thành phố đã giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ hằng tháng cho các đối tượng chính sách; đồng thời xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà, miễn giảm tiền sử dụng đất và trợ cấp khó khăn đột xuất cho gần 3.500 đối tượng chính sách, với số tiền 30 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho 32 nghìn lao động; giải ngân cho vay 1.117 dự án, kinh phí 22,28 tỷ đồng; giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,9%... Công tác giảm nghèo của thành phố đã đạt được kết quả tích cực, với 7.396 hộ thoát nghèo, đạt 123,3% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,34% trong tổng số hộ...

Từ thực tiễn triển khai chủ trương “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”, đã có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết một cách bền vững hơn.

Cùng với việc cần sớm đề ra và tập trung quyết liệt, có trọng tâm chủ trương từng năm, thì cũng cần đúc rút những kinh nghiệm qua quá trình triển khai những chính sách của năm đó nhằm tạo tiền đề bền vững trên lĩnh vực này những năm tiếp theo. Ông Trần Đình Hồng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, với chủ trương tiếp tục thực hiện quy hoạch, mở rộng không gian đô thị của thành phố thì thời gian tới, nhiều khu vực của thành phố (trong đó có huyện Hòa Vang) chịu ảnh hưởng lớn của quá trình giải tỏa, đền bù, tái định cư, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo nhân dân.

Từ đó, yêu cầu về việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm thống nhất chủ trương, chính sách trên lĩnh vực này cần được thực hiện một cách kịp thời và nghiêm túc. Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh, để giải quyết căn bản và bền vững về giảm nghèo, thì cần tổ chức tốt công tác dạy nghề, hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, trước những tác động của việc tăng chỉ số giá tiêu dùng và việc thực hiện các chính sách của Chính phủ đối với người nghèo, Đà Nẵng cần sớm có chủ trương mới trong tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm đời sống cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
 
Đó là việc sớm kết thúc trước 2 năm việc thực hiện đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 để nâng mức chuẩn nghèo của thành phố; khảo sát và có chính sách mới với những đối tượng xã hội...; nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo và đặc biệt nghèo, nhất là không để xảy ra tình trạng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách mà không tự thân phấn đấu vươn lên trong cuộc sống...

Anh Quân
;
.
.
.
.
.