.

Sinh kế cho phụ nữ nghèo

Báo Đà Nẵng số ra ngày 5-1-2011 có bài viết của tác giả Toàn Vân, bàn về những điều “ngoài kịch bản” -  chính quyền thành phố quan tâm đến cuộc sống của hơn hàng ngàn phụ nữ đơn thân…

Bài báo cho biết một thực tế thật xúc động: Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 3.000 phụ nữ đơn thân – một con số không hề nhỏ so với số lượng vài chục ngàn phụ nữ có gia đình. Đó là những người mẹ, người bà, do rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải sống đơn thân (không có chồng) nhưng vẫn phải đảm đang chức năng, bổn phận của người chủ gia đình, phần lớn phải nuôi từ một đến ba đứa con hoặc phải nuôi thêm những người thân là cha, mẹ, anh, em bị tàn tật, bị các chứng bệnh nan y hành hạ. Những mảnh đời khốn khó của hàng ngàn người phụ nữ ấy chỉ được biết đến khi chính quyền thành phố tìm mọi biện pháp để hỗ trợ trên 400 phương tiện sinh kế cho những người phụ nữ khốn khó nhất, từ đó giúp họ có cơ hội để vươn lên, thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố nói chung, đặc biệt là các Hội Phụ nữ phường, xã đã tận tình giúp đỡ cho 250 hộ nghèo vay số tiền 622 triệu đồng để tạo dựng sinh kế, làm mới cuộc đời. Chị Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết có những mảnh đời thật cô quạnh, xót xa – nhất là 39 chị em đặc biệt nghèo, có ít nhất 3 đứa con, được các tổ chức xã hội và bà con láng giềng tận tình động viên, sẻ chia.

Những thân phận như chị Tuyết (tổ 52, Đa Phước, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu), chị Thủy (130, Huỳnh Ngọc Huệ, Thanh Khê) không phải là ít: Họ vừa mắc bệnh hiểm nghèo lại vừa phải bươn bả vượt qua mọi vất vả để nuôi con cái, người thân. Nếu làm một con số thống kê về những mảnh đời tương tự trên cả nước thì chắc chắn có đến hàng vạn người phụ nữ đơn thân cần được cộng đồng, xã hội giúp đỡ. Tất nhiên, mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cũng mới chỉ giúp đỡ được cho hơn 10% phụ nữ thật sự khó khăn.

Rất cần sự quan tâm hơn nữa, sự chung tay, góp sức của cộng đồng, tổ chức toàn thành phố. Ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội của “đáp án ngoài kịch bản” này là rất lớn: Nếu chúng ta hình dung rằng, hơn 3.000 phụ nữ với nhiều ngàn đứa con, nếu được chăm sóc, giúp đỡ chu đáo hơn thì sẽ tạo được những hệ quả tích cực nhiều chiều về an sinh xã hội, về sự lành mạnh của văn hóa sống, về sự phát triển bền vững của toàn thành phố…

Rất mong mỏi các cơ quan chức năng như ngành Thương binh xã hội, Hội LHPN, UBND các cấp quan tâm hơn, có nhiều biện pháp sát thực hơn nhằm tạo điều kiện tốt nhất trong những phạm vi có thể để thay đổi, hỗ trợ cuộc sống cho hàng ngàn phụ nữ đơn thân. Người phụ nữ luôn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn. Những người phụ nữ đơn thân còn khó khăn hơn gấp bội phần những người phụ nữ có gia đình êm ấm, bình thường. Nếu hiểu rõ điều đó thì sự quan tâm chăm sóc của mỗi chúng ta sẽ ấm áp hơn nhiều lắm và thật là chan chứa yêu thương, mát đậm tình người…

Tô Vĩnh Hà

;
.
.
.
.
.