Có người mua báo, đứng lấn sang phần đất của Bán rau. Bán rau bực tức quát Bán báo:
- Đấy, bảo người ta đứng sang bên kia đi. Đứng sang chỗ người ta bán hàng. Chưa sáng ra đã... hãm!
Mặt Bán báo hơi tai tái, tức khắc bảo khách đứng sang phần đất nhà mình. Miệng Bán báo lầm rầm chửi, có văng tục. Tổ sư! Lúc nào cũng càu cạu, ế chỏng chơ là đúng.
Trời đất sắp xếp trớ trêu thế nào, để cho Bán báo và Bán rau ở ngay sát nhau, nên va quệt nhau suốt ngày. Sểnh ra là cãi vã, xỉa xói, còn hơn đám hàng cá, hàng thịt.
Bán báo cả ngày chỉ thấy một mình. Đàn ông đàn ang trông hơi cũ cũ, nhưng có vẻ chịu khó. Anh thuê một gian nhà tầng một bán sách, còn phần vỉa hè bày một sạp báo. Khách xêm xêm đông. Bán rau người gốc miền Trung, giọng lanh lảnh, tóc dài, tay chân mập mạp, dáng người vâm vấp. Cô thuê được phần vỉa hè của một gia đình khá khẩm, sáng sớm ra chợ đầu mối cất rau các loại về, bán đến bảy giờ tối thì về nhà trọ, ở với đám phụ nữ buôn đồng nát, cách đó không xa. Phần vỉa hè của Bán báo và Bán rau sát nhau. Ghét nhau thậm tệ nhưng ngày nào cũng chạm mặt, thấy nhau là mặt mũi đã ưng lên. Chợ họp trên cả dãy phố hẹp, người cũng tấp nập cả ngày. Bán rau và Bán báo ở vào đoạn giữa của chợ. Lúc Bán báo có người ra người vào, đỗ xe trước cửa nhà, Bán rau điên tiết lắm. Xe gì mà để kềnh càng, chặn cả lối vào của khách mua rau. Nhất là những hôm báo chí có vụ gì “đánh đấm” hay ho, hoặc những vụ án giật gân, khách mua báo tíu tít. Chỉ có gian bán sách bên trong là ít người hỏi tới. Một phần vì nó khuất, một phần vì người dân đến những siêu thị sách lớn, dễ tìm được tất cả những thứ mình cần. Những lúc Bán báo đông khách, thường là Bán rau ngồi mốc meo, chả có ai ngó ngàng. Đôi mắt Bán rau liếc xéo, hậm hực rồi trách: “Báo với chí làm gì, rõ mệt. Đọc những cái chữ bé tí, mau chi chít, mỏi cả mắt. Giá cả thì leo thang, cứ giỏi chỉ đọc báo với sách mà không ăn rau vài ngày xem!”.
Nhưng cũng có lúc phía bên Bán rau khách khứa mua túi bụi mà chả có ma nào mua sách với báo. Bán báo ngồi ủ dột, ê ẩm mặt mày. Tiền thuê nhà và ông chủ là những thứ thật đáng sợ. Cả cái gian này, cái vỉa hè giăng báo để quảng cáo cho dân tình kia mỗi tháng cũng mất vài triệu, bằng cả chục cái chỗ thuê địa điểm của Bán rau ấy chứ. Chỗ này không tiện cho Bán sách báo. Người đi chợ chủ yếu nhanh chóng muốn mua thực phẩm về cho gia đình. Những ông mua báo chủ yếu là dân xung quanh ngại đi xa dừng lại. Chỗ dừng xe ở giữa chợ lại chật chội, ngại là đúng. Có những ngày Bán báo chỉ bán được chục tờ báo, còn sách thì không xuất được cuốn nào. Tiền lãi chỉ đủ mua một gói xôi buổi sáng, chứ đừng nói đến chuyện chi phí cho một ngày. Thấy dân tình chỉ mua rau, thịt, Bán báo bực bội rủa thầm: “Lười đọc thế này thì dân trí thấp là đúng. Cứ đâm đầu vào mua sắm để ăn uống cho no cái bụng. Rồi bụng đầy mỡ ra, sinh ra đủ thứ bệnh. Trong khi chỉ có vài nghìn lẻ một tờ báo thì chẳng chịu mua”.
Bán báo chợt lóe lên đầu một ít nghĩ: Bán kèm rau. Cứ chịu khó dậy sớm, ra chợ đầu mối mua thêm ít rau về bán kèm với báo. Đằng nào chả mất tiền thuê, tận dụng được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Còn sức trai, càng phải cố gắng nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ. Thiên hạ nó không đọc sách báo, thì kệ mẹ, cho họ ngu dốt hết. Không mở mang được tri thức, cho con cái họ đi làm đĩ, làm cướp. Rồi công an bắt bỏ tù. Sau đó báo chí sẽ có nhiều cái để đọc.
Nghĩ thế, Bán báo cho là mình có cách làm thật táo bạo, suýt hét lên vì sung sướng. Nhưng đúng vào cái ngày Bán báo rạo rực vì sáng kiến của mình, thì xảy ra chuyện. Bán rau hôm đó đắt hàng, đã nhập thêm rau muống và cải ngọt, lại có ít ngô lai. Quýnh quáng thế nào xe đạp rau của Bán rau đổ vào sạp báo của Bán báo. Bán báo điên tiết chửi. Bán rau chẳng những không xin lỗi, còn sửng cồ cãi lại, do nóng nảy mệt nhọc trong người. Bán báo bực bõ xông vào tát Bán rau một cái. Bốp! Bán rau rụng một cái răng, máu miệng tóe ra. Bán rau chẳng vừa. Sẵn có con dao cắt bí dưới chân, vớ luôn chém một nhát xượt vào cánh tay Bán báo, đoạn sát bả vai. Hai bên chuẩn bị tiếp tục xông vào nhau thì dân xung quanh, những người bán thịt, bán cá nhảy vào can. Người kéo Bán báo, kẻ kéo Bán rau. Dân chợ búa va chạm, cãi vã là thường. Nhưng người ta thật bất ngờ, là một cô bán rau trẻ, chưa chồng và một anh bán báo cô đơn lại làm ầm ĩ cả chợ. Và vì sao họ ghét nhau đến thế vẫn là một dấu hỏi.
Sau khi được khuyên nhủ, đôi bên bình tĩnh lại, ai nấy lại bắt tay vào công việc của mình. Trước đây, Bán báo và Bán rau cũng có một trận cãi nhau lớn nhưng chưa đến mức đổ máu. Đó là khi Bán báo đổ xô nước ra đường, làm dềnh lên chỗ của Bán rau đang khô ráo, khiến cô nàng tức điên. Cũng do người buôn bán cùng cảnh can ngăn mà sự việc được xoa dịu.
Từ hôm Bán rau chém vào cánh tay Bán báo thì không thấy Bán báo ra cửa hàng nữa. Thay vào đó là cô bé tên Thúy ngồi xe lăn, vẫn dạo qua lại chợ để ăn xin. Bán rau không hiểu chuyện gì đã xảy ra với Bán báo. Cô bỗng thấy mình thật ác, thật nhẫn tâm. Bên cạnh, bé Thúy ngồi xe lăn, không đi ăn xin nữa mà dùng lời lẽ của mình để bán báo:
- Các ông các bà, các cô các chú ơi, mua báo giúp con đi. Mua báo giúp con đi. Báo hôm nay có nhiều thông tin bổ ích. Có cả vụ cô...
Nhiều người tò mò, thấy cô bé mọi hôm đều đi xin, tự dưng ngồi bán báo. Một ông hỏi anh bán báo đi đâu. Thúy nói, cố ý cho mọi người cùng nghe:
- Chú ấy vào viện rồi. Chú ấy vừa bó vết thương ở cánh tay do bị ngã, vừa chữa bệnh. Hình như là vừa dạ dày, vừa thận nữa. Chú ấy là ân nhân của cháu mà, đã cưu mang cháu, cho cháu về ở cùng. Giờ chú ấy như thế, cháu thương quá. Các ông bà mua báo cho cháu đi.
Bán rau nghe rõ từng lời con bé nói. Lúc này cô thấy mình thật ác độc. Mình đã sai, sao không xin lỗi người ta, để người ta tát, lại còn chém người ta bị thương nữa. Tâm hồn Bán rau khô khan, bấy lâu chỉ biết đến rau cỏ, tiền bạc thì nay đã biết xúc động, thương cho Bán báo. Bán rau nghĩ, mình cộc lốc, khô khan, có phải là lý do chả có ai để ý. Mình bán rau, nhưng vẫn là con gái, thì ít nhất cũng phải có một người ngang hàng như thế để ý chứ! Nồi nào úp vung nấy mà. Có lẽ, phải bớt khô khan đi thôi. Hôm nay sẽ trích tiền ra mua quần áo mới.
Mấy hôm sau, Bán báo xuất hiện đến mở cửa, bày báo ra sạp. Trên vai anh ta vẫn còn băng, khuôn mặt tái nhợt nhạt. Bán báo nhìn thấy Bán rau, nhưng cô nàng không dám vênh váo nhìn sang như những lần trước. Bán báo nghĩ, chắc cô ta ân hận vì nhát chém. Rồi anh chợt ân hận, vì đã nóng nảy tát cô ta một cái quá đau.
Bán rau nhìn thấy bé Thúy ở bên Bán báo, cứ như hai bố con, trông có vẻ rất hạnh phúc. Mặt anh ta đâu có đến nỗi. Lại cưu mang bé Thúy, hẳn là người rất tốt bụng. Bán rau chợt thấy chạnh lòng, nhớ bố mẹ. Nhưng họ đã chết cách đây vài năm. Nhà có hai anh trai, nhưng đều là những kẻ nghe vợ, chỉ nghĩ cho bản thân, hắt hủi cô em gái duy nhất. Cô lang bạt kỳ hồ nhiều nơi, rồi về khu chợ này tìm chỗ thuê, bán rau sống qua ngày. Cuộc đời buồn bã, thiệt thòi và vất vả đã thắp lên khuôn mặt Bán rau những nét thô mộc, bụi bặm. Nhưng Bán rau cho rằng, mình không phải là đứa con gái quá kém nhan sắc. Biết ăn vận một chút, cũng xinh như ai.
Ngồi nghĩ rất nhiều, đến quên cả chuyện bán hàng, Bán rau bồn chồn, muốn làm một điều gì đó cho Bán báo, hay ít nhất, là nói một lời xin lỗi. Nhưng phải bắt đầu từ đâu đây. Quan sát Bán báo và bé Thúy, nhiều lần Bán rau định mở lời, nhưng cứ bị tắc. Rồi Bán rau cũng đứng lên, cầm một túi rau đã thủ sẵn, đến chỗ Bán báo:
- Em cất được mớ rau ngon, phần anh. Em xin lỗi về chuyện hôm trước.
Bán báo thực sự bất ngờ, miệng cứng đơ, lắp ba lắp bắp. Cuối cùng cũng nói được câu “Cảm ơn, không vấn đề gì đâu”.
Lần đầu tiên, người xung quanh thấy Bán báo và Bán rau nói chuyện và cười với nhau. Hôm đó, Bán báo mạnh dạn bảo Bán rau:
- Hay là, tôi đi bán rau, còn mình đi bán báo?
Bán rau nghển cổ lên:
- Eo, em đi bán báo, còn anh bán rau á? Sao thế được. Em chịu, chỉ biết bán rau cỏ thôi. Cái gì liên quan đến chữ, em sợ lắm.
Bán báo từ tốn:
- Ý anh là, chúng ta bán chung. Vừa bán rau, vừa bán báo. Kết hợp được thì tuyệt vời lắm. Dân người ta không chỉ cần ăn rau, mà cần phải đọc sách báo để có thông tin, giúp cho cuộc sống ý nghĩa hơn.
Bán rau cười, gật đầu. Tự nhiên thấy rất tin tưởng ở anh Bán báo có lòng nhân hậu. Từ hôm đó, hai người “rau - báo hợp bích”. Phụ nữ mua rau thường mua thêm báo cho chồng, đàn ông mua báo thì mua thêm rau cho vợ. Anh chị có vẻ ăn nên làm ra. Bán rau hỏi, thì biết Bán báo chưa hề có vợ, thậm chí chưa từng yêu. Cô nàng cười tít cả mắt. Thế là nồi đã có vung để úp.
Nguyễn Văn Học