.
Chuyện xưa xứ Quảng

Du Nghĩa, ly hương bất ly tổ

.
Theo gia phả các tộc Nguyễn, Võ, Phan, Mai và tài liệu còn l­ưu lại ở làng thì tổ tiên làng Du Nghĩa (nay thuộc tổ 8, thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nguyên quán ở tỉnh Nghệ An. Vào năm Đinh Mão (1649), các vị này đã cùng nhau Nam tiến vào vùng Thuận Quảng để tìm đất khai hoang, lập nghiệp. 

Mô tả ảnh.
Nhà thờ Tiền hiền làng Du Nghĩa.
 
Khi đến một vùng đất mới, các vị nhận thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, địa thế thuận lợi nên tiến hành xây dựng cơ nghiệp để tính chuyện m­ưu sinh cho hậu thế về sau. Các vị đã quy dân lập ấp, lập làng xã, khai điền khẩn thổ và dạy ngư­ời dân làm nghề nông. Nhiều thế hệ sau, con cháu các họ tộc nơi này đã góp công, góp của tạo dựng nên nhà thờ thờ các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai canh, lập nên xã hiệu Du Nghĩa vào năm Cảnh Hư­ng thứ 25 (1764) triều vua Lê Hiển Tông. Ban đầu, ngôi nhà thờ được dựng tạm trên vùng đất vườn xóm Hư­ng Nghĩa, do gặp phải thiên tai hư­ hỏng nên phải tái tạo nhiều lần.

Ngày 6 tháng 3 năm Cảnh H­ưng thứ 42 (1781), nhân dân làng Du Nghĩa đã làm đơn xin cải đổi xã hiệu thành Ông Vời, thuộc huyện Lễ Dư­ơng, phủ Thăng Ba (còn đọc là Thăng Hoa – ĐNCT), trấn Quảng Nam. Đến năm Gia Long thứ nhất (1802), lại đổi tên thành xã Du Nghĩa, tổng Hư­ng Thạnh, phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, xã Du Nghĩa hợp chung với xã Đông Tác thành xã Đông Nghĩa. Đến năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ đư­ợc ký kết, xã Đông Nghĩa đ­ược đổi tên thành xã Bình Đông, đến 1956 sáp nhập với các xã thuộc tổng An Thái thành xã Bình Nam...

Mô tả ảnh.
Một trong hai tấm bảng gỗ khắc tên người đóng góp xây dựng nhà thờ vào năm Thành Thái thứ mười bảy (1905).
Đến năm 1973, nhà thờ tiền hiền và đình làng Du Nghĩa bị xuống cấp một cách trầm trọng nên lại một lần nữa đ­ược trùng tu, tôn tạo do cụ Nguyễn Toàn làm trưởng ban.

Đến giữa năm 2006, do tác động của thời gian, thiên tai và chiến tranh nên nhà thờ bị xuống cấp và hư­ hỏng một số cấu kiện, nhân dân làng Du Nghĩa lại đóng góp và vận động con cháu gần xa chung tay nhau xây dựng lại ngôi nhà thờ mới trên nền ngôi nhà thờ cũ. Ngày 2-9-2007, công trình mới được khánh thành sau một năm thi công.

Ngày nay, nếu ai có dịp về Du Nghĩa sẽ được các vị cao niên trong làng tự hào kể về truyền thống lập làng giữ nước, được các vị đưa đến thăm ngôi nhà thờ tiền hiền mới vừa đ­ược trùng tu theo nguyên kiến trúc xưa trên nền móng cũ. Bên trong nhà thờ vẫn còn 2 tấm bảng bằng gỗ khắc chữ Hán ghi lại công đức của con cháu các tộc họ trong quá trình đóng góp xây dựng nhà thờ vào năm Thành Thái thứ mười bảy (1905).

Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên tai, chiến tranh loạn lạc, buộc lòng kẻ ở ngư­ời đi, thế như­ng dân làng Du Nghĩa vẫn đồng thuận một lòng nhớ về tổ tiên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, “ly h­ương bất ly tổ”. Trong tâm thức của người dân nơi đây thì làng vẫn luôn là nơi hội tụ con cháu gần xa trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là nơi ngưỡng vọng tổ tiên và mang lại niềm tin về nghĩa tình keo sơn gắn bó cho nhiều thế hệ cháu con các họ tộc trong làng.

Chính vì thế mà hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, con cháu ch­ư tộc phái của làng Du Nghĩa sắp xếp công việc, tranh thủ về nhà thờ Tiền hiền làng thắp nén h­ương để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khẩn hoang, khai phá, lập làng năm xư­a. Mong sao truyền thống tốt đẹp này vẫn đ­ược con cháu sau này gìn giữ và mãi mãi in sâu trong ký ức của mỗi ng­ười dân làng Du Nghĩa.

Vào năm Thành Thái thứ mười bảy (1905), bà mẹ và mấy anh em ông Võ Văn Duy (lý tr­ưởng của làng lúc bấy giờ) đã cúng cho làng 3 sào đất tọa lạc tại xứ Ông Vời để làng xây dựng nhà thờ thờ các vị tiền hiền, hậu hiền. Đến năm Bảo Đại thứ bảy (1932), nhà thờ xuống cấp nên dân làng đã dày công xây dựng, tái thiết một lần nữa cho tương đối khang trang. Trong những năm 1938-1945, nhà thờ đ­ược dùng làm nơi dạy học do ông Võ Văn Thái (Trưởng ty Tiểu học Quảng Nam lúc bấy giờ) tổ chức. Trong kháng chiến chống Pháp nơi đây còn là nơi hội họp bí mật của chính quyền thôn xã.
 
Mai Hồng Lâm
;
.
.
.
.
.