.
Bếp Việt

... Nhì gái tơ

 

Gái tơ là ao ước, là tơ tưởng của khối anh đàn ông, của một nửa nhân loại, vậy mà chỉ xếp thứ hai. Ắt hẳn cái xếp trên gái tơ, thứ hạng cao hơn gái tơ, là cái quý hiếm lắm – là kim cương, là ngọc phỉ thúy, là vàng ròng? Xin thưa, không hẳn vậy, đơn giản đó chỉ là đĩa thịt bò tái, nhưng đĩa thịt bò tái ấy ngon quá, ngọt miệng quá khiến người thưởng thức cao hứng nói liều “Thứ nhất bò tái, thứ nhì gái tơ”!

Bò tái là món ăn tương đối phổ biến. Tô phở từ Bắc vào Nam, nhưng tô phở tái lại ngược đường từ Nam ra Bắc. Tô phở phía Bắc ít nhiều bảo thủ hơn trong Nam-nạm, gầu từ bao đời nay vẫn thơm vẫn béo. Nhưng lâu lâu lạ miệng rồi quen dần với tô phở tái vừa bổ vừa đỡ ngán. Những tiệm phở xứ Hà thành ngày nay, trong các loại phở có tên phở tái. Tuy nhiên tại nơi chôn nhau cắt rốn của phở, người ta chỉ chấp nhận bò tái, chứ không đồng ý với giá với rau húng. Chỉ điều này thôi cũng đã thấy bò tái, dù trong một bát phở, có cái để thuyết phục khách sành ăn…

Thực ra bò tái thì phải là… bò tái, không phải là một thành phần trong một món ăn nào đó. Nghe nói ở vùng núi phía Bắc có món bò tái kiến đốt rất đặc biệt, nhờ các đàn kiến khác nhau bu vào miếng thịt mà khi chế biến miếng thịt bò tái có hương vị khác nhau tùy thuộc tổ kiến đó là loài kiến gì. Không cần phải cầu kỳ như vậy, bò tái chanh, bò nhúng giấm dễ thực hiện, nhưng ngon không kém bất kỳ món bò tái nào. Một ngày đông lạnh giá, sẵn nồi than cho mẹ, tôi tranh thủ làm món bò nhúng giấm. Cả ký thịt phi-lê hết vèo cùng đĩa chuối chát xắt mỏng để nguyên cả vỏ! Không hiểu vì sao khi tái, miếng thịt bò ngọt và mềm đến vậy!...

Bê thui, tất nhiên là thui tái, còn màu hồng của thịt là món khá nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng suốt bao nhiêu năm qua. Khách thập phương tới Đà Nẵng tò mò lần đầu, hoặc thèm nếu đã nếm thử một lần, không thể không tìm đến món bê thui này. Trước cửa tiệm là một con bê trên bếp than, lớp da đã chuyển màu vàng, mắt mới nhìn chân đã bước vô tiệm. Khách muốn miếng đùi, khách muốn nhiều da… nhà hàng sẵn sàng đáp ứng. Khách muốn chấm muối ớt xanh, khách muốn chấm mắm nêm, nhà hàng dọn sẵn hai chén nước chấm kèm rau sống, chuối chát, khế, tỏi, ớt. Khách muốn bia có bia, muốn chén rượu gạo có rượu gạo. Nhà hàng chỉ một món bê thui, nhưng khách đông, nhưng chẳng bao giờ ế!...

Nhưng đấy là khách từ nơi khác đến. Còn như người Đà Nẵng một ngày cao hứng, muốn thưởng thức món bê thui thì nhất quyết phải vô Cầu Mống, nơi khai sinh món tuyệt hảo này. Thoạt nhìn, phương pháp làm món bê thui ở Cầu Mống và Đà Nẵng tuyệt nhiên không có gì khác biệt. Cũng con bê, cũng than hoa, cũng sả nhồi phía trong, cũng quay cái xiên cho thịt bê chín đều, cũng củ tỏi quả ớt đĩa rau đủ vị đó. Nhưng miếng thịt bê tái ở Cầu Mống dường như ngọt hơn, đậm đà hơn, ý vị hơn. Tại cảm giác của thực khách, tại người Cầu Mống có bí quyết riêng? Tại con bê chỉ ăn cỏ nên thịt ngọt? Tại rau sống Trà Quế, trái ớt sừng trâu, miếng chuối sứ không non không già xắt mỏng?... Không mấy người hỏi, không mấy ai trả lời. Nhưng tôi một lần băn khoăn thì một lần nhận ngay câu giải đáp. Ông bạn sành món bê thui bảo tất cả phụ thuộc vào than. Là vì ở Cầu Mống, người ta dùng than của cây dâu, chỉ một loại ấy thôi… Có tin được không lời giải thích có vẻ có lý này?

HOÀNG
;
.
.
.
.
.