.

Gian nan gửi con đi nhà trẻ

.
Rất nhiều phụ huynh có con từ 3 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi rất khó khăn khi đi tìm một nhà trẻ tương đối đủ chuẩn để có thể yên tâm gửi con.
 
Bên lý bên tình
 
Tôi có đứa cháu nội 4 tháng tuổi, tôi và mẹ nó loay hoay mãi không biết gửi đâu. Cháu còn nhỏ quá, gửi nó ở xa thì chở đi phải có người bồng bế, lại rất khó bảo đảm sức khỏe cho cháu. Đối diện nhà tôi có một chị giữ hai đứa trẻ, nhà cửa sạch sẽ, chị nuôi con cũng rất mát tay. Qua hỏi xin gửi cháu, may mà chị nhận, chứ chị mà từ chối là mình quáng gà, vì cả tôi và mẹ cháu đều phải đi làm. Gần, mình chạy qua chạy về cũng yên tâm.

Lời bộc bạch rất chân tình của một cán bộ công tác ở Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho thấy một nhu cầu rất chính đáng của những người có con mọn hiện nay: tìm nơi chọn mặt gửi... con.

Mô tả ảnh.
Nhanh chóng cấp phép cho những cơ sở tư thục đủ điều kiện để mở rộng cửa cho các cháu dưới 36 tháng tuổi. TRONG ẢNH: Sân chơi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Thần Đồng Việt.
 
Hiện nay, theo số liệu của Sở GD&ĐT thành phố, Đà Nẵng có 497 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (trước đây gọi là nhóm lớp gia đình), trong đó có 48 nhóm, lớp chưa được cấp phép hoạt động. Theo bà Lê Thị Lệ Yến, Trưởng phòng Mầm non (MN) - Sở GD&ĐT, đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi nó nằm trong ranh giới giữa nhóm lớp có tư cách pháp nhân và nhóm lớp giải quyết quan hệ gia đình, quan hệ hàng xóm. Ví như có đứa cháu, hằng ngày có bà chăm. Khi bà về quê 1 tuần chẳng hạn, phải đem gửi một nhà nào đó, họ giữ tự phát, vì mình có nhu cầu nên họ giữ (có khi mình phải xuống nước năn nỉ họ). Ranh giới giữa pháp lý và tình cảm là ở đó. Cũng có nơi nói là nhóm trẻ gia đình, tức là ông bà giữ cháu, nhưng thực tế họ kèm thêm một vài cháu không phải trong gia đình thì làm sao mình biết.

Sau sự cố một cháu 14 tháng tuổi bị sặc cháo dẫn đến tử vong tại một nhóm trẻ gia đình tự phát ở phường Hòa Cường Bắc, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động của các nhóm lớp chưa được cấp phép này. Và, mọi sự được cân nhắc giữa lý và tình.

Theo phân tích của bà Lệ Yến, thực tế, các nhóm lớp độc lập tư thục có tính tự phát, đối tượng làm công việc này là những ông bà, phụ nữ không có công ăn việc làm. Phụ huynh gửi con vào phần lớn là người lao động thu nhập thấp. Nay nắng, họ đi chợ, gửi cháu cho cô giữ; mai mưa, họ ở nhà, không gửi cháu. Nếu đòi hỏi các nhóm lớp này phải bảo đảm yêu cầu về đội ngũ bảo mẫu và cơ sở vật chất thì khó. Thêm vào đó, đối với UBND các xã, phường (cơ quan trực tiếp cấp quyết định hoạt động cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục), thì việc cho các nhóm lớp đó hoạt động cũng là hình thức tạo công ăn việc làm mang tính an dân, nên cũng không mấy khắt khe.

Một lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, qua các lần đi kiểm tra, có nhóm lớp họ nói: “Chừ các cô không cho tui giữ, tui sẵn sàng kêu phụ huynh tới để trả cháu. Nhưng rồi các cô sẽ thấy phụ huynh họ khóc lên khóc xuống như thế nào”.

An dân hơn cho người dân

Theo quy định, nhà trẻ nhận cháu từ 3 tháng đến dưới 36 tháng tuổi; trường mẫu giáo nhận trẻ từ 36 tháng đến 72 tháng tuổi. Trường MN kết hợp cả nhà trẻ lẫn mẫu giáo, nhưng thực tế chỉ nhận trẻ có tuổi thấp nhất là 18 tháng. Vì sao? Bà Nguyễn Thị Như Quỳ, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, loại hình nhà trẻ cần bảo mẫu nhiều hơn: trẻ 4 tháng tuổi mỗi trẻ 1 cô; trẻ 6 tháng tuổi 3 trẻ 1 cô, mỗi phòng chỉ được nhận tối đa là 4 cháu. Nhà trẻ đúng chuẩn phải đủ các phòng: ăn, ngủ, chơi, chăm sóc trẻ mệt, mẹ cho con bú... Thế nhưng, học phí công lập đối với nhà trẻ hiện nay ở Hải Châu theo quy định là 90 nghìn đồng/tháng/cháu (các quận, huyện khác thấp hơn). Đầu tư nhiều mà hiệu quả kinh tế ít, thời buổi kinh tế thị trường này chẳng ai đủ can đảm mở nhà trẻ!

Trước đây, nội thành Đà Nẵng từng có một số nhà trẻ đúng nghĩa như Tiên Sa, 20-10. Ở quận Liên Chiểu có Trường MN Hoa Hồng của Công ty Vật tư Đường sắt, trước nhận trẻ từ 4 tháng tuổi, nay chỉ nhận trẻ từ 15 tháng tuổi. Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, nhà trẻ đang là nhu cầu bức xúc ở những địa bàn đông công nhân như Liên Chiểu. Khu công nghiệp Hòa Khánh đang hình thành tự phát các nhóm lớp độc lập tư thục, nếu kiểm tra thấy đủ điều kiện, Phòng sẽ đề nghị UBND phường cấp quyết định cho các cơ sở này hoạt động.

Ông Nghĩa khẳng định: “Chúng tôi xem trường MN công lập là “cánh tay nối dài” của Phòng về các nhóm lớp độc lập tư thục. Mỗi khi tổ chức chuyên đề toàn quận tại một trường MN công lập nào đó đăng cai thì cũng mời các nhóm lớp này, coi như một lớp của trường cũng phát tài liệu, giáo án. Các trường tuy không trả lương, không đầu tư trang thiết bị cho các nhóm lớp này, nhưng phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, quản lý, bồi dưỡng chuyên môn cho họ. Làm thế nào đó để phụ huynh yên tâm khi gửi trẻ, tránh những sự cố đáng tiếc”.

Thực tế, một số nhóm lớp độc lập tư thục hiện đang tồn tại “lơ lửng” giữa hai hoại hình nhóm lớp và trường. Do có uy tín, có đầu tư về cơ sở vật chất, một số nhóm lớp được phụ huynh gửi cháu ngày một đông. Ở Hải Châu, bà Như Quỳ đơn cử như cơ sở Thần Đồng Việt ở địa chỉ 30/14 Trần Phú, mở từ tháng 10-2009, lúc đầu chỉ 5 cháu, phụ huynh truyền miệng với nhau nên các lớp cứ đông dần. Hiện nay đã trên 100 cháu, cơ sở sạch đẹp, khang trang, các phòng đều có gắn camera để phụ huynh ở đâu cũng có thể theo dõi trên mạng. Cơ sở đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để xin “lên” trường MN. Cô Nguyễn Thị Cẩm Hà, phụ trách cơ sở Thần Đồng Việt, đề nghị: “Các cháu ở nhà trẻ thì đến 36 tháng tuổi phải chuyển lên trường mẫu giáo, điều này là bất cập đối với phụ huynh và các cháu. Nên chăng, những cơ sở hội đủ điều kiện thì xây dựng trường MN, để các cháu học liền một mạch tại một trường”.

Phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, theo cô Trịnh Thị Thu Tâm, Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương, hiện có 3 nhóm lớp có sĩ số trên 100 cháu chưa đủ điều kiện “lên” trường. UBND phường và Phòng GD&ĐT quận thống nhất là để yên trong năm học này, nếu năm sau không “lên” trường được thì phải ‘xuống” nhóm lớp độc lập tư thục theo quy định là không quá 50 cháu. Số cháu dôi ra, sẽ về Trường Hướng Dương và các trường tư thục trên địa bàn, nhưng nhiều phụ huynh có thu nhập thấp hiện đang lo lắng vì học phí ở các trường tư thục quá cao.

Làm sao để phụ huynh có con trong độ tuổi đi nhà trẻ sẽ không còn phải lo xa lo gần? Thiết nghĩ, những cơ sở tư thục nào đủ điều kiện “lên” trường thì nên cấp phép để cả cô lẫn phụ huynh đều yên tâm, như ý kiến của bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố: “Mong muốn thành phố đầu tư hơn cho ngành MN, để bên cạnh trường công lập, chúng ta có các nhóm lớp độc lập tư thục để giúp cho phụ huynh có con từ 3 tháng tuổi không phải gian nan đi tìm nhà trẻ”.
 
Văn Thành Lê
;
.
.
.
.
.