.

Xây dựng văn hóa Đảng hiện nay

Trong nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, Đảng ta khẳng định: Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội. Tạo nên sự phát triển biện chứng, đồng bộ của ba lĩnh vực này chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
 
Khi đã thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa sẽ thẩm thấu vào kinh tế và thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, nó sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện văn hóa Đảng, cũng như xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Là người lãnh đạo, chỉ đạo trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng là lực lượng tiêu biểu, tiên phong của nền văn hóa đó.

Thời gian gần đây, “văn hóa Đảng” được nhiều người thừa nhận như một khái niệm công cụ và là vấn đề cấp thiết cần phải tổ chức xây dựng, phát triển. Tính văn hóa của Đảng ta không chỉ biểu hiện ở sự đúng đắn, sáng suốt của những đường lối, chủ trương, mà còn biểu hiện ở sự gương mẫu, tiên phong, lối sống, phẩm chất đạo đức trong sáng, cách mạng của từng đảng viên cụ thể. Bởi thế, trong dịp tổng kết 30 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Trước hết, xây dựng, phát triển văn hóa Đảng là xây dựng và phát triển nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc xây dựng phải luôn gắn với việc tìm tòi, phát hiện, tổng kết những kiến thức mới, kinh nghiệm thực tiễn cách mạng mới của thời đại. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, đặc biệt là lý luận về xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trải qua nhiều năm, văn hóa Đảng luôn thể hiện được tính nghiêm túc, khoa học và sáng tạo trong việc hoạch định về đường lối, chủ trương. Công khai, dân chủ ý kiến của toàn Đảng, toàn dân về những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc.  Đây cũng là một trong những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng.
 
Tuy nhiên, sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thời gian gần đây là biểu hiện của sự suy đồi về chính trị, là một dạng thái phản giá trị, phản văn hóa trong Đảng và trong xã hội. Để tránh rơi vào thái cực đó, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ thường xuyên tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, mà còn phải luôn luôn giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Một trong những biện pháp để giữ vững mối liên hệ mật thiết với nhân dân là các cấp ủy, các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên phải làm tốt công tác dân vận, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên lĩnh vực này, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức công chức cho đảng viên; kết hợp với cải cách hành chính mạnh mẽ, triệt để, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, tích cực phòng, chống và phòng, chống có hiệu quả tệ nạn tham nhũng, tham ô, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác.

Cao Anh
;
.
.
.
.
.