Francesca Esposito, 29 tuổi đã có bước khởi đầu sự nghiệp “kiện tụng” rất tốt đẹp khi cô giúp thân chủ của mình giành thắng lợi trong nhiều vụ kiện. Nhưng đó chỉ là công việc khi cô làm trong tư cách của một luật sư thực tập không được trả lương trong suốt thời gian dài ở Lecce (Ý).
Esposito là mẫu thanh niên thành công trên con đường học vấn ở Ý. Cô là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học và học ngoại ngữ. Cô có bằng luật của Ý, bằng thạc sĩ của Đức và từng là giáo sinh tại Tòa án tư pháp châu Âu đặt tại Luxembourg. “Tôi có tất cả các giấy chứng nhận bằng cấp. Tôi có mọi thứ, ngoại trừ giấy chứng tử”, Esposito tức giận nói trong lúc mòn mỏi tìm kiếm việc làm.
Tức nước vỡ bờ! Không phải Esposito là trường hợp cá biệt mà rất nhiều người trong giới trẻ châu Âu được học hành “đến nơi đến chốn” có cảm giác như cánh cửa tương lai đã đóng sập trước mặt họ. Thanh niên Ý và Hy Lạp thể hiện sự tức giận trong vài tuần gần đây bằng những hành động biểu tình phản đối Chính phủ ngay trên đường phố. Các chuyên gia cảnh báo về sự biến động tài chính và xã hội ngày càng rộng mở hơn cộng với việc thế hệ trẻ được đào tạo tốt hơn, đông hơn có thể làm cho thị trường việc làm châu Âu trở nên chật hẹp, tồi tệ hơn.
Các chính trị gia cũng dần dần chú ý hơn tới tình trạng thất nghiệp, nhất là giới trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên tới mức 40%, ở Ý là 25%... Tổng thống Ý Giorgio Napolitano đã nói về tình trạng bức bối khó chịu của giới trẻ ngày một lan rộng, nhất là sau khi quyết định cắt giảm ngân sách cho hệ thống trường đại học. Giuliano Amato là một nhà kinh tế và là cựu Thủ tướng Ý thẳng thắn nhìn nhận đến bây giờ vẫn chỉ có vài người hiểu rằng giới trẻ phản đối không phải chương trình cải cách đại học mà phản đối thế hệ cha anh đã “ăn” tương lai của họ.
Thậm chí trước khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, Nam Âu không phải là nơi dễ dàng để tìm kiếm một việc làm. Tăng trưởng chậm và không có chính sách tốt để thu hút nhân tài nên rất khó để tìm việc làm ở Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Ngày nay, cuộc khủng hoảng dai dẳng càng làm cho khả năng tìm kiếm việc làm trở nên ít hơn, giới trẻ khó mà “lấn chỗ” của người đi trước, nhất là khi nhiều nước quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. Kết quả, tình trạng bất mãn ăn sâu vào lớp trẻ. Một số xuống đường phản đối, số khác chuyển sang Bắc Âu sinh sống.
Cô Herrera Gomez, 33 tuổi có bằng tiến sĩ văn học vẫn còn sống nhờ cha mẹ ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vì không có việc làm đã nhận định “Chúng tôi là thế hệ vứt đi”. Ở Tây Ban Nha, những sinh viên tốt nghiệp loại ưu ra trường chỉ kiếm được việc làm với mức lương từ 1.000 tới 1.300 USD/tháng. Gomez quyết định đến Costa Rica dạy tại một trường đại học. Nhiều chuyên gia nhận định về khả năng mất cân bằng nhân khẩu ở Nam Âu vì tỷ lệ sinh sẽ thấp nhất lục địa, người già làm việc lâu hơn và người trẻ có việc làm trễ hơn. Họ di cư tìm việc làm và thu nhập thấp nên không dám sinh con.
ANH THƯ