Ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, có một địa điểm khá nổi tiếng. Đó là Hà Kiều - một cây cầu bắc ngang qua bàu sen. Bàu sen lại có tên chữ là Hà Trì. “Hà” [荷] có bộ thảo ở trên cùng, nghĩa là cây sen. Còn “trì”[池] nghĩa là ao, hồ. Nôm na là bàu nước có sen.
Tương truyền, xưa kia, ở làng Hà Lam có một khe nước chảy, có sen mọc ở dưới khe, nên khe có tên chữ là Hà Khê. Ngoài chữ “Hà” như đã nói thì chữ “Khê” có nghĩa là khe nước. Khe nước này ngăn cách hai ấp là ấp Trung và ấp Thị, có bắc một cây cầu bằng tre ngang qua, trông rất đơn sơ, giản dị. Thế cho nên trong tấm bia Hà Kiều có khắc dòng chữ “Ngô hương Hà Khê hữu kiều cổ hỷ” (Khe Sen làng ta ngày xưa có một cây cầu). Và, xung quanh Hà Kiều có sự tích khá hấp dẫn và lý thú.
Nguyên hồi nửa sau thế kỷ XIX, ở làng Thăng Bình có hai nhân vật nổi tiếng. Đó là cụ Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 -1911) và cụ Sơn Phòng Nguyễn Tạo. Từ nhỏ, hai cụ đã nổi tiếng học giỏi. Lớn lên, khi đi thi, hai cụ đều đỗ đạt cao, làm rạng danh làng xóm. Trong lúc cụ Nguyễn Tạo đỗ cử nhân thì cụ Nguyễn Thuật đỗ phó bảng. Cả hai được ra làm quan trải qua nhiều đời vua... Trong đó, cụ Hà Đình Nguyễn Thuật làm đến chức Đông Các Đại học sĩ, một chức vụ được xem như tứ trụ của triều đình Huế. Tuy làm quan lớn, nhưng với quê hương, hai cụ cũng rất có nghĩa với bà con, làng xóm. Tương truyền, cả hai cụ là những người khởi xướng, vận động bà con xây dựng công trình thủy lợi, dẫn nước tưới cho đồng ruộng, xây cầu khá chắc chắn để nhân dân dễ dàng qua lại.
Nguyên thời trước, để trồng lúa, người dân Hà Lam phải lấy nước ở khe nước tự nhiên chảy qua làng. Đó là Hà Khê. Nhưng nước khe làm sao đủ để tưới, nhất là trong những năm hạn hán? Không có nước, họ đành đứng nhìn cây lúa héo dần, chết dần. Hiểu được tình cảnh của dân làng, các cụ mới khởi xướng đào khe sâu và rộng để dẫn nước từ sông Ly Ly vào, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dân làng ai nấy đều hăng hái tham gia. Kẻ góp sức, người góp công. Chẳng bao lâu sau, từ khe nước nhỏ có tên Hà Khê, khe đã biến thành bàu, tên chữ là Hà Trì, tức bàu sen. Gọi là bàu nhưng bàu này khá dài, lại uốn lượn thành chín khúc, nên người xưa còn gọi là cửu khúc Hà Trì. Từ khi công trình đào khe Hà Khê hoàn thành, nước từ sông Ly Ly chảy vào nhiều, tạo điều kiện cho người dân đưa nước vào đồng ruộng, góp phần cứu lúa, nhất là những năm khô hạn.
Bên cạnh việc vận động nhân dân xây dựng công trình thủy lợi, các cụ còn vận động nhân dân xây cầu. Theo tài liệu còn lưu lại thì vào năm Thành Thái thứ hai, tức năm 1890, cụ Sơn Phòng Nguyễn Tạo và cụ Hà Đình Nguyễn Thuật đề xướng lạc quyên để xây dựng lại cây cầu bắc ngang qua ấp Trung và ấp Thị. Nguyên cầu cũ là cầu tre, rất tạm bợ, lại xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân qua lại, đặc biệt trong mùa mưa bão. Cây cầu mới có ba nhịp, được xây dựng khá chắc chắn, xây cuốn, ở giữa lót ván nên có tên là cầu Ván. Cũng từ đó, danh xưng Hà Kiều mới được hình thành. Đặc biệt, cụ Sơn Phòng Nguyễn Tảo đã góp tổng cộng 300 quan tiền, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ để xây dựng công trình thủy lợi ở Hà Trì và bắc cầu Hà Kiều.
Hiện nay, cầu gỗ Hà Kiều không còn. Thay vào đó là chiếc cầu xi-măng khá vững chắc. Tuy nhiên, ở Hà Kiều vẫn còn lưu lại di tích quý là tấm bia được lập thời Thành Thái thứ mười hai, tức năm 1900. Bia nói về việc làm cầu, ghi lại công sức đóng góp của bà con, làng xóm, như ghi lại một dấu ấn lịch sử. Và, cũng cần chú ý, theo các bô lão làng Hà Lam, thời xưa, nhà cụ Hà Đình Nguyễn Thuật, còn gọi là cụ Thượng Hà Đình, một danh nhân nổi tiếng của xứ Quảng, quay hướng ra cầu. Cổng nhà xây khang trang cổ kính, bên bờ có hàng trúc ngày ngày soi bóng xuống bàu sen. Trước cảnh đẹp Hà Kiều, sinh thời, cụ Hà Đình có sáng tác hai câu thơ “Thập lý hà phong hương bất đoạn/ Bản kiều tây bạn thị ngô gia”. Nghĩa là “Mười dặm hương sen mùi còn thoảng/ Bờ tây cầu ván ấy nhà ta”. Thế cho nên, xưa, theo cách nói dân gian, người ta thường gọi bàu sen Hà Trì là bàu cụ Thượng. Cụ Thượng ở đây là cụ Thượng Hà Đình!
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT