.

Đọc truyện ngắn Paustovsky...

.
Vào những ngày se lạnh này, đọc lại tập truyện Bông hồng vàng & Bình minh mưa của Paustovsky do Nhà xuất bản Văn học tái bản thật đẹp, bỗng thấy người như lãng đãng chìm trong một thế giới khác - Thế giới của thiên nhiên Nga, con người Nga - Xô Viết những năm chiến tranh.

Mô tả ảnh.
Dường như không có một truyện ngắn nào của Paus lại không có một vài đoạn tả cảnh. Bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và cách gọt giũa tỉ mỉ từng con chữ, nhà văn làm cho vạn vật có lúc như bừng sáng, có lúc như xám ngắt… Một cơn gió lạnh… Một góc vườn thanh tịnh… Một sân ga về đêm vắng lặng đến nao lòng… Bến sông thoang thoảng mùi vỏ cây… Đọc văn tả cảnh của Paus, có lúc tôi mường tượng ẩm ướt những sương, mưa lạnh và tuyết; đôi khi lại thấy lấp lánh nắng vàng, gió lướt thướt và bầu trời trong veo.

Truyện ngắn của Paus thường lấy bối cảnh tỉnh lẻ. Những gì đậm chất Nga nhất đều có thể tìm ở đó: Căn nhà gỗ bên bìa rừng bạch dương trắng, tiếng rìu bổ củi, ấm trà xamova với những thỏi đường vuông vắn trên tấm khăn trải bàn sạch sẽ, con mèo Arkhip nằm cuộn mình trên ghế, người già nằm gần lò sưởi và hút tẩu thuốc… Tuyệt nhất là cảnh vườn nhà: “Một cánh cửa kính để mở. Bên ngoài cánh cửa, đằng sau những chậu thu hải đường, một bụi tử đinh hương ướt nước mưa lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt từ trong phòng lọt qua cửa kính. Mưa bụi thì thào trong bóng tối…” (Bình mình mưa).

Nhiều truyện ngắn của Paus xảy ra trong thời chiến mà sao lãng mạn thế. “Tuyết”, “Bức thư”… xoay quanh tình tiết gặp gỡ tình cờ giữa người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô và một thiếu phụ Nga. Sự gặp nhau trong gấp gáp, trong khắc nghiệt của chiến tranh khiến con người dễ cảm nhau hơn, dễ quyến luyến và trân trọng hơn những ấn tượng, cảm xúc dồn nén về thời gian. Có cái gì dùng dằng, níu kéo mà cả hai không cắt nghĩa được. Tác giả chỉ để mọi chuyện như thế sau những lời buông lửng, và thêm những dòng miêu tả cảnh làm kết, cho người đọc nhấm nháp cảm giác ngọt ngào lẫn tiếc nuối về một cái kết không trọn vẹn.

Một số truyện ngắn của Paus không có cốt truyện rõ rệt, nhưng chúng gieo vào lòng người niềm khát khao tình yêu cuộc sống. Cô bé Varusa ngây thơ tin rằng chiếc nhẫn bằng thép xinh xắn của chú Hồng quân tặng sẽ làm cho cụ Kuzma khỏe lại, và nó còn đem lại cho em những điều kỳ diệu. Như khi Varusa ngây ngất trong tiết trời xuân sang và tự nhủ: Không nơi đâu trên thế gian này đẹp bằng quê hương mình: “Ai vừa đi qua nhỉ? Thế mà mình không nhìn thấy”. Varusa nghĩ. Em không biết rằng mùa xuân vừa lướt qua mình.
 
Tôi yêu văn Paustovsky vì trong đó hiển hiện một góc trời Nga thân thiết mà tôi từng gắn bó. Tôi nao lòng khi đọc truyện ngắn Paus vì chúng cho tôi đi ngược dòng thời gian để sống với bao kỷ niệm của nước Nga xưa, để nhớ về một thời say mê học tiếng Nga, văn học Nga. Tôi xúc động vì văn của Paus giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn tính cách Nga, tâm hồn Nga. Và có lẽ rồi đây, mỗi khi tiết trời se lạnh, tôi lại giở tập truyện “Bình minh mưa” để tìm lại hình ảnh mùa đông băng giá trong ký ức cho lòng ấm áp hơn.
 
NHƯ NGỌC
;
.
.
.
.
.