Kỹ sư Trần Phú từng là chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng. |
Đó là kỹ sư Trần Phú, tốt nghiệp khoa cơ khí Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Mùi hôi phản cảm giữa trận bóng đá ấy đã khiến anh lần sau quay lại “điều tra” và phát hiện ra “thủ phạm” chính là… trạm trung chuyển rác (trạm ép rác) trên đường Ngô Gia Tự của Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) Đà Nẵng, nay là Công ty TNHH một thành viên MTĐT Đà Nẵng.
Từ 1 lên 7
Qua tìm hiểu, anh biết Đà Nẵng bình quân mỗi ngày có đến 600 tấn (tương đương 1.400m3) rác thải đô thị. Để giảm bớt chi phí mua sắm phương tiện chuyên chở và giảm lượng đào đất chôn rác, công ty đã cho thu gom rác về các trạm trung chuyển và ép nhỏ lại, cứ 20m3 giảm xuống còn khoảng 12m3. Có điều, các trạm này nằm ngay trong khu dân cư đô thị, trong rác có các chất hữu cơ dễ phân hủy nên khi ép đã tạo ra các chất chủ yếu gây ô nhiễm môi trường như NOx, COx, H2S, NH3…và hai thứ rất khó chịu là mùi hôi và bụi. Người dân chung quanh các trạm trung chuyển rác, nhất là trạm trên đường Ngô Gia Tự, đã tỏ rõ sự bất bình về sự ô nhiễm lưu cữu nơi mình sinh sống.
Nghiên cứu tài liệu, anh thấy thế giới xử lý triệt để mùi hôi rác thải bằng phương pháp hóa lý, rất tốn kém nên chỉ các nước phát triển mới “chơi” nổi với mức kinh phí rất cao dành cho môi trường. Việt Nam thì chủ yếu xử lý bằng cách dùng chế phẩm sinh học EM nhập ngoại phun vào rác thải. Tuy nhiên, một số nhà khoa học trên thế giới cho rằng EM là con dao hai lưỡi, tuy nó giải quyết được mùi hôi nhưng lại có khả năng tạo ra một loại chủng vi sinh nào khác có thể tác động xấu đến môi trường, vì thế, dùng hay không dùng nó vẫn còn chưa ngã ngũ.
Bạn đến thăm thú cảnh đẹp ở một nơi nào đó, nếu bất ngờ “phát hiện” ra cái mùi hôi của rác thải, liệu bạn có còn hứng thú và dành tình cảm cho nơi đó không? Câu hỏi này đã làm anh bỏ công nghiên cứu và tìm ra một công nghệ xử lý mùi hôi rác thải trong điều kiện cho phép. Về mùi hôi, anh đề xuất xử lý theo phương pháp hấp phụ kết hợp với phương pháp hấp thu. Về bụi, anh đề xuất xử lý theo phương pháp ướt, tạo ra lực ly tâm trong ống nằm ngang đưa hạt bụi va đập vào thành ống, phần còn lại hạt bụi ướt sẽ va đập vào hệ thống tách sương mù. Nhờ độ ẩm cao nên hạt bụi và sương mù cũng hấp thụ một lượng mùi hôi đáng kể.
Sau khi nghe anh báo cáo, lãnh đạo Công ty MTĐT đã đồng ý lập dự án Sản xuất thử nghiệm tại Trạm trung chuyển rác trên đường Ngô Gia Tự. Kết quả thật bất ngờ, người dân quanh đó không còn phải “di tản” mỗi trưa hè nắng nóng, công ty đánh giá đạt yêu cầu về môi trường. Công nghệ xử lý mùi và bụi của rác thải này đã mang về cho kỹ sư Trần Phú Giải thưởng Lao động Sáng tạo năm 2005 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ thành công này, công ty đã cho lắp hệ thống xử lý mùi và bụi tại 6 trạm trung chuyển rác nữa ở nội thành Đà Nẵng.
Vận hành ép rác có xử lý mùi và bụi theo phương pháp của kỹ sư Trần Phú tại Trạm trung chuyển rác trên đường Ngô Gia Tự. |
Máy cũ “đẻ” thêm máy mới
Đam mê khoa học công nghệ, thích tìm tòi học hỏi, xem trở ngại kỹ thuật như là “chướng ngại vật” để thử thách mình trên đường “về đích”, kỹ sư Trần Phú đã làm ngạc nhiên rất nhiều người.
Năm 2008, HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 2 được Viện Công nghệ hóa học thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt máy sấy lúa FRD-4 chạy bằng điện. Chạy tốt được một thời gian thì máy “trở chứng”, sấy quá lâu, tiêu hao điện năng lớn, độ ẩm hạt lúa sau khi sấy không đạt... Mỗi lần khởi động là máy cứ báo động. Kỹ sư Trần Phú hay tin, đến xem xét với tư cách là Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật, sinh học, môi trường và quyền sở hữu trí tuệ Đà Nẵng (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố), bảo sẽ chữa lành “bệnh” cho máy. Chủ nhiệm HTX Lê Văn Phúc bán tín bán nghi. Tuy vậy, ông vẫn giao máy cho anh, “còn nước còn tát hơn là để thành đống sắt vụn”.
Anh đến, xoay trần ra đánh vật với máy móc. Ông Phúc đi loanh quanh bên ngoài, bụng bảo dạ “kiểu này dễ trâu què thành trâu cụt quá”. Phú không nói gì, anh lấy kết quả làm câu trả lời: Máy lại chạy với những thông số tốt hơn rất nhiều. Nếu trước đó, độ ẩm hạt lúa sau khi sấy ở mức 13-14%, có nơi đến 17%, không bảo đảm cho nẩy mầm với một số giống lúa mới thì giờ đây đều tăm tắp chỉ 12%. Đặc biệt, tuy nhiệt độ đã giảm từ trên 600 xuống còn 450 để không làm “chết” lúa giống nhưng vẫn rút ngắn thời gian mỗi mẻ sấy từ 16 giờ xuống còn 10-12 giờ. Thêm vào đó, anh đã cải tiến để máy có thể chạy bằng các nhiên liệu khác như than tổ ong, củi, trấu…
Ngày 23-11 tuần này, Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng và các phòng ban chuyên môn đã về HTX để tổ chức nghiệm thu kết quả “chữa trị” máy sấy lúa của kỹ sư Trần Phú. Anh mong ước có được nguồn tài trợ để nghiên cứu hoàn thiện máy sấy lúa này, giúp nông dân vùng đất đối diện với lũ lụt hằng năm có thể chủ động trong lúa giống.
Trước, nông dân vay vốn đều phải trả lãi. Ngày 15-10-2010, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy móc nông nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch với mức ưu đãi: Trong 2 năm đầu người nông dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất. Nhận được thông tin này, ông Phúc đã reo lên trong điện thoại của anh Phú: “Tôi đã có nguồn vốn rồi. Anh chuẩn bị làm cho tôi một cái máy sấy lúa mới hoàn toàn nghe”.
Không chịu “bó tay”
Quay lại với hệ thống xử lý mùi và bụi tại các trạm trung chuyển rác. Sau hơn 5 năm hoạt động, hệ thống hiện đã bộc lộ một số nhược điểm như chi phí cho hạt hấp phụ còn cao, tiêu hao năng lượng và nước chưa hợp lý; hệ thống xuống cấp nhanh do bị a-xit ăn mòn. Đây chính là lý do để anh tiếp tục đăng ký đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp xử lý ô nhiễm mùi và bụi của rác thải đô thị tại trạm ép rác” theo phương pháp vật lý hoàn toàn nhằm hoàn thiện hệ thống.
Bà Phan Thị Nữ, Trưởng phòng Công nghệ - Môi trường (Công ty TNHH một thành viên MTĐT Đà Nẵng) tin tưởng: “Đây là tâm huyết của anh Phú. Dưới góc độ của người ứng dụng, tôi nghĩ là nếu có nỗ lực thì đây sẽ là giải pháp rất tốt, đem lại hiệu quả nhất định trong việc giảm thiểu mùi hôi tại các trạm trung chuyển của công ty - những điểm được lưu tâm của công ty, của thành phố”.
Kỹ sư Phú đã từng nghiên cứu thành công máy vận chuyển hạt rời bằng khí cho một nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên nội địa hóa dây chuyền công nghệ sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu cho một nhà máy ở Nghệ An theo công nghệ nước ngoài… Anh không chịu “bó tay” trước một vấn đề khoa học – công nghệ nào. Ít ai biết rằng anh đã từng chạy xe Honda cùng với cán bộ biệt động thành Phạm Kiều Đa từ Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân) xuống Đà Nẵng để ông Đa chỉ huy cắm cờ cách mạng trên nóc Tòa Thị chính. Lần đó, nhờ chẳng chịu “bó tay” mà hai anh em đã thoát chết trong gang tấc. Phú vẫn tham gia đều đặn những lần gặp mặt chiến sĩ biệt động thành năm xưa. Anh muốn được giữ mãi trong tim mình ngọn lửa nhiệt thành năm nào để làm hành trang vượt qua những thách thức trên bước đường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ