.

Thầy cô cũ

1- Có lẽ không ai không biết ngày 20 tháng 11 là ngày các nhà giáo, nghĩa là ngày tôn vinh các thầy các cô. Nhưng một cách nào đó, thì ngày này mang không khí ngày Tết của các cô cậu học trò. Nhìn các cô cậu học trò tíu tít gọi nhau, chờ nhau cùng tới thăm một thầy cô nào đấy, đường phố đầy hoa, đầy màu sắc của hồng, của cúc, của cẩm chướng, của ly ly, đầy những tiếng cười, những gương mặt rạng rỡ… những người lớn, những người làm cha làm mẹ cũng thấy vui lây.

Ngày hai đứa con của tôi còn bé cũng vậy. Cứ đến ngày 20 tháng 11 thì mình phải chịu một chút xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, hoặc giả lo lắng hồi hộp vì đã khuya vẫn chẳng thấy bóng dáng con mình về. Nhưng cả hai đứa con của tôi, cả thằng lớn và con bé sau này, và mấy đứa bạn thân của chúng, cứ nhất quyết chỉ đến thăm các thầy cô cũ. Nói gì thì nói, chúng không nghe, lập luận đi thăm thầy cô đang đứng lớp “thấy làm sao” ấy! Chúng kéo nhau đi từ mấy ngày trước. Càng lên lớp thì danh sách thầy cô chúng muốn đến thăm càng dài ra, những câu chuyện chúng kể càng thêm thú vị. Chúng bảo vui nhất là đến thăm các thầy cô “ngày xửa ngày xưa”, từ hồi lớp một lớp hai. Các thầy cô rất vui và rất… bất ngờ, kể vanh vách những tật xấu của những đứa học trò bé tí. Có bữa, cả bọn ở lại… nấu cơm rồi ăn, rồi rửa chén bát cho cô!...

2- Chị hàng xóm của tôi là bạn của vợ tôi. Tối-sáng, hai bà rủ nhau đi bộ, lâu ngày thành thân thiết với nhau. Cả vợ tôi và chị hàng xóm đều đã nghỉ hưu. Cách đây vài năm, chị là một cán bộ quân đội. Cô con gái của chị làm việc ở ngành ngân hàng, còn cậu con trai làm ở ngành công an. Anh con rể hình như cũng khá thành đạt ở một công ty nào đó. Một gia đình hòa thuận, nền nếp, một cuộc sống tương đối tĩnh lặng.
 
Các ngày 17, 18, 19, 20 tháng 11 và sau đó ít ngày nữa, cổng nhà chị hàng xóm của tôi luôn chật cứng xe đạp, xe máy của học trò. Trời mưa lạnh không ngăn cản nổi bước chân đầu xanh tuổi trẻ. Ở ngoài cổng thì ồn ào náo nhiệt, nhưng vô nhà thì đám học trò đi đứng ý tứ, nói năng nhỏ nhẹ. Chúng lần lượt từng đứa tới bàn thờ thắp hương cho thầy, người thầy đã từng dạy dỗ chúng, người thầy mà chúng kính trọng và yêu quý cách đây vài năm đã vĩnh viễn rời xa bục giảng sau một cơn đột quỵ…

Tôi nhìn sang nhà chị hàng xóm, nhìn các cô cậu học trò đã sắp thành người lớn. Và tôi biết trong một tương lai không xa, chúng là những người lớn sống có nghĩa có tình.

Trọng Dũng
;
.
.
.
.
.