Gia đình chị không khá giả gì. Anh là kế toán ngân hàng, chị là giáo viên một trường THCS. Chưa có điều kiện theo các tour du lịch Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, nhưng mỗi mùa hè gia đình chị cũng được đi ngắm biển Cửa Lò, Nha Trang, rừng thông Tam Đảo, Đà Lạt… Một thời gian sau, chồng chị thành kế toán trưởng, rồi phó giám đốc kinh doanh. Từ đó, thu nhập gia đình không phải đếm vài ba nghìn lẻ mỗi khi ra chợ.
Rồi chị sinh đứa con thứ hai, thuê một cô bé chất phác từ nông thôn ra giúp việc. Nhưng chỉ được hai tháng là nó tìm đường biến mất cùng với gói tiền để sâu trong ngăn kéo. Người thứ hai, đã có tuổi. Tuy chậm chạp, vụng về nhưng chắc là thực thà. Nhưng cái vụng về của người luống tuổi nhanh chóng trở thành nỗi bực mình. Rau muống mua về, bà chẳng cần ngắt tỉa từng cọng mà dùng ngay con dao tiện đôi, phần dưới rễ già vất đi, phần trên ném vào xô, khoắng vài nước là cho vào nồi. Gắng đến mấy cũng không sao nuốt được. Gạo không cần nhặt nhạnh, không cần vò kỹ, chỉ vài lượt chao tay là cho vào nấu. Khổ một nỗi, nồi cơm điện, lúc nhớ thì bật, lúc quên thì để đó, đến bữa mở vung, cùng nhìn nồi gạo lềnh bềnh đầy ắp nước. Đành cho mấy gói mì, tưới nước sôi ăn tạm… Chớm đông, bà cảm mạo bất thần, đành thuê người đưa bà đi viện. Sau vụ đó, vợ chồng quyết định trả bà về quê luôn. Chồng chị nói:
- Mình nghỉ việc đi. Chừng nào con lớn, tính sau. Chi phí cho một người giúp việc còn hơn cả lương mình đi làm. Chi bằng ở nhà lo cơm nước.
Nghe anh khuyên giải, cả tháng trời chị trằn trọc, suy nghĩ. Với chị, đi làm không đơn giản là có tiền để sống. Chị yêu học sinh, yêu công việc. Nhưng cuối cùng chị cũng đành xuôi theo. Của chồng, công vợ. Anh đã nói vậy rồi, còn băn khoăn gì nữa.
Khi không còn đi làm nữa, chị bỗng thấy mình là kẻ phụ thuộc. Tâm trạng ấy ngày càng lớn dần lên,
không cách gì xua đi được.
Anh chồng đúng ngày, tháng để tiền chi tiêu cho gia đình khá dồi dào trong ngăn tủ. Anh khoe trúng đậm trên sàn chứng khoán, chị lại nghĩ phận mình, trúng cái gì đây ngoài đống quần áo của bố con anh vất bừa bãi khắp nhà. Anh phấn chấn vừa được duyệt xong dự án, chị chợt nghĩ phần mình, chả có việc gì để phải bóp trán, thức đêm tính kế ngoài hai bữa cơm cho chồng con. Có khi nửa đêm bia rượu trở về, lo cho anh cốc nước ấm, khuyên anh đôi lời là anh như tỉnh rượu, dằn từng câu:
- Tôi vất vả cả tháng, cả năm, cả đời, chẳng nhẽ không có lấy một vài ly bia sao. Hóa ra thân này kiếm tiền chỉ để đưa về cho vợ con?
Chị không bận ư? Nhưng kể được gì với anh. Hai bữa cơm xoàng ư? Đi chợ buổi sáng? Tiếp đãi khách của chồng, của công ty? Chăm con mỗi tối, giắt màn cho con khi nửa đêm? Toàn những chuyện vặt, không đáng coi là việc, chẳng thêm thắt được mảy may đồng tiền nào. Chị đành im lặng.
Tỉnh cơn say, anh lại tỏ bày, xin lỗi. Những ngày bầm dập, căng thẳng. Những báo cáo, những số liệu, những chạy chọt, nhẫn nhục… chị không sống trong trận đồ bát quái ấy, nhưng chị hiểu và thông cảm. Vợ chồng, cũng có lúc nặng nhẹ, là sự thường. Những lúc như vậy, chị lại thấy thương anh và nghĩ, mình thật vô tích sự. Từ đó chị sống lặng lẽ, làm mọi việc như bổn phận. Một hôm anh đi làm về hoan hỉ, lấy từ cặp ra một gói tiền lớn:
- Tiền tháng anh đã lo xong hôm trước rồi. Còn khoản này, thưởng riêng em đấy. Muốn tiêu gì, tùy thích, nghe cưng. Em chịu khó chăm việc nhà như bấy lâu nay, anh trúng đậm, sẽ thưởng đậm.
Chị buột miệng nhìn anh:
- Hóa ra em là người làm công trong nhà anh từ hồi nào vậy. Việc em, em có bổn phận làm, thưởng cho em… anh là ông chủ hay sao?
Chị nói xong, cố gượng cười rồi ra sau nhà. Chị không muốn nghe anh giãi bày dài dòng. Mỗi lời anh nói, lúc nhỏ to, cao thấp càng làm cho chị cảm thấy xa lạ, lạc lõng. Nhưng chị đã nghĩ kỹ rồi. Con nhỏ đã gần hai tuổi, đi trẻ là phải. Cậu cả, nay cũng đã vào lớp một. Ít bữa nữa, vào năm học chị tiếp tục đi dạy. Cách đây một tuần chị đã có một buổi chuyện trò với hiệu trưởng. Không ngờ chưa nghe hết câu chuyện chị ấy đã hiểu. Chị bảo, chính chị cũng đã trải qua tâm trạng đó.
Nhưng điều lúng túng nhất với chị là sẽ bắt đầu câu chuyện này như thế nào để tránh ầm ĩ, to chuyện. Bởi chị hiểu, anh hoàn toàn không có lỗi gì.
NGUYÊN PHƯỚC